Công cụ tra cứu trực tuyến thông tin thu truyền hình số mặt đất hiệu quả

Lan Phương| 14/11/2017 10:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Công cụ đã giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và đặc biệt là người dân tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Sự cần thiết xây dựng công cụ

Số hóa truyền hình mặt đất đang là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu. Tại rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, quá trình chuyển đổi công nghệ truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ tương tự sang số đã và đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong quá trình thực hiện số hóa truyền hình, nảy sinh một loạt vấn đề đến từ nhiều đối tượng: người dân thu xem truyền hình, doanh nghiệp (DN) truyền dẫn phát sóng (TDPS) và CQQL nhà nước về TDPS truyền hình. Đối với người dân thu xem truyền hình, đó là các khó khăn trong việc thu xem sóng truyền hình số mặt đất. Trước, trong và sau khi thực hiện số hóa truyền hình trong giai đoạn thử nghiệm, đã có rất nhiều câu hỏi của người dân về cách thức thu sóng truyền hình số; cách thức điều chỉnh anten thu; các kênh chương trình có thể thu xem được tại địa bàn cụ thể nơi họ sinh sống,…

Đối với các đơn vị, DN TDPS, vấn đề khó khăn là đánh giá vùng phủ sóng của hệ thống trạm phát sóng số đã triển khai của đơn vị mình. Thông thường, các đơn vị sẽ phải cử đoàn khảo sát đi xuống từng địa bàn để đo đạc, khảo sát. Công việc này thường rất tốn thời gian, sức lực và kinh phí lớn. Đối với các CQQL nhà nước, khó khăn lại đến từ việc làm sao để quản lý chất lượng tín hiệu trong vùng phủ sóng truyền hình số. Trong quá trình đi kiểm tra, kiểm soát, họ thiếu công cụ có thể cung cấp thông tin cụ thể, nhanh chóng về cường độ tín hiệu, hướng thu tín hiệu,…

Bên cạnh đó, việc đánh giá sự quan tâm của người dân đối với Đề án số hóa truyền hình cũng là một yêu cầu đặt ra đối với CQQL nhà nước để có thể kịp thời ban hành các chính sách thúc đẩy, công tác thông tin tuyên truyền tại từng địa phương để người dân biết và thực hiện chuyển đổi. Thông thường, để có được thông tin này cần phải thuê đơn vị khảo sát độc lập, tuy nhiên chi phí khá lớn và độ tin cậy chưa cao.

Cục Tần số vô tuyến điện (VTĐ) - Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã nhận thức rõ các khó khăn này và qua quá trình nghiên cứu đã sáng tạo, đề ra một giải pháp có thể giải quyết một cách cơ bản các vấn đề trên, đó là xây dựng một công cụ hỗ trợ thông tin thu truyền hình số mặt đất trực tuyến. Công cụ có thể cho phép mọi đối tượng truy cập vào để tra cứu các thông tin về thu truyền hình số mặt đất một cách tức thời. Theo Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số VTĐ, đơn vị được giao thực hiện xây dựng công cụ, giải pháp này xuất phát từ nhu cầu thực tế với yêu cầu đặt ra như trên.

Mô hình hoạt động của công cụ hỗ trợ

Dựa trên cơ sở dữ liệu (CSDL) cấp phép phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và công cụ tính toán vùng phủ sóng của Cục Tần số VTĐ, các dữ liệu tính toán sẽ được lưu vào các bản ghi CSDL để thuận tiện nhất cho việc tra cứu thông tin. Sau đó, một công cụ được xây dựng trên nền web cho phép người dùng tương tác, gửi yêu cầu tra cứu thông tin và liên kết với CSDL tính toán để lấy các thông tin cần thiết và tính toán để phản hồi người dùng.

Như vậy, để giải quyết được yêu cầu đã đặt ra, cần thực hiện 2 nội dung công việc chính: Xây dựng CSDL tính toán mức cường độ trường của tất cả các máy phát đang phát sóng DVB-T2; Xây dựng công cụ hỗ trợ tích hợp trên nền web để người sử dụng tương tác.

Các chức năng chính của công cụ

Công cụ được xây dựng có những chức năng chính sau:

Chức năng tra cứu thông tin: Công cụ có khả năng hỗ trợ người dùng tra cứu thông tin về vị trí, công suất trạm phát; tra cứu cường độ tín hiệu truyền hình tại điểm khảo sát; tra cứu hướng điều chỉnh anten thu để thu sóng tốt nhất.

Chức năng quản lý đơn vị truyền dẫn, phát sóng: có chức năng thêm mới đơn vị TDPS vào CSDL; chức năng sửa/ xóa đơn vị TDPS.

Quản lý trạm phát: có chức năng thêm mới trạm phát sóng vào cơ sở dữ liệu (CSDL); chức năng sửa/xóa trạm phát sóng; chức năng nhập thông tin cường độ trường của trạm phát sóng theo tọa độ thực;

Quản lý truy nhập: có chức năng cho phép mọi người dùng tra cứu thông tin; đối với phần quản lý CSDL thì chỉ cho phép quản trị viên đăng nhập để quản lý CSDL.

Tìm kiếm: Cho phép quản trị viên tìm kiếm đơn vị TDPS; tìm kiếm trạm phát sóng; tìm kiếm số lượt tra cứu theo từng tỉnh.

Quản lý lượt tra cứu: thống kê lượt tra cứu theo từng địa phương; thống kê các địa phương có lượt tra cứu nhiều; thống kê lượt tra cứu theo các khoảng thời gian khác nhau.

Sơ đồ chức năng của công cụ hỗ trợ thông tin

Hiệu quả sử dụng của công cụ hỗ trợ thông tin thu truyền hình số mặt đất

Công cụ hỗ trợ thông tin có giao diện web, được tích hợp lên chuyên trang số hóa truyền hình của Bộ TTTT và Cục Tần số VTĐ, rất thuận tiện cho mọi đối tượng có thể vào và tra cứu thông tin. Giao diện đơn giản, dễ thao tác, có nhiều lựa chọn nhập địa điểm cần tra cứu cho người dùng, phù hợp với nhiều đối tượng, hoàn cảnh sử dụng thiết bị truy cập mạng.

Giao diện người dùng http://thudtv.rfd.gov.vn:99/user_interface/

Thông tin cung cấp trực quan, có màu sắc thể hiện sinh động. Nội dung thông tin cung cấp đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng. Đối với người dân, có thể tra cứu thông tin về các kênh tần số, chất lượng tín hiệu thu được, cách thức điều chỉnh anten thu và danh mục các kênh chương trình truyền hình có thể thu được.

Đối với các đơn vị, DN TDPS có thể tra cứu các thông tin cụ thể về mức cường độ tín hiệu, các chỉ định về khoảng cách đến trạm phát sóng, vị trí đặt trạm phát sóng,… Đối với CQQL, công cụ cho phép quản lý theo giao diện riêng, có thể nhập liệu, cập nhật thông tin về các trạm phát sóng mới; bên cạnh đó, có thể xem được thông tin thống kê về số lượt tra cứu thông tin theo từng địa bàn, từng khoảng thời gian, qua đó đánh giá được mức độ quan tâm của người dùng theo từng khu vực, giai đoạn.

Từ khi đưa hệ thống vào sử dụng chính thức từ tháng cuối 10/2016, cho đến nay tổng đài giải đáp thông tin số hóa truyền hình 05111022 và cổng thông tin điện tử số hóa của Bộ TTTT hầu như không còn nhận được các câu hỏi liên quan đến việc thu sóng truyền hình như thế nào? Cách thức thu sóng ra sao? Thu xem được những kênh truyền hình gì?. Điều đó chứng tỏ công cụ hỗ trợ thông tin này đã thực sự có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tra cứu thông tin của người dân và các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Xét về khía cạnh kinh tế, qua thời gian hoạt động, theo đánh giá của Cục Tần số VTĐ, công cụ đã giúp các CQQL, các đơn vị DN TDPS và đặc biệt là người dân tiết kiệm hàng tỷ đồng. Giả sử nếu không xây dựng công cụ, người dân muốn tra cứu thông tin phải gọi điện đến tổng đài giải đáp; nếu trung bình cước phí mỗi cuộc gọi đến tổng đài tư vấn là 1000đ thì tính đến hiện tại người dân đã phải chi phí cho thông tin trong hơn 1 năm qua là hơn 200 triệu đồng. Như vậy, công cụ này đã góp phần tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng cho nhu cầu thông tin của người dân. Chưa tính đến yếu tố nếu phải giải đáp số lượng câu hỏi lớn như vậy, phải tốn thêm chi phí mở rộng quy mô, tiền lương cho nhân công và duy trì hoạt động của tổng đài.

Đối với các CQQL nhà nước, công cụ cho phép kiểm soát cơ bản chất lượng TDPS của các đơn vị, DN cung cấp dịch vụ TDPS. Từ đó, có thể giảm bớt các chuyến đi đo đạc, khảo sát, đánh giá chất lượng tín hiệu số, qua đó tiết kiệm chi phí khá lớn cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát này. Ngoài ra, công cụ còn cho CQQL một góc nhìn khác để đánh giá sự quan tâm của người dân đến số hóa truyền hình qua hệ thống theo dõi lượt truy cập. Do đó, có thể tiết kiệm chi phí lên đến hàng tỷ đồng nếu như phải thuê đơn vị khảo sát độc lập tiến hành điều tra trên phạm vi cả nước.

Việc triển khai công cụ hỗ trợ thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số hóa sôi động vừa qua đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của Đề án số hóa truyền hình, qua đó khẳng định được vai trò, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của Bộ TTTT nói chung và Cục Tần số VTĐ nói riêng.

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, công cụ đã được đề xuất triển khai cho các quốc gia trong khu vực ASEAN theo dự án của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin các quốc gia ASEAN (SOMRI). Bên cạnh, công cụ đã được đăng ký dự thi Giải thưởng ASEAN ICT AWARDS 2017, một sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN (TELMIN).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Công cụ tra cứu trực tuyến thông tin thu truyền hình số mặt đất hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO