Theo ông Anton Ruddenklau, người đứng đầu bộ phận fintech toàn cầu của công ty kiểm toán quốc tế KPMG, năm 2021 là năm ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường fintech trên toàn cầu, với sự quan tâm chú ý đáng kinh ngạc đối với tất cả các công ty, doanh nghiệp (DN) fintech, đi kèm theo đó là nguồn tài trợ kỷ lục trên các lĩnh vực như blockchain và tiền điện tử, an ninh mạng… Trong đó, Singapore, nổi lên như một trung tâm fintech của thế giới, đã trở thành một thỏi nam châm thu hút các công ty khởi nghiệp fintech.
Đầu tư fintech của Singapore tăng vọt
Năm ngoái, các bảng quảng cáo khổng lồ "Tôi đầu tư với Endowus" từ nền tảng quản lý tài sản số Endowus đã xuất hiện ở nhiều trung tâm mua sắm tại Singapore, thu hút sự chú ý của người dân. Quảng cáo của Endowus cũng đã được chiếu trên TV và các dịch vụ phát trực tuyến video.
Endowus cung cấp một nền tảng đầu tư cho tiền mặt, quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) và quỹ hưu trí bổ sung (SRS) với những lời khuyên chuyên nghiệp về những quỹ đầu tư "tốt nhất trong phân khúc" với chi phí rẻ. Công ty xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa cho khách hàng kết hợp với các quỹ giao dịch trao đổi và các sản phẩm tài chính toàn cầu khác theo kế hoạch quản lý tài sản của họ, có tính đến rủi ro và lợi nhuận tiềm năng.
Endowus đã phát triển hơn 100 sản phẩm đầu tư kể từ khi được thành lập vào năm 2017. Điểm hấp dẫn của công ty là phí hoa hồng thấp, chỉ 0,4% giá trị tài sản, thấp hơn nhiều so với mức hoa hồng trung bình 1,75% của các nhà quản lý đầu tư ở Singapore.
Tổng giá trị tài sản do Endowus quản lý đạt mức 1 tỷ SGD (737,7 triệu USD) vào tháng 7/2020 sau 20 tháng ra mắt dịch vụ. Tính đến tháng 11/2021, con số này đã lên tới 1,5 tỷ SGD.
Endowus đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Vào tháng 4/2021, Endowus đã huy động được 17 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A với sự tham gia của Lightspeed Venture Partners, SoftBank Ventures Asia. Tới tháng 7/2021, startup này tiếp tục huy động được 5,2 triệu USD từ UBS Next, Samsung Venture Investment Corporation và Singtel Innov8.
Singapore đang nổi lên như một trung tâm fintech của thế giới. Theo dữ liệu từ KPMG, các khoản đầu tư vào lĩnh vực fintech của Singapore trong năm 2021 đã tăng 59%, đạt 3,94 tỷ USD. Nước này cũng ghi nhận số lượng hợp đồng, thỏa thuận được ký kết trong lĩnh vực fintech ở mức cao nhất trong 5 năm qua do sự bùng nổ công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền kỹ thuật số.
Tổng cộng đã có 191 thỏa thuận, hợp đồng (quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ phần đầu tư tư nhân và các hoạt động mua bán sáp nhập…) được giao dịch trong thời gian trên, tăng so với 139 thỏa thuận trong năm 2020 và 100 hợp đồng hồi năm 2019.
Với nguồn vốn fintech kỷ lục, Singapore còn được biết đến là trụ sở của hơn 40% tổng số các công ty fintech ở Đông Nam Á, với hơn 750 tổ chức. Đây là ngôi nhà của một số lượng lớn các DN trong phạm vi fintech với sự tập trung đặc biệt vào ngành dọc, phát huy thế mạnh đầu tư tài chính và ngân hàng. Thế nên, hội tụ các yếu tố này Singapore đang dần chạm đến vị thế thủ phủ fintech của châu Á.
Cơ hội cho các startup fintech Singapore cất cánh
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của thanh toán trực tuyến khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Trong bối cảnh đó, kỳ lân công nghệ có trụ sở tại Singapore Grab và các công ty khởi nghiệp công nghệ khác đã phát triển các siêu ứng dụng, giúp cung cấp dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác trên điện thoại thông minh.
Người tiêu dùng hiểu biết về tài chính hơn cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính số đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo bàn đạp cho sự phát triển nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp fintech tại Singapore.
Sàn giao dịch chứng khoán số có trụ sở tại Singapore ADDX đang mở rộng sang cung cấp các giao dịch tài chính mới trong không gian số. ADDX đang gấp rút xây dựng một cơ chế cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch các sản phẩm tài chính bằng cách sử dụng công nghệ blockchain. Công ty có kế hoạch tạo ra các tài sản số được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm để chia nhỏ các tài sản kỹ thuật số giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể giao dịch chúng trên thị trường ADDX.
Fintech cũng là một chủ đề nóng trong đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Công ty fintech có trụ sở tại Singapore Hashstacs đã tạo ra một nền tảng dựa trên blockchain có tên là ESG Registry cho phép các trang trại đăng ký chứng nhận thương mại công bằng, các công ty quản lý tòa nhà văn phòng đăng ký việc sử dụng điện và các công ty logistics đăng ký dữ liệu về lượng khí thải carbon dioxide của họ. Hashstac còn nhắm mục tiêu đến cả các tổ chức tài chính muốn mở rộng đầu tư và cho vay liên quan đến lĩnh vực ESG và muốn đảm bảo các khoản đầu tư và cho vay này.
Benjamin Soh, Giám đốc điều hành của Hashstacs cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ khắc phục được cả hai vấn đề này bằng cách cung cấp một thư viện toàn ngành, lưu trữ hồ sơ dữ liệu và chứng nhận ESG tận dụng công nghệ blockchain".
TranSwap là một nền tảng thanh toán xuyên biên giới dành cho các DN và cá nhân cho phép mọi người gửi tiền đến một quốc gia mà họ không có tài khoản ngân hàng với mức phí rẻ hơn so với sử dụng ngân hàng. Nền tảng TranSwap cho phép khách hàng trao đổi 120 loại tiền tệ nhanh chóng và thực hiện thanh toán tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Được thành lập vào năm 2015, TranSwap đã có giấy phép hoạt động tại Singapore, Hồng Kông, Anh và một số quốc gia khác. Khối lượng giao dịch của công ty trong năm 2021 đã tăng gấp 4 lần so với năm trước.
"Phí giao dịch của TranSwap rất cạnh tranh. Nhưng quan trọng hơn, các sản phẩm và giải pháp hiện tại của chúng tôi sẽ giúp khách hàng cải thiện doanh thu và cung cấp giá trị cho khách hàng của họ", Giám đốc điều hành (CEO) và đồng sáng lập của TranSwap Benjamin Wong cho biết.
Ông Benjamin Wong nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chúng tôi là thanh toán xuyên biên giới rẻ hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, thuận tiện hơn và không biên giới cho khách hàng của chúng tôi".
Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mới cũng có những động thái nhằm kết nối với nhau để xây dựng hệ sinh thái fintech. Socash, cung cấp nền tảng thanh toán bằng mã QR, là một trường hợp điển hình. Trước đây, công ty chủ yếu hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như ICBC, Standard Chartered Bank và HSBC. Nhưng hiện nay, các công ty thương mại điện tử và DN số đang tiến hành nhiều giao dịch với Socash hơn.
"Bạn biết đấy, trong 2 năm qua, tư duy đó đã thay đổi và ngày càng có nhiều nhà bán lẻ yêu cầu thanh toán bằng QR, chấp nhận thẻ tín dụng. Vì vậy, mô hình kinh doanh đã thay đổi", CEO Socash Hari Sivan của Socash cho biết.
Việc xây dựng một hệ sinh thái fintech cũng yêu cầu các hỗ trợ vật chất và tài chính cho ngành. Grit Search, giúp các công ty tìm kiếm tài năng công nghệ mà họ cần, là một trong những startup như vậy. Theo đại diện của Grit Search, nhiều công ty đang tìm kiếm các chuyên gia về tiền điện tử và dịch vụ "mua ngay, trả sau".
Trong khi đó, Choco Up, có trụ sở tại Singapore và Hồng Kông, cung cấp vốn cho các startup fintech gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn từ các công ty đầu tư mạo hiểm hoặc ngân hàng. Choco Up nhanh chóng cung cấp hàng trăm nghìn đô la cho các hoạt động hàng ngày cho các startup này, chẳng hạn như tiền cho các chiến dịch tiếp thị, sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra mức độ tín nhiệm của họ./.