Chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Lan Phương| 12/09/2017 01:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhân lực, đặc biệt nhân lực CNTT và triển khai ứng dụng CNTT đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Theo Báo cáo phân tích môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016, Việt Nam xếp thứ 90/189 nước tham gia xếp hạng. Với sự tác động của cách mạng CMCN 4.0, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi lợi thế cạnh tranh. Từ năm 2020 trở đi, Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà còn với những công ty tự động hóa của Mỹ hay Nhật Bản.

Nhìn cận cảnh vào ngành dệt may - ngành sử dụng lao động lớn nhất Việt Nam, đã xuất hiện robot làm việc cùng con người trong các nhà máy. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa. Cụ thể, có 86% lao động ngành dệt may của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia bị ảnh hưởng. Cùng với đó là hàng trăm ngàn người đang làm việc trong các hệ thống tổng đài trả lời của ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… cũng bị đe dọa.

Có thể thấy, CMCN 4.0 đang ngày càng hiện hữu với những tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển khác nhau đã xây dựng và triển khai chiến lược, qui hoạch, kế hoạch chuyển đổi số để thích ứng và làm chủ CMCN 4.0.

Phiên tọa đàm “Nhân lực số, đổi mới và sáng tạo khởi nghiệp” tại Diễn đàn ICT Summit 2017

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) (ICT Summit) 2017 vừa được tổ chức với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi Số trong CMCN 4.0”, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đối với cuộc CMCN 4.0 thì nhân lực là vấn đề rất quan trọng, trong đó đặc biệt quan trọng là nhân lực CNTT. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng một Đề án, trong đó nhấn mạnh đổi mới cơ chế, chính sách, cũng như đổi mới nội dung đào tạo nhân lực CNTT ở bậc Đại học trong giai đoạn mới.

Các mục tiêu lớn của Đề án gồm: Tăng quy mô đào tạo nhân lực CNTT; Tăng chất lượng, đảm bảo yêu cầu, sát với thị trường; Tăng mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) và nhà trưởng, cơ sở đào tạo để huy động xã hội hóa nguồn lực, trong đó nhấn mạnh nguồn lực của DN tham gia vào đào tạo. Hiện nay, nhân lực cho các ngành ứng dụng CNTT, của xã hội có nhu cầu rất lớn. Đề án nhấn mạnh giải pháp về đổi mới cơ chế đào tạo và chương trình, phương thức đào tạo.

Liên quan đến nhóm giải pháp cơ chế cho đào tạo, ông Nam cho biết với vai trò của nhân lực CNTT trong cuộc CMCN 4.0, đào tạo CNTT cần một cơ chế đặc thù để tăng cường chất lượng. Ngoài ra, chỉ tiêu đào tạo không cần được quy định. Chỉ tiêu đào tạo sẽ do đầu ra tự quyết định… Cần có cơ chế để cho các sinh viên đang học ngành không phải CNTT chuyển sang học CNTT, hoặc sinh viên sau khi kết thúc năm học thứ 2 – 3 các ngành không phải ngành CNTT có thể học năm cuối về ứng dụng CNTT bởi thực tiễn cho thấy cán bộ một ngành cụ thể với nền tảng ứng dụng CNTT căn bản có thể thúc đẩy ứng dụng CNTT trong ngành đó tốt nhất. Tương tự, một đối tượng đã học một chuyên ngành rồi thì có thể học văn bằng 2 về ứng dụng CNTT để gia tăng lợi thế và có thể ứng dụng cho công việc.

Ông Nam cũng cho biết Đề án sẽ bổ sung các tiêu chí đối với giảng viên, thỉnh giảng… cho phép các kỹ sư của DN CNTT có thể tham gia vào công tác giảng dạy, đặc biệt tham gia giảng dạy thực hành, giúp nhà trường đào tạo sát với nhu cầu thị trường, xã hội.

Một điểm nữa, theo ông Nam, Đề án có thể bổ sung cơ chế cho phép DN đặt hàng cơ sở đào tạo theo mong muốn của mình, DN tham gia vào biên soạn chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đóng góp vào cơ sở đào tạo, hay có thể đào tạo ngay tại DN, để chia sẻ dùng chung hạ tầng. Ông Nam cũng lưu ý là cần tăng cường đào tạo trực tuyến trong thời đại 4.0.

Cũng tại Diễn đàn, ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam cho biết vấn đề nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 không chỉ đối với Việt Nam. Singapore cũng gặp phải các vấn đề về nhân lực, tài năng. Singapore đã đề ra cách thức để tạo ra các tài năng như lựa chọn các kỹ sư CNTT và đưa họ sang nước ngoài đào tạo. Các kỹ sư CNTT trong môi trường quốc tế có thể học hỏi lẫn nhau và tiến bộ. Các kỹ sư này sẽ là hạt nhân và lan tỏa cho người khác.

Ông Pine cũng cho rằng mọi người cần ổn định nhưng người trẻ làm CNTT thì không. Người trẻ muốn chinh phục thế giới vậy hãy cho phép họ và cho họ môi trường để trả họ cống hiến.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng vấn đề quan trọng để có nhân lực trình độ cao cần quan tâm từ giáo dục phổ thông. Chúng ta đang đưa mô hình giáo dục STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ), Engineering - kỹ thuật và Math - toán học) vào trong các nhà trường phổ thông sẽ giúp cho nguồn các em tư duy sáng tạo từ rất sớm.

Cũng theo ông Bình, việc tự học, tiếng Anh rất quan trọng và có ý nghĩa cho CMCN 4.0. Tiếng Anh rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay. Ngày nay, mỗi người chúng ta đều tiếp xúc nhiều với Internet, You Tube… nếu không có tiếng Anh thì khó thành công và không thể kết nối. Có tiếng Anh để tiếp thu kiến thức và làm việc, giao tiếp trong môi trường quốc tế và Internet. Tiếng Anh còn giúp tiếp cận tri thức và tư duy. Tiếng Anh phải trở thành môn học bắt buộc và những bạn vào đại học phải có chứng chỉ tiếng Anh nhất định, ông Bình kiến nghị.

GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) đã nhấn mạnh muốn làm cách mạng, phải có lực lượng. Đào tạo nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết, là một trong hai yếu tố tiên quyết. Mỗi người lao động trong thời đại số cần được đào tạo và đào tạo lại.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ TT&TT… đã hình thành chính sách đổi mới về đào tạo nhân lực CNTT nhưng rất cần sự tham gia của cộng đồng DN CNTT. Sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường chưa có những kiến thức sát với nhu cầu DN. Cần dành thời gian nhiều hơn để sinh viên tìm hiểu những vấn đề thực sự cần thiết. 

Diễn đàn ICT Summit 2017 đã đưa ra 6 thông điệp, trong đó nhấn mạnh: Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học, và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến CMCN 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; có kế hoạch chủ động về chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao trong CMCN 4, nhất là nhóm lớn tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng gia đình, từng trường học, từng cộng đồng, từng DN; chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với những thay đổi căn bản của các mối quan hệ xã hội trong thời đại số.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO