Diễn đàn

Chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử tạo những giá trị lớn lao cho xã hội

Hoàng Linh 16/06/2024 20:56

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS), ngày 16/6/2024, Uỷ ban Quốc gia về CĐS đã tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình CĐS thành công các bộ, ngành. Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã được Ủy ban Quốc gia về CĐS lựa chọn là đơn vị tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình CĐS thành công cấp bộ, ngành.

Hội nghị do TANDTC tổ chức kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu TAND các cấp trong toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã dự Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và ngành Tòa án.

tt-va-cac-dai-bieu(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị.

CĐS ngành Tòa án, góp phần bảo vệ công lý

Tại Hội nghị, các đại biểu được giới thiệu khung CĐS cấp bộ, ngành; kết quả công tác CĐS của ngành TAND và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; bài học kinh nghiệm từ thành công CĐS của ngành Tòa án.

Hội nghị cũng nghe tham luận với các chủ đề “Xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án”, “Trợ lý ảo - công cụ đắc lực cho Thẩm phán”, “Quản lý hoạt động tố tụng trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án”. Đặc biệt, Hội nghị được xem trực tiếp một số phiên tòa xét xử trực tuyến đang diễn ra tại một số địa phương.

psx_20240616_154736(1).jpg

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng nền Tư pháp nói chung, ngành TAND nói riêng và Chương trình CĐS Quốc gia, thời gian qua, ngành TAND tích cực triển khai CĐS trong lĩnh vực tư pháp, xét xử góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

Trong đó, ngành đã triển khai xây dựng nhiều nền tảng số về quản lý hoạt động tố tụng, quản lý công việc, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, quản lý tài sản, họp, hội nghị trực tuyến, thống kê, tổng hợp, giám sát thông tin về Tòa án trên không gian mạng và giám sát và điều hành hoạt động TAND.

Ngành Tòa án đã đẩy mạnh CĐS nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Cùng với đó, xét xử trực tuyến đã được triển khai tại Tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm hơn 96 tỷ đồng.

Ngành Tòa án bước đầu ứng dụng AI và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay, đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày.

Xây dựng Tòa án điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ CĐS là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “CĐS là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất”.

Việt Nam xác định CĐS phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, CĐS đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng”, Thủ tướng cho biết.

tt-pham-minh-chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của CĐS quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN) dựa trên công nghệ số.

Thời gian qua, công tác CĐS quốc gia được tập trung chỉ đạo, có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nền tảng CĐS quốc gia được củng cố và phát triển trên tất cả 6 phương diện: Thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin (ATTT).

Đến nay, có 81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng, 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; 82,9% thuê bao di động đã sử dụng điện thoại thông minh.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương. 763/1.084 (trên 70%) thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã được đơn giản hoá. Hơn 4,5 nghìn DVC trực tuyến đã được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia.

Hiện, có 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử được triển khai mạnh mẽ. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng mobile money.

Đề án 06 đã cung cấp 25/25 DVC thiết yếu, tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm; Triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện từ tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế. Đến nay, 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Thủ tướng cho biết công tác xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành, nhất là trong công tác CĐS; góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Xây dựng Tòa án điện tử với tinh thần “5 đẩy mạnh”

Định hướng công tác trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Tòa án tiếp tục phát huy mạnh mẽ CĐS, xây dựng Tòa án điện tử với tinh thần “5 đẩy mạnh”.

Đó là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong CĐS, xây dựng Tòa án điện tử; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng Tòa án điện tử và bảo đảm an ninh mạng, ATTT trong mọi tình huống; Đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ để nâng cao năng lực quản trị và thực thi của Tòa án trên nền tảng số; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển Tòa án điện tử; Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngành TAND để mọi cán bộ, công chức, thẩm phán đồng lòng hưởng ứng tham gia tiến trình CĐS và xây dựng Tòa án điện tử.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh CĐS trong ngành TAND, phát triển Tòa án điện tử.

Trong đó, ngành sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.

Cùng với đó là việc đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử TANDTC và các trang thông tin điện tử của các TAND các cấp; nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành tòa án nhân dân, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của TAND được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến hướng tới 100% TAND đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử; đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến.

Bên cạnh đó, ngành cần đơn giản hóa hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân; nghiên cứu tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp Tòa án.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, ngành TAND tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

CĐS đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp

Với những kết quả CĐS của TAND, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban CĐS Quốc gia nhấn mạnh: “Thành công nhất là CĐS đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp. Đây là kết quả của ba năm CĐS. CĐS sẽ không thành công nếu chỉ là phong trào, đó là kết quả của một quá trình liên tục.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc Chánh án TANDTC trực tiếp làm dự án CĐS đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc CĐS ngành Tòa án là điều kiện tiên quyết để CĐS thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ: Ngay từ đầu Tòa án đã lựa chọn đối tác chiến lược để đồng hành, CĐS là một hành trình, không phải là mua một phần mềm về dùng như thời CNTT mà là phát triển các phần mềm cho chính mình.

Phần mềm CĐS không phải là viết ra là xong mà sẽ được hoàn thiện trong quá trình sử dụng, và như vậy một mình DN công nghệ số không thể tự làm, Tòa án cũng không có lực lượng công nghệ để tự làm. CĐS thì phần mềm bao giờ cũng là do hai người cùng làm, DN công nghệ số và cơ quan nhà nước (CQNN). Họ phải đi với nhau là một chặng đường dài, là đối tác chiến lược của nhau và DN phải có nguồn nhân lực dành riêng cho dự án CĐS.

Theo Bộ trưởng, CQNN phải đặt rõ bài toán cho DN công nghệ số, dạy nghề, dạy chuyên môn ngành mình cho DN, đưa dữ liệu, đưa trí thức ngành cho DN để DN phát triển sản phẩm, rồi sau đó trực tiếp dùng sản phẩm hàng ngày và liên tục đưa ra các yêu cầu hoàn thiện sản phẩm. Đó là yêu cầu đối với CQNN để CĐS thành công. Phần mềm đã viết xong nhưng làm cho nó thông minh lên từng ngày lại chính là việc của CQNN.

Ví dụ, sau hơn 2 năm TANDTC sử dụng hệ thống số, người dùng hệ thống đã đưa lên 27.000 tình huống pháp lý khó để được tư vấn và từ đây đã hình thành 18.000 tình huống chuẩn hóa và được nhập vào hệ thống để tham khảo cho về sau, làm giàu thêm tri thức của ngành tòa án.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Việc Chánh án TANDTC trực tiếp làm dự án CĐS đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc CĐS ngành Tòa án là điều kiện tiên quyết để CĐS thành công”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định CĐS của TANDTC ngay từ ngày đầu đã tập trung vào phục vụ đối tượng trung tâm là cán bộ, công chức của Tòa án, tạo ra các công cụ số, trợ lý ảo để giảm tải công việc, giảm thời gian làm việc, tăng chất lượng công việc cho họ.

Việc CĐS và xây dựng Tòa án điện tử tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội

Với những đánh giá của Thủ tướng và ghi nhận của lãnh đạo Bộ TT&TT về những kết quả CĐS của ngành Toà án, ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TANDTC nhấn mạnh việc lựa chọn TANDTC là đơn vị tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình CĐS thành công cấp bộ ngành là một vinh dự lớn, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, hiện đại hóa hoạt động Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

psx_20240616_154129.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình: Việc CĐS và xây dựng Tòa án điện tử sẽ tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp.

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, ngày nay sự phát triển rất nhanh của công nghệ số đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động tòa án.

Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã thôi thúc tòa án phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, CĐS để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, của đất nước. Trên thực tế CNTT đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm sự thông suốt, liên tục của hoạt động tư pháp.

Thực tiễn quốc tế cho thấy những nước có nền khoa học tiên tiến và sớm chú trọng CĐS hoạt động xét xử đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao yêu cầu hoạt động lĩnh vực này. Điển hình là Trung Quốc. Theo báo cáo đánh giá của Trung Quốc, việc triển khai tòa án điện tử đã giúp các thẩm phán nâng cao lên 50% năng suất lao động và tiết kiệm 30% chi phí cho tòa án.

Ở Việt Nam, Chánh án TANDTC khẳng định không nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Đẩy nhanh quá trình CĐS và xây dựng Tòa án điện tử đã được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của cải cách tư pháp trong Tòa án là cơ hội để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.

Chánh án TANDTC nhấn mạnh: Việc CĐS và xây dựng Tòa án điện tử sẽ tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp, giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây cũng chính là việc thực hiện cam kết quốc tế của Tòa án Việt Nam đến năm 2025 cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử tạo những giá trị lớn lao cho xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO