Truyền thông

Cơ chế xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa ở nước ta

T.H 17/08/2024 08:20

Với cơ chế xây dựng chính sách văn hóa linh hoạt, mềm dẻo dựa trên thực tiễn điều kiện phát triển của nền kinh tế quốc gia, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới, các chính sách văn hóa được Đảng và Nhà nước ta định hướng và thực hiện đang dần đưa nền Văn hóa Việt Nam hội nhập mà vẫn giữ vững bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Đây là những định hướng quan trọng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với chủ trương, định hướng đó, những thành tựu của đất nước đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung cũng như quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa nói riêng là những tiền đề thuận lợi để văn hóa tiếp tục phát triển trong những năm tới.

quanho.jpg
Ảnh minh họa

Chính sách vĩ mô của Nhà nước về phát triển văn hóa

Có thể thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với đường lối, quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Kể từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương IX khóa XIII là chủ trương, quan điểm nhất quán có tính kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam.

Chính sách vĩ mô của Nhà nước về văn hóa được ghi trong Hiến pháp năm 2013, như sau: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam: Dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa, phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân.

Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa; nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hóa phản động, đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục.

Văn học, nghệ thuật góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của người Việt Nam. Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn học, nghệ thuật. Nhà nước phát triển các hình thức đa dạng của hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích hoạt động nghệ thuật văn hóa, nghệ thuật quần chúng.

Nhà nước và xã hội bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng của di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa, công trình nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh. Nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử, cách mạng, công trình nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh.

Điều 60 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.

Các chính sách cụ thể của Nhà nước với mục tiêu Nhân dân làm chủ

Chính sách của Nhà nước về văn hóa thể hiện trong các luật và các chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển văn hóa. Các luật và pháp lệnh về văn hóa, như: Luật sở hữu trí tuệ; Luật di sản văn hóa; Luật xuất bản; Luật điện ảnh; Luật quảng cáo; Pháp lệnh thư viện.

Bên cạnh đó là Các chương trình mục tiêu và cuộc vận động như: Chương trình mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích danh thắng; Chương trình mục tiêu chấn hưng điện ảnh; Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng một số chương trình liên quan khác như: Chương trình 135; Chương trình xóa đói giảm nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Với mục tiêu Nhân dân làm chủ, Nhà nước luôn quan tâm đến nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân. Người dân được tạo điều kiện để sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Ví dụ điển hình là hiện nay nhiều lễ hội truyền thống ở các làng quê dần được phục dựng sau một thời gian mai một. Chính quyền địa phương và các cơ sở văn hóa sở tại luôn đồng hành tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa đó.

Với chính sách này không chỉ giúp khôi phục gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta mà càng ngày càng giúp nâng cao đời sống văn hóa trong mỗi cộng đồng và các địa phương. Ngược trở lại cũng tác động làm phát triển các loại hình khai thác dịch vụ phục vụ nhu cầu cho người tham gia các hoạt động văn hóa, tạo đà phát triển kinh tế từng vùng theo hướng bền vững và đa dạng.

Nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng ý kiến, phản hồi về các vấn đề trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ví dụ như người dân đề xuất kiến nghị việc bảo tồn các di sản văn hóa nghệ thuật dân gian như: hát chầu văn, hát xoan, ví giặm… cùng với sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể liên quan, các chính sách gìn giữ phát huy các di sản đó đã ra đời. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn, gìn giữ, trao truyền cũng được quan tâm, phong tặng danh hiệu, đầu tư kinh phí truyền dạy các làn điệu dân gian…

Với cơ chế xây dựng chính sách văn hóa linh hoạt, mềm dẻo dựa trên thực tiễn điều kiện phát triển của nền kinh tế quốc gia, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới; dựa trên sự phát triển của nền văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa của nhân loại có thể thấy rằng, các chính sách văn hóa được Đảng và Nhà nước ta định hướng và thực hiện đang dần đưa nền Văn hóa Việt Nam hội nhập mà vẫn giữ vững bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Một ví dụ điển hình nhất cho chính sách văn hóa được đưa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đó là “tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa” đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cơ chế phân bổ ngân sách cho sự nghiệp văn hóa cũng như tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội.

Trên cơ sở triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ Trung ương đến địa phương với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6 - 1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, và tăng dần theo từng giai đoạn. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư phát triển văn hóa từ ngân sách nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể.

Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách nhà nước, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các Bộ, cơ quan trung ương là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (tổng số là 4.170 tỷ đồng; trong đó đầu tư tại các cơ quan trung ương 1.985 tỷ đồng và đầu tư tại địa phương 2.185 tỷ đồng).

Sau sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ có Tờ trình số 274/TTr-CP ngày 13.8.2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, bao gồm: bổ sung 1.428 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung 1.300 tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan trung ương để đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm.

Số vốn này được giao về các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, còn có nguồn vốn bố trí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các hoạt động phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc...

Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, kinh phí bố trí cho các nội dung, nhiệm vụ phát triển văn hóa được giao chung trong các lĩnh vực chi sự nghiệp văn hóa - thông tin và theo phân cấp ngân sách hiện hành; bố trí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và đề án, dự án có liên quan bảo đảm phát huy nguồn lực về tài chính để phát triển văn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các Nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước...

Từ đó cho thấy với cơ chế đầu tư mọi nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, hàng loạt các chính sách và nguồn chi từ ngân sách đã được phân bổ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng. Điều đó đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng nói chung về việc đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, đặc biệt tạo ra sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc đầu tư mọi nguồn lực để phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tại địa phương. Kéo theo đó là sự quan tâm của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Điều này cũng làm thay đổi nhận thức chung trong cộng đồng về việc khai thác các giá trị kinh tế từ hoạt động văn hóa.

Mặc dù nguồn lực đầu tư cho văn hóa có từ cả ngân sách quốc gia và nguồn lực xã hội hóa, nhưng nguồn lực đầu tư từ Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ thị trường là quan trọng để thúc đẩy văn hóa phát triển. Nhờ vậy các chính sách văn hóa đều thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra. Và mọi chính sách văn hóa khi ra đời đều dựa trên cơ chế mềm dẻo linh hoạt thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế. Nhờ có sự định hướng vững vàng và sự vận dụng mềm dẻo linh hoạt mà nền văn hóa Việt Nam vẫn đang trong đà phát triển mạnh mẽ hướng đến hình thành một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.

Bài liên quan
  • Văn hóa yếu tố cốt lõi để phát triển Thủ đô
    Việc phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ tất yếu hiện nay của Hà Nội một hướng đi quan trọng ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa ở nước ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO