Cơ hội và thách thức đan xen của AEC

03/11/2015 20:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều 18/8, tại Phiên giải trình về cộng đồng ASEAN, các ủy ban chuyên môn của Quốc hội về nội dung kinh tế và văn hóa-xã hội, các ý kiến thảo luận, đối thoại với báo cáo của Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, nhiều cơ hội, thuận lợi đan xen với nhiều thách thức đối với Việt Nam trong quá trình tham gia hội nhập khối.

Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 (2007) đã đề ra lộ trình và biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với một thị trường rộng lớn có dân số hơn 600 triệu người, tổng GDP năm 2014 đạt 2.505 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 1.000 tỉ USD và là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.

Về bản chất, AEC được hiểu như một khuôn khổ hội nhập kinh tế với mức độ sâu sắc hơn giữa các thành viên, đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường chung với sự lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và lưu chuyển tự do hơn của dòng vốn.

Đến thời điểm này, các nước trong khu vực đã thực thi 457/505 biện pháp ưu tiên nhằm xây dựng AEC thuộc các lĩnh vực dỡ bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan, xóa bỏ hạn chế tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ, dịch vụ tài chính, đầu tư, tự do lưu chuyển lao động kỹ năng; tăng cường hiệu quả của 12 ngành ưu tiên hội nhập nhanh; thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh trong ASEAN...

Theo Bộ Công Thương, việc tham gia xây dựng AEC đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực sẽ mở ra cơ hội lớn cũng như những thách thức không nhỏ.

Những cơ hội đó là việc mở ra một thị trường nội khối với 600 triệu người và GDP gần 3.000 tỉ USD với các hàng rào thuế và phi thuế được cắt giảm; kèm với đó, do AEC là khu vực giao thoa có nhiều Hiệp định thương mại với các khu vực khác, các DN sẽ có cơ hội tiếp cận thuận lợi hơn với các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ...; tự do hóa dịch vụ trong AEC là cơ hội để các ngành dịch vụ của Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế như du lịch, vận tải hàng không, logistics.

Bộ Công Thương cũng cho biết, những nỗ lực của ASEAN về tự do hóa đầu tư thông qua Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường ASEAN đối với các nhà đầu tư trong khối cũng như từ các nước đối tác; AEC cũng tạo cơ hội để các DN cải thiện năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí đầu tư máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí giao dịch nhờ thuận lợi hóa thương mại và cuối cùng, AEC là cơ hội để các nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trường.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định cũng chỉ ra những thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN để hiện thực hóa AEC sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Các nước thành viên mới, trong đó có Việt Nam, sẽ phải đối mặt với sức cạnh tranh cao hơn từ hàng hóa ASEAN sau 2015. Giai đoạn 2015-2018, các nước này sẽ phải đưa toàn bộ các mặt hàng trong danh mục nhạy cảm, hầu hết được bảo hộ cao, về thuế suất 0%. Tương tự là thị trường lao động đòi hỏi kỹ năng sẽ dịch chuyển và nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ phải đáp ứng yêu cầu đó.

Diễn giải cụ thể hơn, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có những tác động nhiều mặt và khác nhau với từng ngành kinh tế của Việt Nam. Đối với nông nghiệp, nếu gạo tiếp tục giữ được lợi thế trong xuất khẩu nội khối thì ngược lại đường, sản phẩm chăn nuôi sẽ chịu cạnh tranh gay gắt. Trong công nghiệp, máy móc thiết bị, điện gia dụng, thép không chịu tác động lớn thì ô tô, giấy... được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi.

Trong khuôn khổ thể chế hội nhập về dịch vụ, các cam kết của Việt Nam trong ASEAN đều trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và về cơ bản không cao hơn nhiều mức cam kết WTO. Về đầu tư, ASEAN vẫn là thị trường quan trọng trong đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư ra ngoài nước và triển khai AEC.

Phát biểu từ đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa, từ các đại biểu Quốc hội, giới khoa học băn khoăn về những lợi ích cũng như khó khăn, thách thức, hay nói chính xác là sự cần thiết ở mức độ nào của việc Việt Nam tham gia và thực thi các cam kết AEC; các vấn đề quản lý, định hướng đối với đối tượng chịu tác động rõ rệt nhất là khối DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa trong nước...

* Trước đó, đã diễn ra phiên giải trình Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) với ý nghĩa là một trụ cột của Cộng đồng, tập trung vào thảo luận và giải trình trong hội nhập ở các lĩnh vực phát triển con người, phúc lợi và bảo hiểm xã hội, các quyền và bình đẳng xã hội, bảo đảm môi trường bền vững, tạo bản sắc ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Riêng đối với lĩnh vực lao động, các nhà hoạch định cho biết một bức tranh có sự dịch chuyển lớn về tỉ trọng lao động qua đào tạo, đặt ra yêu cầu lớn về việc đổi mới giáo dục, đào tạo nghề trong nước.

Thời điểm Cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, lo ngại về một thực trạng khó khăn cho DN một số ngành dẫn tới áp lực về cắt giảm lao động, người lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với lực lượng lớn lao động từ các nước khác trong Cộng đồng khi năng suất lao động trong nước vẫn khá thấp so với khu vực.

Theo báo cáo của ILO/ADB về "Cộng đồng ASEAN: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và chia sẻ thịnh vượng", năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam thấp dưới 1/2 so với Philipines, 1/2 so Thái Lan, 1/5 Malaysia và 1/15 Singapore...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức đan xen của AEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO