Cơ hội nào cho các DN Việt để lấy lại thị phần từ OTA ngoại?

Thế Phương| 24/08/2022 05:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp (DN) ngoại chiếm 70 - 80% thị phần tiềm ẩn nhiều rủi ro như thất thu thuế, không nắm được dữ liệu người dùng… Để lấy lại thị phần, ngoài nỗ lực cải tiến sản phẩm, chất lượng dịch vụ, còn cần đến việc đối xử công bằng giữa các DN nội và ngoại, tránh tình trạng bảo hộ ngược.

Khi OTA nước ngoài đang chiếm đến 80% thị phần

Thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam đang là miếng bánh béo bở. Báo cáo của Google và Tập đoàn Temasek Holdings của Singapore dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD...

Tuy nhiên, miếng bánh này gần như bị các OTA (Online Travel Agent - website kinh doanh du lịch trực tuyến) nước ngoài độc chiếm. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay tại Việt Nam, có khoảng 10 sàn du lịch nội, chiếm khoảng 20% thị phần.

Tương tự, số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy, các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka, Expedia… chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam. Phần lớn du khách quốc tế và không ít du khách nội địa đều sử dụng dịch vụ của OTA nước ngoài. Các OTA Việt Nam như Gotadi, VnTrip, Ivivu, Chudu, Mytour.vn, Vinabooking... chỉ có lượng giao dịch khiêm tốn.

Nhiều khách sạn lớn cho biết, tỷ lệ đặt phòng từ kênh OTA chiếm 40 - 60% tổng doanh thu, chủ yếu là OTA nước ngoài. Đơn cử, tại Khách sạn Rex (Quận 1, TP.HCM), hơn 35% tổng doanh số bán phòng đến từ kinh doanh trực tuyến, trong đó kênh OTA chiếm hơn 40%.

Nguyên nhân là do các công ty nước ngoài đi trước DN Việt Nam khoảng 20 năm kinh nghiệm về giao dịch trực tuyến, hoạt động trên quy mô toàn cầu, đã xây dựng được thương hiệu, uy tín vững chắc, cùng với tiềm lực tài chính mạnh. Chưa kể đến là tâm lý "sính ngoại" của người dùng.

Khi liên kết hoạt động tại Việt Nam, các sàn giao dịch trực tuyến nước ngoài chưa bị ràng buộc bởi quy định về thuế nên họ tiếp tục có thêm năng lực tài chính để đầu tư tiếp thị, quảng cáo, gia tăng chiết khấu cho đối tác, tạo ưu thế cạnh tranh. Trong khi đó, các DN trong nước vẫn đang "ngóng" chính sách hỗ trợ về vốn, định hướng quy hoạch phát triển...

Một nguyên nhân khác, theo ông Bùi Thanh Hiếu, Giám đốc điều hành Mytour.vn, mặc dù, hiện nay, gần như tất cả các DN du lịch đều quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, thực sự ứng dụng CNTT trong đại đa số các DN du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành DN.

Nhiều rủi ro khi OTA ngoại chiếm phần lớn thị phần

Với khoảng 70 - 80% thị phần đang rơi vào tay các OTA ngoại và khách du lịch đã chuyển dần từ hình thức đặt phòng, đặt tour qua các công ty du lịch của Việt Nam sang đặt thẳng trên các trang trực tuyến quốc tế. Điều đó vô hình trung khiến các DN du lịch trong nước đang mất dần thị trường và thua ngay trên sân nhà. 

"Nếu tình trạng này tiếp diễn, thị phần của các DN du lịch trong nước sẽ ngày càng bị thu hẹp. Điều này giải thích tại sao khách du lịch đến Việt Nam mỗi ngày một tăng nhưng hiệu quả kinh doanh của nhiều DN càng ngày càng thấp", ông Hiếu khẳng định.

Chưa kể đến, theo ông Hiếu, để có được mức giá siêu rẻ, ngoài mua buôn lượng phòng lớn, nhiều trang đặt phòng trực tuyến quốc tế đã bỏ qua trách nhiệm đóng thuế VAT và các khoản thuế thu nhập DN khác tại Việt Nam. Ví dụ, khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho các trang đặt phòng trực tuyến nước ngoài, công ty đó sẽ thu được 20 USD tiền phí, 80 USD trả cho khách sạn tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam không thu được đồng thuế nào của 20 USD đó. "Theo ước tính, Việt Nam có thể thất thoát đến 10.000 tỷ đồng tiền thuế từ các trang đặt phòng trực tuyến nước ngoài", ông Hiếu chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO ezCloud, việc các DN nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần du lịch trực tuyến, ngoài việc thất thoát ngoại tệ vào tay các DN nước ngoài, các đơn vị trong nước còn mất luôn cơ hội khai thác các dữ liệu về thông tin du lịch trực tuyến. "Chúng ta không biết được hành vi mua hàng, thói quen tiêu dùng, mức độ chi tiêu của du khách để kịp thời ra các chính sách thúc đẩy phù hợp", ông Dương nói.

Một trong những nguyên tắc căn bản của quản trị là phải thống kê, định lượng được nhưng ngành Du lịch Việt Nam không thống kê kịp thời được nên các chính sách thúc đẩy du lịch phần nào sẽ bị hạn chế. Nhìn ra các quốc gia xung quanh thì phần lớn thị phần Du lịch trực tuyến đều nằm trong tay các DN nội địa ví dụ như ở Trung Quốc có Ctrip, Trip.com, Hàn Quốc có Yanoja, Nhật Bản có Rakuten, Indonesia có Traveloka. 

"Hậu quả của việc đô hộ số không chỉ là bài toán về tài chính mà còn là bài toán về dữ liệu người dùng, thông tin hành vì thị trường về một ngành mũi nhọn như du lịch lại không nằm trong tay chúng ta", ông Dương nhấn mạnh.

"Các chủ khách sạn Việt Nam đang phải trả phí đặt phòng qua trang OTA nước ngoài 30%, thậm chí tới 35%. Đây là "nỗi đau" không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn cả trong những ngành khác như vận tải, khi phải phụ thuộc vào các DN nước ngoài, bị họ chiếm lĩnh thị phần", ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập Gotadi chia sẻ.

Điều này cũng khiến cho các DN du lịch trực tuyến Việt luôn trong tình trạng "còi cọc" và không thể "đủ lớn" để đi ra thị trường nước ngoài (go global). Ngành du lịch cũng không thể phát triển bền vững khi phụ thuộc vào những DN nước ngoài.

Cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt để lấy lại thị phần từ OTA ngoại? - Ảnh 1.

Các nền tảng nội thường tập trung khai thác khách hàng DN nhờ lợi thế có thể xuất hoá đơn điện tử, trước khi tấn công thị trường khách hàng cá nhân.

Lợi thế nào cho các DN nội?

Cũng theo ông Hiếu, từ năm 2015, Mytour.vn đã thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, giao dịch, thanh toán dịch vụ du lịch, dần dịch chuyển toàn bộ sang môi trường số thay vì phương thức truyền thống như trước. Cùng với đó, Mytour.vn cũng tiếp tục duy trì các trang thông tin thường xuyên cập nhật về các quy định du lịch trong giai đoạn dịch, các hình ảnh thời gian thực sống động của các điểm du lịch nhằm tạo sự phong phú, chân thực và động lực cho khách khi tiếp cận thông tin liên quan đến du lịch.

Còn để cạnh tranh với các DN ngoại, nền tảng đã biến bất lợi thành lợi thế khi các đơn vị này không thể xuất hóa đơn nên những khách hàng cần hóa đơn sẽ tìm đến Mytour. Ngoài ra, với đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 tận tâm và nắm rõ nghiệp vụ, mytour.vn cũng đã tận dụng sự hiểu biết riêng về thị trường nội địa để nâng cao chất lượng, dịch vụ, điều mà các công ty quốc tế không thể có.

Còn theo ông Đức, để cạnh tranh với những DN nước ngoài, Gotadi phải có: Một sản phẩm tốt và hoàn toàn tự động từ khâu kiểm tra giá vé theo thời gian thực, xuất hoá đơn..; Mô hình kinh doanh khai thác những thị trường mà họ không thể thực hiện được do liên quan đến thuế; Tạo hệ sinh thái mạnh mẽ với những đơn vị lớn trong nước như FPT, Vingroup...

"Nếu như các OTA nước ngoài nhắm đến người dùng (B2C) thì từ năm 2020, Gotadi tập trung xây dựng hệ thống để khai thác khách hàng DN (B2B) để tạo lợi thế cạnh tranh", ông Đức nói.

Theo đó, Gotadi đã kết nối hệ thống API với một loạt các DN lớn của Việt Nam để có thể đặt vé trực tiếp, xuất hoá đơn một cách dễ dàng và tự động. Thậm chí, đối với các công ty lớn, hệ thống của Gotadi còn cho phép nhân viên lập kế hoạch công tác, sau khi được phê duyệt thì tự động đặt vé, xuất hoá đơn điện tử, thay vì cần đến bộ phận hành chính như trước đây.

Ngoài ra, trong năm 2022, Gotadi đã bắt đầu hướng đến khách hàng cá nhân thông qua việc thực hiện bán vé trực tuyến thông qua các kênh TMĐT, các ứng dụng ngân hàng lớn cũng như phần mềm quản trị DN.

Cần có chính sách và chiến lược dài hạn đối với lĩnh vực du lịch trực tuyến

Về kiến nghị đối với cơ quan quản lý, theo CEO Gotadi, đầu tiên, cần có sự công bằng giữa DN nội và ngoại như cùng báo cáo với cơ quan quản lý, nộp thuế, tuân thủ các quy định pháp luật giống nhau… thay vì tình trạng "bảo hộ ngược" như hiện nay.

Cùng quan điểm, ông Hiếu cho rằng, ngoài việc trợ giúp các DN du lịch trong nước có một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh hơn, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ về chính sách để công cuộc CĐS ngành Du lịch được diễn ra nhanh chóng và các DN trong ngành thích ứng thuận lợi hơn.

"Hiện nay, công nghệ đã giúp thế giới phẳng nên tôi tự tin mytour.vn cũng như các công ty du lịch khác trong nước không thua kém các công ty toàn cầu. Do đó, giá và chất lượng dịch vụ là hai yếu tố để khách hàng quyết định sử dụng dịch vụ nào", ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn theo ông Dương, để tạo cơ hội cho các DN số Việt Nam nói chung và đơn vị trong lĩnh vực du lịch phát triển thì việc đầu tiên, cơ quan quản lý phải thay đổi lại cách tư duy quản lý cũ đó là: Không quản được thì cấm. Xã hội đang phát triển rất nhanh do đó các quy định chính sách, hành lang pháp lý nhiều khi không theo kịp sự thay đổi của xã hội. Vì thế khi có sự không phù hợp giữa chính sách và thực tế thì thay vì cấm hãy để cho DN một thời gian thử nghiệm, thích nghi để tìm ra phương án tối ưu. Các quy định chính sách này chỉ áp dụng cho các DN có trụ sở ở Việt Nam thôi, trong khi ở lĩnh vực này thì giới hạn địa lý hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

"Vì vậy, tôi đề nghị các chính sách trong ngành này nên tiếp cận ở góc độ tạo hành lang để các DN phát triển, chúng ta chấp nhận các sai sót trong quá trình thực hiện và cùng điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của DN và thị trường", ông Dương nói.

Đồng thời, nếu muốn các DN Việt Nam phát triển thì cần một chiến lược nhất quán dài hạn trong 10 - 20 năm. Một nền kinh tế số thực sự phải được hình thành từ tầm nhìn phát triển của một quốc gia, hệ sinh thái các DN nền tảng phải được hình thành, các cơ chế chính sách cần được nhất quán nhằm tạo các hành lang pháp lý để các DN phát triển./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nào cho các DN Việt để lấy lại thị phần từ OTA ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO