Truyền thông

Truyền thông và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

TS. Trần Thị Hòa - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng 01/04/2024 05:58

Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đang rất được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hiện nay vì những giá trị kinh tế, xã hội mà ngành công nghiệp này có thể mang lại.

Tóm tắt:
- Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông đã dẫn hiện tượng truyền thông hóa hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
- Công nghệ truyền thông kĩ thuật số giúp quảng bá, hình thành và sử dụng các sản phẩm của công nghiệp văn hóa, ngược lại sản phẩm văn hóa chính là một trong những loại chất liệu tạo nên và tăng cường sức thu hút của công nghệ truyền thông đối với công chúng.
- Ứng dụng công nghiệp văn hóa thời đại 4.0 để phát triển quốc gia.
- Và những bất cập của công nghiệp văn hóa gặp phải khi gắn với sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số.

Để có thể phát huy những lợi ích từ lĩnh vực đặc biệt này, chúng ta cần có cái nhìn sâu về mặt lịch sử lý luận cũng như tìm hiểu nhiều phương diện của công nghiệp văn hóa (CNVH), đặc biệt là mối quan hệ giữa CNVH và truyền thông trong bối cảnh hiện nay. Bài viết này bàn về một số khía cạnh của CNVH trong thời đại công nghiệp 4.0 và đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy CNVH ở nước ta phát triển một cách tích cực.

Khái niệm công nghiệp văn hóa (cultural industries)

Khái niệm “công nghiệp văn hóa” được đề ra bởi hai nhà tư tưởng thuộc trường phái Frankfurt (the Frankfurt School) là Theodor W. Adorno và Max Horkheimer vào thập niên 40 của thế kỉ XX. Thời kì này, tại Mỹ, nơi Adorno chuyển từ Đức đến để sinh sống và làm việc, nền sản xuất công nghiệp tư bản đang phát triển mạnh.

Trong khi châu Âu tự hào với những giá trị văn hóa độc đáo gắn với lịch sử và giai cấp quý tộc, thì ở Mỹ đang phát triển nền văn hóa đại chúng, nơi những sản phẩm văn hóa như phim ảnh, báo chí, quảng cáo… được sản xuất hàng loạt bởi các công ty, tập đoàn tư bản và có thể phục vụ nhu cầu của nhiều người chứ không chỉ dành riêng cho những nhân vật thuộc tầng lớp tinh hoa hay quý tộc. Adorno đã chỉ ra sự thương mại hóa của văn hóa dưới tác động của công nghiệp văn hóa và ông quan ngại về tác động tiêu cực của hiện tượng này với con người1. Theo el-Ojeili và Hayden (2006), khái niệm “công nghiệp văn hóa” ban đầu do Adorno và Horkheimer đề ra về sau đã được phát triển và biến đổi2.

Về mặt học thuật, với các học giả về báo chí truyền thông trên thế giới, khi nói đến khái niệm “công nghiệp văn hóa” nghĩa là nói đến nói đến điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, quảng cáo, marketing, phát thanh truyền hình, xuất bản, trò chơi điện tử, thời trang3… Để mở rộng khái niệm này cho phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay, tác giả bài viết này xin mạnh dạn xếp các sự kiện4 văn hóa, du lịch được tổ chức có kế hoạch và mục đích, thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng và đem lại lợi ích về mặt kinh tế - xã hội vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Kể từ khi khái niệm công nghiệp văn hóa ra đời cho đến nay, trải qua gần 8 thập kỉ, xã hội loài người đã bước qua nhiều giai đoạn phát triển cũng như biến động. Đến thập niên thứ hai của thế kỉ XXI thì xã hội loài người bước vào kỉ nguyên công nghiệp 4.0, với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông số, mạng Internet kết nối toàn cầu, và gần đây hơn là những thành tựu mang tính đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)5.

Nếu như thời kì trước đây, công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí đóng vai trò góp phần tạo nên một trong những lực lượng chủ chốt của nền kinh tế, thì nay nền kinh tế của nhân loại được bổ sung bởi sự phát triển của kinh tế tri thức, trong đó thông tin, tri thức đóng vai trò quan trọng, phương tiện truyền thông kỹ thuật số trở thành một phần của lực lượng sản xuất góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội6.

Hiện nay, sự bùng nổ của mạng Internet, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông đã dẫn hiện tượng truyền thông hóa hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội (mediatisation7), trong đó có cả lĩnh vực văn hóa. Do đó, khi bàn đến văn hóa, cụ thể hơn là nói CNVH trong thời kì hiện nay, thì cần quan tâm đến mối liên hệ qua lại giữa văn hóa và công nghệ truyền thông, bởi công nghệ truyền thông kĩ thuật số giúp quảng bá, hình thành và sử dụng các sản phẩm của CNVH, còn những sản phẩm này chính là một trong những loại chất liệu tạo nên và tăng cường sức thu hút của công nghệ truyền thông đối với công chúng. Ví dụ, người ta lên Youtube để nghe nhạc, tìm kiếm những MV mới nhất của các ngôi sao đang “hot”/được nhiều người tìm kiếm, hâm mộ, và chính Youtube là kênh quảng bá các MV, các nghệ sĩ, đưa nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng. Như vậy, ngày nay, truyền thông là một phần không thể thiếu của CNVH.

Công nghiệp văn hóa là khái niệm có mối quan hệ với toàn cầu hóa (globalization), đặc biệt là hiện tượng toàn cầu hóa văn hóa8 (cultural globalization). Trong thời đại mạng Internet và công nghệ số đang bùng nổ và len vào mọi ngóc ngách của đời sống, xã hội hiện nay, thì CNVH đương nhiên cũng gắn liền với với Internet và công nghệ truyền thông số, hay nói gọn hơn, CNVH hiện nay gắn với toàn cầu hóa và truyền thông kĩ thuật số.

Như vậy, trong bối cảnh phát triển công nghệ số, khái niệm “công nghiệp văn hóa” ngày nay có thể được mở rộng hơn ban đầu, nên được xem như là một lĩnh vực đặc biệt gắn liền với truyền thông kĩ thuật số; là lĩnh vực vừa là tạo ra, phát triển văn hóa - vừa tạo ra giá trị kinh tế.

Ngày nay, các sản phẩm truyền thông như các clip được sản xuất và phát trên các mạng xã hội như Tik Tok, Youtube, với đặc điểm có thể được sản xuất nhanh gọn bằng các phương tiện truyền thông sẵn có như điện thoại thông minh và các tiện ích có sẵn trên Tik Tok, Facebook, đồng thời có khả năng nhanh chóng lan tỏa đến đông đảo công chúng, tạo ra các trào lưu (trend) thì cũng có thể được xem như là một phần khá quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa. Thậm chí, với sự phát triển vượt bậc của AI, thì nhiều sản phẩm truyền thông do AI tạo ra cũng có thể trở thành sản phẩm của CNVH.

bc-tt_cnvanhoa01.jpg
Công nghiệp văn hóa có thể giúp quảng bá hình ảnh quốc gia, doanh nghiêp, giúp phát triển nền kinh tế…

Ứng dụng công nghiệp văn hóa trong phát triển quốc gia

Ở những thập niên 40-60 của thế kỉ XX, học giả Adorno có cái nhìn hoài nghi về CNVH khi ông lo ngại nó làm cho con người trở nên bị động hơn, làm giảm chất lượng và độ sâu sắc của văn hóa và trở thành công cụ để những người nắm quyền lực áp đặt ý chí của họ lên đại chúng9. Tuy nhiên, hiện nay, nếu được khéo sử dụng, CNVH có thể giúp quảng bá hình ảnh quốc gia, doanh nghiêp, giúp phát triển nền kinh tế…

Trên thực tế, trên thế giới đã có những quốc gia, tập đoàn, cá nhân nhanh chóng nắm bắt sức mạnh của CNVH để phát triển nền kinh tế, đồng thời hình thành và phát triển văn hóa theo định hướng mà họ mong muốn.

Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia phát triển CNVH và thu được lợi nhuận kinh tế từ lĩnh vực này. Ví dụ, sự phổ biến của K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc gắn với sự lan tràn của làn sóng văn hóa Hallyu ở một số nước châu Á. Một ca khúc Gangnam Style đã từng làm mưa làm gió trên toàn thế giới với vũ điệu hài hước của ca sĩ Psy. Nhật Bản lại nổi tiếng với các bộ phim hoạt hình, trò chơi điện tử với thiết bị PlayStation và các nhân vật như Pokemon…

Mỹ là nơi CNVH phát triển mạnh. Kinh đô điện ảnh Hollywood hàng năm cho ra đời những bộ phim bom tấn được trình chiếu khắp thế giới và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lổ. Nhiều ngôi sao Hollywood trở thành hình mẫu vẻ đẹp cho nhiều phụ nữ, nam giới hiện đại.

Ngày nay, các công ty như Apple, Google, Meta... đang đem lại lợi nhuận lớn cho nền kinh tế Mỹ đồng thời đang phát triển một nền văn hóa số có ảnh hưởng toàn cầu. Kể từ khi Steve Job và Apple tung ra điện thoại thông minh thì văn hóa sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phát triển: xem phim, nghe nhạc trên điện thoại, quảng cáo trên mạng, tạo và đăng các post cá nhân lên mạng, đăng hình ảnh (cá nhân hoặc các ảnh khác) lên mạng, chia sẻ hình ảnh đời sống qua mạng xã hội như Instagram.

Điều đáng chú ý là văn hóa số cùng với văn hóa sử dụng điện thoại thông minh là một nét mới trong nền văn hóa chung của nhân loại và đang tạo ra lợi nhuận (ví dụ người chủ kênh có nhiều lượt xem video trên Youtube có thể đạt nút vàng, nút bạc và được hưởng một khoản tiền tương ứng). Điều này đã khuyến khích nhiều Youtuber lập kênh và tích cực đi quay lấy content (nội dung) phục vụ cho việc duy trì kênh. Họ có thể đến các sự kiện, các nơi công cộng… để quay, qua đó cũng góp phần quảng bá cho sự kiện, địa điểm…Từ đó dẫn đến mối quan hệ gắn bó giữa văn hóa, truyền thông và kinh tế trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy xu hướng và tiềm năng lớn của CNVH và đang có những nỗ lực để thúc đẩy phát triển ngành này nhằm đem lại lợi ích cho đất nước và nhân dân. Sự phát triển của CNVH cũng đóng góp làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, phát triển CNVH Việt Nam cũng góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam nói chung, củng cố niềm tự hào dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ví dụ, sự phát triển của điện ảnh gần đây, với sự trình làng của một số tác phẩm điện ảnh được khán giả trong nước quan tâm như phim Đào, phở và Piano10, phim Mắt biếc…không chỉ có giá trị về mặt doanh thu mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, văn hóa. Một số nhà tạo mẫu Việt Nam đã thành công trong việc đưa các thiết kế ra thế giới, các mẫu trang phục họ sáng tạo được mặc bởi những ngôi sao nổi tiếng, hoặc ngôi sao Việt Nam được hãng thời trang lớn mời mặc các mẫu thiết kế mới...

Trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, thành phố Đà Nẵng là một ví dụ tích cực khi thành công trong việc từng bước trở thành thành phố sự kiện, được biết đến rộng rãi trong nước và cả quốc tế với sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF). Từ một đô thị trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau khi được chia tách, trong khoảng 3 thập niên vừa qua, thành phố Đà Nẵng xây dựng bản sắc riêng - những nét văn hóa hiện đại, trẻ trung, cởi mở, thu hút… Hiện nay, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố du lịch, thành phố sự kiện được biết đến rộng rãi, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những ví dụ nêu trên là những tín hiệu tích cực cho sự phát triển ngành CNVH tại Việt Nam.

bc-tt_cnvanhoa02.png
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tràn ở châu Á, cá biệt dẫn đến hiện tượng cuồng thần tượng ở một bộ phận người trẻ.

Một số vấn đề đặt ra xung quanh ngành công nghiệp văn hóa

Bên cạnh những giá trị lớn về kinh tế, xã hội, việc phát triển CNVH trong bối cảnh công nghiệp 4.0 có thể tiềm ẩn một số vấn đề hoặc vấp phải một số khó khăn mà chúng ta cần lưu ý:

- Tác động về tâm lý với công chúng: Với nội dung (content) khổng lồ có thể được thể hiện ngắn gọn và hấp dẫn cùng và khả năng tiếp cận công chúng nhanh chóng thông qua Internet, đặc biệt là mạng xã hội (MXH), công nghiệp văn hóa có khả năng tác động và tạo ảnh hưởng về tâm lý đối với công chúng nói chung và cộng đồng mạng nói riêng. MXH, Internet có thể được sử dụng để lôi cuốn công chúng, định hướng dư luận, hình thành các xu hướng xã hội mới. Nếu đó là những định hướng tiêu cực, các xu hướng không lành mạnh thì có thể gây nguy hiểm cho xã hội, gây nhiễu loạn, tâm lý bất an trong xã hội. Ví dụ, một ngôi sao đưa lên mạng những hình ảnh, phát ngôn không chuẩn mực, vi phạm pháp luật có thể nêu gương xấu cho nhiều người trẻ và có thể bị pháp luật xử lý theo quy định.

Những hiện tượng tâm lý thể hiện sự thái quá do các hoạt động văn hóa tạo nên cũng cần được quan tâm điều chỉnh. Ví dụ, sự phát triển của CNVH ở Hàn Quốc trong đó có K-pop, điện ảnh, PR… đã tạo nên làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tràn ở châu Á, cá biệt dẫn đến hiện tượng cuồng thần tượng ở một bộ phận người trẻ.

- Thương mại hóa: hiện tượng này đã khiến học giả Adorno quan ngại từ thế kỉ XX. Ngành CNVH cũng tạo ra những áp lực nhất định, ví dụ như áp lực đối với các ngôi sao, áp lực tạo lợi nhuận (ví dụ như một số Youtuber trong quá trình tìm cách duy trì kênh đã đưa vào môt số nội dung câu khách, phản cảm…)

- Hiện tương đồng loạt hóa, máy móc hóa, giảm bản sắc cá nhân: sự phát triển của công nghệ truyền thông kỹ thuật số một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho sự quảng bá văn hóa, mặt khác trong một số trường hợp cũng làm giảm đi tính độc đáo của sản phẩm văn hóa. Ví dụ, các giọng đọc tự động có cùng một giọng điệu như nhau, thiếu bản sắc, thiếu “hồn”... tạo nên những sản phẩm na ná nhau, thiếu chiều sâu…

c3.png
Điện ảnh Hàn Quốc vươn ra chinh phục khán giả nhiều nước châu Á và thế giới. Bộ phim "Ký sinh trùng" (Parasite) làm nên lịch sử, giành giải phim hay nhất tại Oscar 2020.

Một số khó khăn có thể gặp phải trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

- Sự cạnh tranh của các quốc gia có thế mạnh về cơ sở vật chất, công nghệ, kinh nghiệm: Hiện nay trong ngành điện ảnh, Mỹ đang thống trị toàn cầu và điện ảnh Hàn Quốc chinh phục khán giả nhiều nước châu Á và cả thế giới (ví dụ phim Parasite thắng giải Oscar). Phát triển CNVH cũng đòi hỏi vốn, công nghệ, nhân lực và đào tạo. Sự vượt trội, đi đầu về công nghệ tạo điều kiện cho một số nước có thể gây tác động đến công chúng, lôi cuốn công chúng, từ đó tạo ra một sự phụ thuộc nhất định. Ví dụ, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Facebook đối với người dùng mạng xã hội này trên thế giới.

- Những thách thức đặt ra do sự bùng nổ của công nghệ: tin giả, thông tin sai sự thật, tin đồn, deepfake, thị phi… có thể làm móp méo những hình ảnh văn hóa đẹp, gây tổn hại đến quá trình thông tin, quảng bá văn hóa, gây náo loạn dư luận, bất an trong xã hội. Để khắc phục những vấn đề này, làm cho CNVH phát huy cao giá trị và đóng góp cho cộng đồng, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực, chúng ta nên cân nhắc xem xét một số giải pháp.

- Nâng cao vai trò của Nhà nước trong quản lý văn hóa: cần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi tốt pháp luật về văn hóa và truyền thông, có biện pháp quản lý, chọn lọc, sàng lọc các loại “rác” văn hóa, đặc biệt khó khăn và nhiều là các loại “rác” văn hóa trực tuyến. Các cơ quan chức năng nên quan tâm đến việc điều tiết mức độ tiếp xúc của công chúng Việt với văn hóa nước ngoài, tạo sự cân bằng giữa văn hóa trong nước và ngoài nước. Cần có những quy định và biện pháp quản lý hạn chế hiện tượng thương mại hóa văn hóa tiêu cực, đặc biệt là trên mạng xã hội và môi trường Internet nói chung.

- Phát triển công nghệ truyền thông kĩ thuật số để ứng dụng trong công nghiệp văn hóa và hạn chế hoặc ngăn chặn những luồng văn hóa xấu độc tràn vào nước ta.

- Tận dụng nguồn lực trong nước, tích cực khai thác vốn văn hóa lịch sử dân tộc, tăng cường ra mắt những sản phẩm, hoạt động văn hóa được sáng tạo dựa trên vốn dân tộc, mang đậm bản sắc dân tộc, gần gũi và thiết thực với người dân Việt Nam.

- Bên cạnh phát triển CNVH phục vụ đại chúng, cần giữ gìn những tinh hoa văn hóa dân tộc cổ truyền và khuyến khích sáng tạo, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo, hỗ trợ những người làm nghệ thuật chân chính. Phim Doraemon và nhiều bộ hoạt hình anime của Nhật Bản được ưa chuộng trên thế giới cho thấy CNVH thành công vẫn cần dựa trên sự sáng tạo chứ không nhất thiết là hủy diệt sự sáng tạo như những gì học giả Adorno đã từng lo lắng.

- Tích cực học hỏi có chọn lọc kinh nghiệm phát triển CNVH từ những quốc gia đi đầu hoặc đã thu được thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển CNVH Việt Nam mang bản sắc riêng của Việt Nam, phù hợp với điều kiện nước ta và đem lại lợi ích cho nhân dân ta.

- Luôn tôn trọng những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Kết luận

Công nghiệp văn hóa thời đại 4.0 được tăng cường độ lan tỏa và sức ảnh hưởng nhờ sự bùng nổ của công nghệ truyền thông số. Trong thời đại mà các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa, đang trải qua quá trình truyền thông hóa (mediatisation) thì tồn tại mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa CNVH và truyền thông.

Ngành CNVH có khả năng mang lại lợi ích lớn về kinh tế, song để CNVH phát triển lành mạnh, đem lại lợi ích tích cực cho nhân dân, cần có sự quản lý, định hướng phù hợp của nhà nước với những chiến lược, chính sách phát triển phù hợp, tránh để bị vấn đề thương mại hóa/lợi nhuận làm tác động tiêu cực đến những giá trị văn hóa và tâm lý của công chúng. Tích cực ứng dụng truyền thông số để góp phần phát triển CNVH hiện đại mang bản sắc Việt Nam, giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc có thể là điều mà chúng ta nên hướng đến để vừa thu được lợi ích kinh tế vừa giữ gìn, phát triển văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa, bùng nổ công nghệ truyền thông kỹ thuật số hiện nay.

-----
1. Xem el-Ojeili (2006), Trần Thị Hòa (2021).
2. Ban đầu, Adorno dùng thuật ngữ “the cultural industry” (số ít trong tiếng Anh, nghĩa là “ngành công nghiệp văn hóa”). Về sau, cụm này được biến đổi thành “the cultural industries” (số nhiều trong tiếng Anh, mang ý nghĩa là “các ngành công nghiệp văn hóa”). Sự biến đổi từ số ít sang số nhiều hàm nghĩa có nhiều ngành trong lĩnh vực công nghiệp văn
hóa (ví dụ, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp quảng cáo…).
3. Ojeili (2006) dẫn Hesmondhalg (2002, tr. 11).
4. Bao gồm cả các sự kiện online/trực tuyến.
5. Ví dụ, gần đây OpenAI cho ra đời mô hình trí tuệ nhân tạo Sora có khả năng tạo ra video từ văn bản. Chat GPT đã và đang tạo nên những thay đổi trong nghề báo (khả năng viết tin thay phóng viên/biên tập viên), trong giáo dục (khả năng trả lời nhiều câu hỏi cho học sinh …).
6. Xem Trần Thị Hòa (2021), el – Ojeili và Hayden (2006).
7. Xem Trần Thị Hòa (2023).
8. Xem el-Ojeili và Hayden (2006), chương 4 “Cultural globalization”.
9. Xem el-Ojeili và Hayden (2006), phần “Cultural globalization”.
10. Ví dụ, cuối tháng 2 năm 2024, tác giả bài viết này đã chứng kiến tại thành phố Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ đã xếp hàng dài trước một rạp phim để chờ mua vé xem bộ phim Đào, phở và piano – một cảnh tượng ít có ở thành phố này trong vài chục năm qua.

Tài liệu tham khảo:

1. el-Ojeili, C & Hayden, P, 2006, Critical theories of Globalization. Palgrave MacMillan, New York.

2. Hòa Thị Trần 2020, “Tiếp cận quan điểm của Marshall McLuhan về vai trò của phương tiện truyền thông đối với sự phát triển của xã hội trong kỉ nguyên 4.0”, Hue University Journal of Science: Social Sciences and Humanities, Vol. 129, No. 6D.

3. Minh Khoa 2018, “Cuộc cách mang công nghiệp 4.0 là gì?”, Cổng Thông tin điện tử Học viện Cảnh sát nhân dân,
https:// hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/cuoc-cach[1]mang-cong-nghiep-4-0-la-gi-4319, truy cập 28/2/2024.

4. Trần Thị Hòa 2021, Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.

5. Trần Thị Hòa 2023, “Đào tạo báo chí đáp ứng chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông.

6. https://ictvietnam.vn/dao-tao-bao-chi-dap-ung-chuyen-doiso-bao-chi-o-cac-co-quan-bao-chi-trong-giai-doan-hiennay-59562.html , truy cập 28/2/2024.

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Háo hức khám phá di tích lịch sử theo một cách mới
    Ứng dụng công nghệ số giúp nhiều du khách gia tăng trải nghiệm thú vị khi tới thăm các di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…
  • Công nghệ đang thay đổi du lịch Việt Nam như thế nào?
    Trong những năm gần đây, sự giao thoa giữa du lịch và công nghệ, thường được gọi là công nghệ du lịch, đã khơi dậy sự đổi mới, với nhiều công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ du lịch đi đầu trong cuộc cách mạng này.
  • Mỹ phạt nhà mạng vì chia sẻ vị trí của người dùng
    Chính phủ Mỹ đã đưa ra mức phạt hàng triệu USD đối với các nhà mạng AT&T, Sprint, T-Mobile và Verizon sau một cuộc điều tra cho thấy các nhà mạng lớn của nước này đã chia sẻ bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của thuê bao mà không có sự đồng ý của họ.
  • Các công cụ bảo mật đám mây dựa trên AI
    Ngày nay, AI tiên tiến đang được đưa vào sử dụng ở mọi loại hình doanh nghiệp (AI). Một loạt các nhà cung cấp bảo mật bên thứ ba đã phát hành các công cụ bảo mật đám mây dưới sự hỗ trợ của AI. Dường như đây là một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
  • Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
    Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.
  • Những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
    Bộ ấn phẩm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, góp phần nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, tự hào về khí phách Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, và trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay.
Truyền thông và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO