Đây là kết quả hợp tác của NUS Medicine, Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia (National University Health System) và một công ty công nghệ nhằm triển khai thực tế hỗn hợp để nâng cao trải nghiệm học tập.
Thông qua công nghệ hình ảnh nổi ba chiều, sinh viên y khoa và điều dưỡng có thể trau dồi kỹ năng của họ tốt hơn trong quá trình đào tạo. Công nghệ này được sử dụng để chiếu các hình ảnh ba chiều nhằm cung cấp cho các sinh viên y khoa và điều dưỡng một cái nhìn trực quan về các tình huống lâm sàng trong thực tế.
Bộ phần mềm giảng dạy được phát triển bởi nhóm nghiên cứu từ NUS Medicine và Microsoft Industry Solutions, trong đó công nghệ thực tế hỗn hợp 3D sẽ được sử dụng để giúp sinh viên thực hành các kỹ năng thủ thuật lâm sàng.
Dự án có 3 cấp độ với mục tiêu đào tạo và cung cấp đầy đủ những hướng dẫn để cho phép sinh viên ở các cấp độ năng lực khác nhau đạt được các tiêu chuẩn cao nhất về thực hành lâm sàng một cách an toàn. Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, thực tế ảo và thực tế hỗn hợp đã được xác định là một công cụ quan trọng, cần phải có trong dạy và học từ xa.
Dự án nhằm đào tạo cho các sinh viên các kỹ năng mềm lâm sàng và giải phẫu lâm sàng, đưa NUS Medicine trở thành đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai thực tế hỗn hợp ba chiều như một công cụ giảng dạy để đào tạo sinh viên y khoa và điều dưỡng.
Từ việc cung cấp trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tốt hơn ở tuyến đầu đến việc giúp các bác sĩ phẫu thuật thần kinh thông tin cho bệnh nhân chính xác hơn về những gì có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, công nghệ đã trao quyền cho nhân viên y tế giúp họ bảo vệ và cứu sống bệnh nhân.
Là một trong số ít cơ sở giáo dục tại Đông Nam Á có hợp tác với bệnh viện trong quá trình đào tạo, NUS Medicine có lợi thế đặc biệt trong việc ứng dụng các giải pháp thực tế hỗn hợp vào quá trình giảng dạy.
Theo báo cáo của OpenGov Asia, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Sáng kiến và Công nghệ y tế của NUS và khoa Kỹ thuật điện và máy tính của NUS đã phát minh ra một loại chỉ khâu thông minh không dùng pin và có thể cảm nhận cũng như truyền thông tin từ các vị trí phẫu thuật sâu. Chỉ khâu này được tích hợp một cảm biến điện tử nhỏ có thể theo dõi vết thương, rò rỉ dạ dày và các vấn đề vi mô trong khi vẫn mang lại hiệu quả tương đương với chỉ khâu y tế.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu đang tìm cách phát triển một thiết bị đọc không dây di động để thay thế cho thiết bị đọc hiện đang được sử dụng để đọc thông tin truyền về từ chỉ khâu thông minh, cho phép giám sát và phát hiện các biến chứng ngay cả khi bệnh nhân ở ngoài cơ sở y tế. Điều này có thể cho phép bệnh nhân xuất viện sớm hơn sau khi phẫu thuật.
Nhóm nghiên cứu hiện đang làm việc với các bác sĩ phẫu thuật và các nhà sản xuất thiết bị y tế để điều chỉnh chỉ khâu nhằm phát hiện vết thương chảy máu và rò rỉ sau phẫu thuật đường tiêu hóa. Họ cũng đang tìm cách tăng cường hoạt động của chỉ khâu thông minh đối với các vết thương nằm sâu để cho phép theo dõi các cơ quan và mô nằm ở sâu hơn./.