Con người: yếu tố quyết định để chuyển đổi số thành công

28/04/2022 18:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, thuật ngữ chuyển đổi số (CĐS) đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Vậy CĐS là gì và khác gì với các khái niệm tin học hoá và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)? Cùng với đó một yếu tố hết sức quan trọng trong tiến trình CĐS là con người.

Bàn về những khái niệm cũ và mới

Vào những năm đầu của thập niên 1990 và những năm sau đó, khi máy vi tính mới xuất hiện thì việc đầu tiên là phải phát triển cộng đồng người sử dụng. Vì thế, khi đó các trung tâm tin học đã mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu này.

Còn với các doanh nghiệp CNTT, công việc của họ không chỉ là cung cấp phần cứng, phần mềm và giải pháp mà một việc không kém phần quan trọng là phải đào tạo người sử dụng cho các đối tác, khách hàng của họ. Nói một cách hình tượng, theo TS. Nguyễn Quang A – nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, đào tạo người sử dụng là hết sức quan trọng vì nếu không thì phần mềm làm ra có tốt đến đâu cũng không bán được cho ai.

Sẽ có người đặt câu hỏi xem tin học và CNTT khác nhau như thế nào? Qua thực tế có thể nói tin học hóa hay ứng dụng CNTT là thay vì các quá trình lưu trữ, xử lý dữ liệu thủ công thì được chuyển sang hình thức mới do máy tính hỗ trợ. Chính nhờ có quá trình này, có thể lấy ví dụ với việc sản xuất phim hoạt hình dù là vẽ bằng tay nhưng đã giải tán luôn 2 công đoạn thủ công là đi nét, tô màu và quay phim vì các hình ảnh hoạt hình sau khi được quét vào máy tính sẽ được thực hiện một cách nhanh hơn.

Đến nay, lịch sử của CNTT Việt Nam đã bước sang một chương mới với các khái niệm số hóa và CĐS. Và đương nhiên, nếu tìm hiểu trên mạng Internet thì cũng không mất nhiều thời gian để có được định nghĩa chính thức cho các khái niệm này.

Số hóa (digitization) là quá trình chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, trong đó thông tin được tổ chức thành các bit và byte. Giống như quét một bức ảnh hoặc chuyển đổi một báo cáo giấy thành PDF. Dữ liệu không bị thay đổi - nó chỉ đơn giản được mã hóa theo định dạng kỹ thuật số.

Số hóa có tầm quan trọng rất lớn đối với việc xử lý, lưu trữ và truyền dữ liệu, bởi vì nó "cho phép thông tin của tất cả các loại ở mọi định dạng được thực hiện với cùng hiệu quả và cũng được xen kẽ".

Còn CĐS (Digital transformation) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm này được ra đời trong thời đại bùng nổ Internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của toàn doanh nghiệp, ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới mẻ hoàn toàn.

CĐS không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối,... Tuy nhiên, hiện nay khái niệm CĐS được sử dụng khá bừa bãi, khiến khái niệm này bị nhầm lẫn với những khái niệm khác như số hóa và ứng dụng số hóa (digitalization).

CĐS không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu ứng dụng CNTT là công việc chủ yếu của giám đốc CNTT thì CĐS lại là công việc chủ yếu của người đứng đầu. Nếu ứng dụng CNTT là số hóa các chức năng cũ của tổ chức, tức là số hóa theo chiều dọc, nó không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các qui trình hoặc vận hành của tổ chức, thì CĐS là số hóa theo chiều ngang, là số hóa toàn bộ tổ chức, và tiếp theo là thay đổi qui trình, cách vận hành của tổ chức. Do vậy, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số.

Ở góc độ xã hội, GS. TS. Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam cho biết, CĐS dựa trên công nghệ số nhưng công nghệ số chỉ là công cụ, không phải là cái quyết định CĐS thành công hay không. Một quốc gia hay doanh nghiệp, tổ chức có CĐS thành công hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố sau theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là thể chế, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu (như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói CĐS là cuộc cách mạng về thể chế). Thứ hai là nguồn nhân lực bao gồm cả chuyên gia về CNTT lẫn con người phải có kỹ năng số, cả người dân sử dụng dịch vụ lẫn doanh nghiệp, sản xuất. Thứ ba là hạ tầng số mà trong đó dữ liệu và kết nối là hai điểm then chốt của hạ tầng số, là "hạ tầng của hạ tầng". Dữ liệu là cực kỳ quan trọng nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì CĐS rất khó thành công.

Như vậy theo ông Minh, trong cả 3 điều kiện nói trên đều hàm ý con người là quyết định mọi chuyện. Con người mà quan trọng là người lãnh đạo sẽ quyết định thể chế, đảm bảo thực thi kinh tế số và xã hội số. Chính con người cũng tạo ra và sử dụng dữ liệu, quyết định dữ liệu được kết nối như thế nào… Nghĩa là trong cả 3 điều kiện nêu trên đều có vấn đề xã hội học.

Yếu tố con người quyết định cho sự thành công

Vào những năm 2000, theo những điều tra không chính thức thì có lẽ không dưới 50% giảng viên đại học và chuyên gia ở các viện nghiên cứu (tức là tâm điểm của nền kinh tế tri thức) không có thói quen sử dụng máy tính trong công việc của họ.

Sau hơn 20 năm đã trôi qua và những con người như vậy đã lần lượt hết vai trò, đã nghỉ hưu chính thức và thế hệ kế cận của họ thì hoàn toàn khác hẳn là không thể thiếu CNTT và Internet trong mọi công việc và giao tiếp của mình.

Trao đổi về thực tế này, TS. Nguyễn Chí Công cho biết đây là vấn đề tồn tại thậm chí với ngay cả các nước phát triển. Tuy nhiên, họ có cách làm rất kiên quyết mà điển hình là ở nước Đức thì Thủ tướng Gerdhard Schroeder khi đó đã có một quyết định là buộc các bậc thầy phải học sử dụng máy tính với những người dạy là chính các học trò của họ. Chính nhờ mô hình "lớp học xoay vòng" từng là hình thành tự phát mà vấn nạn "mù vi tính" với các giáo sư đã được khắc phục rất nhanh.

Trở lại với thực tế Việt Nam, CĐS tuy đang diễn ra mạnh mẽ nhưng dù sao cũng đã chậm hơn so với mong muốn chính bởi yếu tố con người. Nói như GS.TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bản thân những người làm CNTT cũng chỉ có thể cung cấp và chuyển giao công nghệ, còn có làm chủ được công nghệ hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các đối tác khách hàng.

Chính vì thế, đã đến lúc không thể chậm trễ hơn là phải có những chương trình hành động về xã hội học cho ứng dụng CNTT và CĐS ở Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Con người: yếu tố quyết định để chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO