Trong buổi trò chuyện về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ không có được nguồn lực lớn, do đó phải xem xét phân bổ chi phí hiệu quả khi chuyển đổi số. Cần xác định mục tiêu muốn đạt được, sau đó phân tích tỉ mỉ các bước thực hiện sao cho tiết kiệm. Cuối cùng, ưu tiên các giải pháp công nghệ tinh gọn, hiệu quả nhanh.
Một ưu thế lớn của doanh nghiệp quy mô nhỏ chính là mô hình quản trị linh hoạt, tinh gọn nên dễ thích ứng với những vấn đề mới. Doanh nghiệp càng nhỏ, số lượng người đưa ra quyết định càng tập trung hơn, do đó các chiến lược và những thay đổi dễ được thông qua.
FPT Digital có kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn lớn lẫn các doanh nghiệp quy mô trăm người. Dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, khi bắt đầu chuyển đổi số, ông Minh cho rằng cần thực hiện 4 bước.
Trước nhất, doanh nghiệp cần đặt các câu hỏi để xác định chiến lược cụ thể. Các vấn đề thường được chú trọng bao gồm vận hành nội bộ, quản lý khách hàng, quản trị hành chính, quản lý dữ liệu.
Đánh giá hiện trạng của tổ chức để xác định vấn đề cần cải thiện, thường phát sinh ở mặt quy trình, hạ tầng công nghệ hỗ trợ, nghiệp vụ,... Ví dụ như quy trình đã ngắn gọn và linh động hay chưa, hạ tầng hiện tại đáp ứng được nhu cầu phát triển không.
Sau đó, doanh nghiệp cần xây dựng mô hình tổ chức và hạ tầng cụ thể; xác định các mục tiêu ưu tiên cần giải quyết ngay - “đau đâu giải quyết đấy”.
Sau khi hoàn thành 3 bước trên, cần lập kế hoạch thực hiện, quy hoạch lộ trình chuyển đổi số ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong đó, phải có những giải pháp ngắn hạn mang lại hiệu quả nhanh để cổ vũ cho cả quá trình. Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa số và có kế hoạch cân đối nguồn lực.
Đồng tình với quan điểm “đau đâu giải quyết đấy”, ông Trịnh Ngọc Bảo - đồng sáng lập, Giám đốc vận hành Base.vn - cho rằng doanh nghiệp cần có phương pháp luận để giải “nỗi đau” của riêng mình. Từ kinh nghiệm xây dựng chuyển đổi số cho rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Bảo cho hay mỗi ngành có một đặc thù riêng, thậm chí mỗi doanh nghiệp trong một ngành lại gặp vấn đề khác nhau, do đó không có lời giải chung.
Sau khi đã tìm ra lộ trình và cách thức thực hiện, đại diện Base khẳng định các doanh nghiệp phải kiên nhẫn để đi được đến đích cuối cùng.
Việc chuyển đổi số không chỉ đơn thuần thay đổi về công nghệ, mà doanh nghiệp gần như thay đổi toàn diện về tư duy, văn hoá, chiến lược. Do đó, cần sự thống nhất từ lãnh đạo tới nhân viên, cấp quản lý phải trao quyền cho bộ phận ở dưới, thực hiện các phương pháp thử - sai nhằm tìm ra kết quả tốt nhất. Theo kinh nghiệm của Base.vn, những dự án nào có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo doanh nghiệp, dự án đó càng thành công vì chỉ có người đứng đầu mới nhìn ra vấn đề và đủ thẩm quyền giải quyết ngay vấn đề phát sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hanh, Giám đốc công ty xây dựng Artéco, cũng cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp phải sát sao với tiến trình chuyển đổi số ngay từ đầu và kiên nhẫn đi theo lộ trình đã vạch ra.
Trước khi sử dụng nền tảng thống nhất của Base.vn, nhân viên công ty ông Hanh thường dùng các phần mềm và ứng dụng riêng lẻ. Việc chuyển đổi sang một nền tảng khác gây khó khăn ban đầu cho nhiều người. Tuy vậy, công ty nhất quyết đi theo hướng sử dụng chung nền tảng và có đội giám sát nhân viên thực hiện.
“Chúng tôi phải thật sự kiên nhẫn, thuyết phục nhân viên nhận ra lợi ích của chuyển đổi số. Nếu không kiên quyết thì giống như đánh trống bỏ dùi, tạo tâm lý thờ ơ”, ông Hanh nêu ý kiến.
Sau một thời gian, toàn bộ nhân sự công ty từ nhân viên văn phòng, kiến trúc sư, kỹ sư công trình,... đều làm việc dựa trên một nền tảng thống nhất. Từ đó, các báo cáo được phân quyền, số lượng công việc lên tới lãnh đạo bớt đi vì nhiều việc được giải quyết từ cấp dưới.
“Tôi cho rằng việc cải tiến công cụ lao động là điều tiên quyết để cải tiến năng suất. Trong đó, chuyển đổi số chính là cải tiến công cụ lao động”, ông Nguyễn Đăng Hanh nhấn mạnh./.