Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Hải Anh| 28/10/2022 09:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Những quyết sách của Chính phủ đối với thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn cũng như vị trí và những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng

Vai trò của thương hiệu đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm từ rất sớm. Bộ Công Thương đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan thường trực từ năm 2003, có trách nhiệm kết nối, phối hợp với các Bộ, Ngành để thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng điều này đã thể hiện rõ sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ đối với thương hiệu quốc gia. Trọng trách được giao cho Bộ Công Thương nhằm điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thông qua các hoạt động quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp của Chương trình, các sản phẩm mang thương hiệu Việt cũng đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước tăng cường sự nhận biết; tạo niềm tin vào hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Những quyết sách của Chính phủ đối với thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn cũng như vị trí và những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các chính sách của Chính phủ cùng với hoạt động của doanh nghiệp giúp quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, qua đó cũng tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại buổi họp báo về Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết các thương hiệu sản phẩm uy tín và có chất lượng sẽ được bảo trợ, nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, có nhiều đóng góp giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức về thương hiệu, vai trò quan trọng của thương hiệu, giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng được nâng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khẳng định vị thế trên thị trường thông qua các tiêu chí về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt đến những thành tựu hôm nay, là nhờ có sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Đây chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị giúp các sản phẩm mang thương hiệu Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các chuỗi liên kết giá trị được hình thành, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam được tạo dựng trên thị trường quốc tế.

Việt Nam ngày càng có sự tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Vị thế quốc gia cần phải được khẳng định trong cộng đồng quốc tế, có như vậy mới nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tổng thể nền kinh tế, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. “Để thành công, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Tiêu chí đổi mới, sáng tạo luôn được đánh giá cao

Theo thông tin được Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến, Phó Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong kỳ xét chọn năm nay, ghi nhận số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. 

Có 64 doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, chiếm 37,2% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Bên cạnh những thành tích đáng tự hào như số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng cao, cũng như sự xuất hiện của nhóm các doanh nghiệp mới tham gia, Chương trình năm nay cũng có kết quả rất tích cực, tự hào, đó là 19 doanh nghiệp đã có 8 lần liên tiếp ghi nhận sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.

Hơn thế nữa, xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường nằm trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay. Về độ phủ, các doanh nghiệp có những lĩnh vực hoạt động trên 30 ngành hàng khác nhau. Về mặt địa lý, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 đến từ 35 tỉnh thành thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Đối với những quyền lợi được hưởng sau khi sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông tin rằng Chương trình sẽ hỗ trợ các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, đồng hành cùng các doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế, qua đó cũng quảng bá cho Chương trình và đất nước Việt Nam. Những quyền lợi cụ thể như doanh nghiệp sẽ sử dụng logo của Chương trình trên các sản phẩm truyền thông cho sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận cũng sẽ được tập trung hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị và phát triển thương hiệu, cũng như hỗ trợ quảng bá hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khẳng định vị thế trên thị trường thông qua các tiêu chí về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong.

Trong thực tế, Chương trình Thương hiệu quốc gia luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, như tổ chức đa dạng hoạt động để tăng tính lan tỏa, lồng ghép các hoạt động để quảng bá cho các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Trong công tác xét chọn sản phẩm, tiêu chí đổi mới, sáng tạo luôn được đánh giá cao. Kỳ xét chọn lần này, Ban tổ chức cũng đã làm việc chặt chẽ với các chuyên gia để mỗi doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia luôn được các chuyên gia cân nhắc kỹ yếu tố đổi mới sáng tạo.

Theo thông tin tại buổi họp báo về Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022, sự kiện năm nay sẽ diễn ra ngày 2/11/2022, với chủ đề “Kiến tạo tương lai”. Lễ Công bố sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, địa phương, đông đảo doanh nghiệp.

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam ngày 29/9/2022 đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ-BCT công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022.

Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Ban Thư ký Chương trình sẽ phối hợp với các Bộ/ Ngành, cơ quan liên quan tổ chức chuỗi hoạt động bao gồm: Buổi tiếp kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia vào ngày 2/11/2022 tại Văn phòng Chính phủ. Lãnh đạo Đảng; Nhà nước và Chính phủ sẽ tới tham dự, trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia và phát biểu giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Đây là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO