Chuyển đổi số để địa phương giàu mạnh, người dân hạnh phúc

Hoàng Linh| 02/12/2022 14:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngày 02/12/2022, tại Hà Tĩnh, UNBD tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số (CĐS). Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã truyền đạt đến Hội nghị thông tin chung về CĐS, các câu chuyện CĐS và các khuyến nghị cho tỉnh Hà Tĩnh.

CĐS đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, CĐS là chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số. CĐS hiện nay đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Chuyển đổi số để địa phương giàu mạnh, người dân hạnh phúc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: CĐS hiện nay đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống

Thứ trưởng lấy ví dụ gần đây là World Cup 2022 đã cho thấy CĐS rõ nhất. Quả bóng của World Cup lần này có tên là AI Rhla gắn cảm biến, có thể sạc pin để gửi dữ liệu khoảng 500 lần/giây về tổ kỹ thuật. Tổ kỹ thuật không chỉ xem video mà phân tích dữ liệu về một thông tin như quả bóng vượt qua sân hay không mà nhiều khi mắt thường thông thấy được, chính xác hơn cả công nghệ VAR hay tính toán chính xác thời gian bóng chết tới từng giây, để mọi quyết định của trận đấu có thể được đưa ra chính xác.

Ví dụ thứ hai là vắc-xin Moderna, Pfizer cũng là một câu chuyện CĐS thành công khi vắc-xin này có thể gọi là vắc-xin công nghệ số khi khác với vắc-xin truyền thống, khi không tiêm một virus vào cơ thể người mà tiêm một đoạn mã lệnh vào tế bào, hướng dẫn tế bào phản ứng khi gặp virus. Moderna đã trở thành một kỳ lân công nghệ thành công lớn nhờ CĐS.

Thứ trưởng chia sẻ: "CĐS là làm khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số".

CĐS là việc tất cả của mọi người

Thứ trưởng cũng chia sẻ CĐS là việc của lãnh đạo, các cơ quan, tổ chức, của bất cứ ai, dù tổ chức lớn, nhỏ đều có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện CĐS trong phạm vi của mình. Người đứng đầu có vai trò quan trọng.

Để làm CĐS thì phải đặt đề bài cho cơ quan, tổ chức của mình. Làm CĐS là đặt bài toán đúng. Người lãnh đạo đặt mục tiêu đúng, tiếp theo là kiên trì với mục tiêu đúng. CĐS cũng cần có người hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ, chỉ dẫn, tiếp sức.

CĐS quốc gia dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số (làm cho người dân giàu hơn), xã hội số (làm cho người dân hạnh phúc hơn). CĐS ở Hà Tĩnh là làm cho tỉnh giàu mạnh hơn, người dây tin tưởng và hạnh phúc hơn.

Kết quả Chỉ số CĐS (DTI) năm 2021 của Hà Tĩnh chưa cao nhưng bảng xếp hạng chỉ mang giá trị tương đối. Theo đó, Thứ trưởng cho biết: "Đây là tiền đề để Hà Tĩnh khởi sắc, đột phá từ năm 2022 trở đi xuất phát từ hành động".

Hà Tĩnh có 1,3 triệu dân, gần 800.000 người trong đội tuổi lao động, gần 400.000 hộ gia đình, hơn 5000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Theo đó, CĐS Hà Tĩnh đầu tiên là chuyển đổi nhận thức.

Chuyển đổi số để địa phương giàu mạnh, người dân hạnh phúc - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tham dự Hội nghị tháo gỡ khó khăn về CĐS tại Hà Tĩnh

Thứ trưởng cho biết: "Nhận thức phải làm định kỳ thường xuyên, lặp đi lặp lại, hàng tuần, hàng tháng hàng năm, làm trở thành thói quen, thành văn hoá để trở nên bền vững".

Để giúp các địa phương về tuyên truyền, Bộ TT&TT đã tập hợp những câu chuyện CĐS thành công ở 63 địa phương tại địa chỉ t63.mic.gov.vn. Nhưng theo Thứ trưởng, trong 1,3 triệu người dân, 400.000 hộ gia đình, 5.000 DN tại Hà Tĩnh sẽ có nhiều câu chuyện CĐS thành công mà chưa được biết nên các huyện, xã cần tìm những câu chuyện CĐS thành công ở địa bàn để phổ biến chính những câu chuyện thành công đó.

Về phát triển chính quyền số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ câu chuyện của tỉnh Thái Nguyên xung phong thí điểm cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư khai sinh, khai tử trực tuyến liên thông từ bệnh viện, bảo hiểm, tư pháp, hộ tịch đến Công an khu vực. Theo đó, hàng ngày lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với sự trợ giúp của các DN công nghệ có thể nhắn tin chúc mừng, chia sẻ với các hộ gia đình khi có tin vui, tin buồn. Hay câu chuyện của tỉnh An Giang hay câu tại Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, giờ đây chính quyền huyện, tỉnh có thể biết trong ngày có bao nhiêu du khách du lịch trên địa bàn để gửi tin nhắn chúc mừng, thông báo có thể truy cập một số đường link cần hỗ trợ nhờ phân tích dữ liệu từ các nhà mạng.

"Sự gần gũi hơn giữa chính quyền và người dân đã khả thi nhờ dữ liệu. Chính quyền số cần luôn ở bên cạnh mỗi người dân. Mỗi người dân ở tỉnh Hà Tĩnh đã có smartphone, theo đó, chính quyền có thể khai thác để hiện diện nhiều thông tin chính quyền qua các tương tác trên smartphone", Thứ trưởng chia sẻ.

CĐS cũng giúp thay đổi cách làm việc cách làm việc của mỗi cán bộ, công chức trên địa bàn.

Tỉnh Hà Tĩnh có thể bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ công nhân viên thông qua nền tảng OneTouch của Bộ TT&TT. Cục CĐS Quốc gia sẽ hỗ trợ để đào tạo.

Về trụ cột kinh tế số, các hộ kinh doanh cá thể, các DN nhỏ và vừa (SME) có thể phát triển hoàn toàn nhờ vào kinh tế số, kinh tế Internet, thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.

Đầu tiên tỉnh cần hỗ trợ SME sử dụng các nền tảng số xuất sắc. Bộ TT&TT đã tổng hợp 23 nền tảng số xuất sắc để sẵn sàng hỗ trợ SME trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chính sách của Bộ TT&TT là các hộ kinh doanh cá thể, SME được sử dụng miễn phí các nền tảng số trong 6 tháng. Sau đó, các hộ, SME thấy hiệu quả thì trả phí 6 tháng cho 1 năm tiếp theo để sử dụng. Trung bình 1 SME cỡ 10 người thì mỗi người sử dụng nền tảng số chỉ phải trả khoảng 30.000 đồng/tháng.

"Việc sử dụng này có phí rẻ như điện, nước. Hà Tĩnh có thể hướng dẫn SME trên địa bàn sử dụng các nền tảng số xuất sắc do Bộ TT&TT lựa chọn".

Thứ trưởng cũng chia sẻ câu chuyện về những SME dệt may ở hai tỉnh Hải Dương, Quảng Nam đã CĐS nhờ vào nền tảng CĐS dệt may là Retech. Nền tảng được triển khai thành công tại 60 xưởng may lớn tại Việt Nam. Mỗi xưởng có trung bình 500 - 1000 công nhân khi sử dụng nền tảng số này thì năng suất lao động tăng 32%, tăng trưởng doanh thu khoảng 40%, 21% khối lượng công việc được cắt giảm, giảm 12% chi phí, 5% lãng phí vải. 60 DN sử dụng nền tảng Retech này trong vòng 2 năm đại dịch, kinh doan tốt. Các DN dệt may Hà Tĩnh có thể tham khảo.

Về phát triển cảng biển, Hà Tĩnh có thể tham khảo câu chuyện CĐS cảng biển của Cảng Đình Vũ, Hải Phòng, cảng biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nâng cao cạnh tranh khi có thể giảm 20% chi phí vận tải, 90% chi phí nhân sự…

Hà Tĩnh có nhiều nông sản, theo đó, có thể kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán để giảm giá trung gian hay ứng dụng công nghệ cho nông sản để gia tăng giá trị cao hơn. Hà Tĩnh có bưởi Phúc Trạch giá bán khoảng 60.000 đồng, có thể ngon không kém gì quả dưa lưới Nhật Bản có giá có thể tới 300 USD. "Giá trị gia tăng, sự khác biệt nằm ở công nghệ. CĐS là mang giá trị công nghệ vào các nông sản để bán với giá tốt hơn".

Phát triển kinh tế số cũng là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến ở Việt Nam như câu chuyện nhiều cửa hàng cắt tóc ở quận Thanh Xuân, Hà Nội hay chợ Đại Từ Thái Nguyên bán nhiều thứ chỉ cần quét mã QR để thanh toán. Hà Tĩnh có thể thúc đẩy việc này, đầu tiên là triển khai ở cơ sở giáo dục, y tế. Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh là mô hình thực hiện CĐS điển hình có thể tham khảo về CĐS bệnh viện.

Kinh tế số còn làm cho người dân giàu hơn nhờ dữ liệu. Bộ TT&TT đang thử nghiệm thành lập tổ công nghệ số cộng (CNSCĐ) đến thôn, xóm phổ cập kỹ năng số. Tổ gồm tổ trưởng tổ dân phố, Công an khu vực, Đoàn TNCS HCM, DN Công nghệ số trên địa bàn. Có lợi thế mỗi thôn xóm để có tổ trưởng tổ dân số, Công an, DN công nghệ số… Tổ có trách nhiệm đi từng ngõ gõ từng nhà, hướng dẫn bà con: (1) DN, người dân khi cần giao tiếp với chính quyền có thể làm online, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT; (2) hướng dẫn người dân mua sắm, bán hàng trực tuyến (3) thanh toán trực tuyến; (4) sử dụng smartphone đảm bảo an toàn cho mỗi người; (5) hướng dẫn những đặc thù theo từng địa phương.

CĐS để mọi việc tốt đẹp hơn

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng lưu ý khi bắt đầu CĐS nhận thức về phương hướng và sớm phát hiện ra sự chệch hướng là quan trọng. CĐS phải thiết thiết lập hệ thống giám sát các các ngưỡng cảnh báo sớm, đóng vai trò như là cái phanh của chiếc xe không phải để dừng chiếc xe lại mà để yên tâm nhấn ga đi nhanh hơn.

Phanh đầu tiên là cái phanh về mặt nhận thức. Chúng ta phải nhận thức rằng CĐS không phải là thêm 1 nhiệm vụ mới, mà CĐS là thêm một phương thức mới để giải quyết các vấn đề của chúng ta. Nếu trong tiến trình CĐS 1 năm, mà thêm gánh nặng thì tạm dừng lại để xem xét có việc gì chưa đúng để điều chỉnh. "CĐS để cho mọi việc tốt đẹp hơn nên việc rà soát, đánh giá hàng năm là hết sức cần thiết".

Phanh thứ hai là sự tham gia của các bên. CĐS là cần sự tham gia của tất cả mọi người. Một mô hình giản lược nhất sẽ gồm 3 người: người đặt ra bài toán, người phát triển công cụ để giải bài toán và người sử dụng công cụ để xử lý bài toán. Vì vậy, CĐS cần sự vào cuộc của ba người: nhà lãnh đạo đặt ra bài toán, đơn vị chuyên trách CNTT, DN công nghệ phát triển công cụ và toàn bộ máy sử dụng công cụ để giải quyết bài toán.

Phanh thứ ba là về vai trò người đứng đầu. Người lãnh đạo cao nhất phải là người đi đầu CĐS. Phanh thứ tư là về quản lý kinh phí về CĐS, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản 639 ngày 28/2/2022 hướng dẫn chi tiết nội dung này.

Thứ trưởng cũng lưu ý cần thúc đẩy sử dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 về việc Phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để địa phương giàu mạnh, người dân hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO