Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới

Thái Khang| 01/10/2020 15:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Hơn 30 năm trước, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng và chính tư duy đổi mới mạnh mẽ đã đưa ngành Bưu điện chuyển đổi sang kỹ thuật số thành công.

Lời tòa soạn: Hơn thập kỷ sau 1975, Bưu điện được xem là ngành nghèo và lạc hậu nhất. Thế nhưng, với tầm nhìn và tư duy đổi mới mạnh mẽ cùng hành động quyết liệt, Bưu điện đã "lột xác" trở thành ngành hiện đại ngang tầm thế giới, đóng vai trò là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước. Hơn 30 năm qua, những bài học và kinh nghiệm đổi mới, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành Bưu điện vẫn là câu chuyện mang đầy tính thời sự cho các ngành, các lĩnh vực của Việt Nam cũng như là hành trang của ngành thông tin - truyền thông tiếp tục bước vào kỷ nguyên 4.0 và chuyển đổi số. VietNamNet đã tìm lại các nhân chứng, lắng nghe các câu chuyện và giới thiệu với bạn đọc những bài học lịch sử của ngành.

Cú hích từ tầm nhìn của nhà lãnh đạo tiên phong

Những năm đầu thập kỷ 1980, Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện, một phần do hậu quả của chiến tranh tàn khốc, một phần là hệ quả của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Ngành Bưu điện Việt Nam cũng như các ngành kinh tế - xã hội khác, bước ra khỏi cuộc chiến tranh mang trên mình đầy thương tích. Công nghệ lạc hậu, đời sống khó khăn, nhiều người chuyển ngành.

Lúc đó, mạng lưới đang sử dụng công nghệ Analog. Sau khi cân nhắc kỹ, lãnh đạo đã quyết định đi thẳng vào công nghệ số (Digital).

Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn như không có vốn (toàn ngành không có được 1 triệu USD), mạng analog tại Việt Nam vẫn hiện đại so với các nước xã hội chủ nghĩa, đang trong lúc không có vốn đầu tư lại bỏ đi mua thiết bị mới nên nhiều người băn khoăn.

Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cơ sở truyền báo theo phương thức mới. Ảnh: Tư liệu

Vượt qua nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam còn nghèo, không có tiền đầu tư, trong khi có thể tận dụng hệ thống tổng tổng đài analog của Đức chuyển giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân đã “bấm nút chọn digital, cương quyết đi thẳng vào hiện đại hóa. Sau này, lịch sử đã chứng minh quan điểm, tầm nhìn của ông là đúng, tạo nên cuộc cách mạng trong ngành Bưu điện.

Ông cùng tập thể lãnh đạo bàn bạc thống nhất và đi đến quyết tâm cao về ý thức tự lực tự cường, cương quyết bứt khỏi chế độ cũ nhằm khắc phục tâm lý và thói quen ỷ lại trông chờ cấp trên, trông chờ ngân sách.

Ngành Bưu điện đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ với phương châm bỏ qua công nghệ trung gian đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá.

Cùng với đó là tiến hành một loạt biện pháp mạnh mẽ tạo nguồn vốn tiếp thêm động lực và cơ sở vật chất để tìm ra một công nghệ cao thúc đẩy tăng tốc.

Vị “tư lệnh” ngành mang tinh thần quật khởi của quê hương Bến Tre nhớ lại những bước đi táo bạo mà đúng đắn thời kỳ mà ông dẫn dắt để ngành có những bước đi đột phá: “Chúng tôi đã tìm tòi và thực hiện nhiều biện pháp khéo léo sáng tạo “lấy ngoài nuôi trong” lách được sự cấm vận của Mỹ, thu hút ngoại tệ và công nghệ cao của nước ngoài để đầu tư phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong ngành; bứt phá khỏi tư tưởng ỷ lại, chờ đợi cấp trên, chờ đợi đầu tư của nhà nước, thông qua hợp tác quốc tế, thông qua cơ chế tự vay tự trả để tạo nguồn vốn phát triển ngành. Bên cạnh đó, ngành đã xác định lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá phát triển, tranh thủ được viện trợ ODA và đề xuất với Nhà nước một số cơ chế giúp ngành tạo vốn nhanh chóng từ các khoản vay nước ngoài được nhà nước bảo lãnh và do ngành tự trả”.

Cách mạng chuyển từ Analog sang Digital: Tự tin nội lực, chủ động đổi mới

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết, sau chiến tranh, hệ thống thông tin liên lạc của chúng ta rất yếu và thiếu. Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện đã quyết định phải đi thẳng vào công nghệ hiện đại và chọn công nghệ Digital, sớm đầu tư hiện đại hóa cả về công nghệ và dung lượng của mạng. Đây là quyết định mang tính chiến lược bởi khi đó có tới 98% mạng điện thoại cố định của thế giới đang sử dụng công nghệ Analog, chỉ có một số ít quốc gia bắt đầu chuyển từ analog sang công nghệ Digital.

Một thực tế quan trọng là mạng viễn thông Việt Nam lúc đó rất nhỏ bé nên nếu sớm chuyển sang công nghệ số sẽ đỡ được một giai đoạn chuyển đổi, trong một đêm có thể thay được toàn bộ tổng đài từ công nghệ analog sang digital bởi lợi thế của người đi sau. Ngược lại, nhiều nước gặp khó khăn khi chuyển đổi vì hệ thống mạng viễn thông của họ có tới hàng chục triệu thuê bao.

Trước khi đột phá, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện quyết định phải làm thí nghiệm để có cơ sở thực tiễn, rút kinh nghiệm và tạo nên những định hướng phát triển.

Thí nghiệm đầu tiên là viễn thông quốc tế - khởi đầu là dự án hợp tác kinh doanh với một trạm vệ tinh nhỏ (VISTA) của OTC (nay là Telstra –Australia), sử dụng công nghệ số (digital) từ tháng 7/1987 tại TP.HCM.

Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới - Ảnh 3.

Lễ ký kết giữa Tổng cục Bưu điện và hãng AWA (Australia) về lắp đặt viba số tại Việt Nam năm 1989 (Từ trái sang phải: ông Mai Liêm Trực, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, ông Đặng Văn Thân, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện) Ảnh: Tư liệu

2 năm sau đó, những chiến dịch lớn dần được mở với các công trình lớn: Xây dựng 3 trạm thông tin vệ tinh mặt đất ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với công nghệ hiện đại nhất, dung lượng lớn (năm 1989-1990). Các hệ thống thông tin viba, hệ thống cáp quang, tổng đài kỹ thuật số lớn được xây dựng và lắp đặt ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... dần hình thành bộ khung của một mạng viễn thông hiện đại với hệ thống viba số băng rộng và mạng cáp quang trải rộng trên khắp cả nước.

Đến năm 1995, mạng viễn thông Việt Nam đã số hóa hoàn toàn đến các tỉnh, thành với hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch, hệ thống tổng đài tự động (trong khi thế giới số hóa chưa được 50% mạng lưới). Về mặt công nghệ, mạng viễn thông của ta hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực. Năm 1994 -1995, Việt Nam quyết định đi thẳng vào công nghệ viễn thông di động công nghệ số (GSM). Năm 1995, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với hãng Comvik (Thụy Điển) để xây dựng mạng MobiFone sau này. Chính phủ bắt đầu có chủ trương mở cửa thị trường trong nước (đánh dấu bằng sự ra đời của các công ty Viettel, Saigon Postel).

Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới - Ảnh 4.

Đến năm 1995, mạng viễn thông Việt Nam đã số hóa hoàn toàn đến các tỉnh, thành với hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch, hệ thống tổng đài tự động. Ảnh: Tư liệu

Vào nửa cuối những năm 80, trong hoàn cảnh kinh tế đất nước khủng hoảng trầm trọng, bối cảnh chính trị quốc tế có những diễn biến phức tạp, việc lãnh đạo ngành ra được những quyết định chiến lược như trên hoàn toàn không phải là dễ dàng.

Thậm chí nhiều quan điểm cho rằng mấy “ông Bưu điện” không chịu làm ăn với XHCN (Liên Xô) mà làm ăn với tư bản (Australia, Pháp, Đức…) là chệch hướng.

Ông Mai Liêm Trực nhớ lại: “Có người đặt câu hỏi: Ngành Bưu điện toàn sử dụng công nghệ analog, bây giờ chuyển sang công nghệ digital thì ai quản lý, rồi tiền thuê chuyên gia nước ngoài nhiều như thế lấy đâu ra… Nhiều tờ báo nghi vấn khi thấy ngành nhập đủ thứ thiết bị viễn thông đắt tiền từ nhiều hãng khác nhau. Có vị Bộ trưởng Bưu điện của một nước XHCN anh em thân thiết cũng đặt vấn đề: “Các đồng chí thật mạo hiểm, đang bị cấm vận, giá thành thiết bị thì đắt, làm sao mà có được công nghệ cao?”. Sau này, khi ngành Bưu điện tự vay tiền nước ngoài để đầu tư, có lúc vay đến 400 triệu USD, nhiều người ta cũng thắc mắc là liệu có khả năng trả nợ được không hay sẽ vỡ nợ...”.

Hoài nghi liên tiếp đặt ra. Trong điều kiện hoàn toàn không có vốn đầu tư của Nhà nước, ngành Bưu điện phải tự vay - tự trả, tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ hội hợp tác với nước ngoài để đầu tư xây dựng ngành viễn thông Việt Nam.  

“Nhưng ngành tự tin trong hợp tác, thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới, tin vào nội lực của chính mình. Lúc đó, ngành Bưu điện chủ động đổi mới và đề xuất lên Chính phủ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó rất ủng hộ để ngành đổi mới”.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi từ Analog sang Digital: Sức mạnh của tư duy đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO