Chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2020

Minh Tiến| 09/03/2020 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm nay, Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch gần nhau nên việc chuẩn bị hàng hóa Tết đã được các đơn vị và doanh nghiệp xây dựng và triển khai tương đối đầy đủ. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cũng như sau Tết của nhân dân.

Chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng

Nhằm thực hiện việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định thị trường, giá cả dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao các địa phương có phương án chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, bảo đảm không tăng giá lương thực, thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương có phương án bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm, không để thiếu hụt nguồn cung, gây sốt giá.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2020 - Ảnh 1.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn cung và cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21 tháng 10 năm 2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, theo đó yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết...

Về phía các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân và khả năng tự cung ứng địa phương, các tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân. Sở Công Thương các địa phương đang chủ động phối hợp với các Sở ban ngành liên quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố có phương án chuẩn bị, khai thác nguồn hàng thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng, tổ chức các hoạt động ký kết bảo đảm nguồn cung cho thị trường về số lượng và chất lượng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Triển khai chỉ đạo trên, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố. Sở dự kiến số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020, gồm: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Sở Công Thương cũng tham mưu chỉ đạo tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Thành phố sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Hà Nội cũng khuyến khích các đơn vị tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết tập trung các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố; tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.

Trong dịp này, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết (nhất là các mặt hàng thiết yếu) để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.

Cùng với Hà Nội, các địa phương khu vực phía Nam cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường cuối năm. Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ban hành và triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019 đối với hàng trăm mặt hàng cho tới Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Những mặt hàng được giữ giá là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết nguyên đán 2020. Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa 10 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán như: Các mặt hàng lương thực, đường, dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị… Hiện nay, hàng tháng lượng hàng bình ổn luôn chiếm từ 25 - 30% nhu cầu thị trường vào các tháng cận Tết, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường.

Giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn

Nhằm thực hiện việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định thị trường, giá cả dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Tại buổi làm việc, hai Bộ đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như sau: dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn (tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).

Các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân.

Do dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại 63 tỉnh và đã có những diễn biến phức tạp, nên ngay từ đầu Bộ Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng quản lý tại các địa phương, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với các tỉnh biên giới để đưa ra các biện pháp khống chế. Khi dịch bệnh xảy ra, đã chủ động chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sau khi Bộ NNPT&NT báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200 nghìn tấn thịt lợn dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đây là vấn đề được Bộ đặc biệt quan tâm không chỉ trước Tết, trong Tết mà còn sau Tết.

Chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2020 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân.

Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12 đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Thực hiện Chỉ thị, Bộ Công Thương đã đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty sản xuất, phân phối chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để đủ phục vụ bà con trước, trong và sau Tết. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, đưa ra những chỉ đạo kịp thời về nguồn cung.

Tại buổi họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn. Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn họp với Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan và một số doanh nghiệp nhập khẩu bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết, trong đó bàn phương án nhập 100.000 tấn thịt lợn để ổn định thị trường trong nước.

Về công tác tuyên truyền, từ khi xảy ra dịch bệnh, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa thông tin chính xác, kịp thời tới người tiêu dùng. Từ đó, để doanh nghiệp, người tiêu dùng ủng hộ, chung tay trong lúc nguồn cung thiếu, và hướng tới thực hiện nhập khẩu mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chỉ đạo, hướng tới việc tái đàn ở những vùng đã hết dịch để đảm bảo nguồn cung. Về việc đảm bảo thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn các mặt hàng như: thủy sản, thức ăn gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đắp cho việc thiếu mặt hàng thịt lợn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO