Dịch Covid-19 bùng nổ đúng vào giai đoạn dễ bị tổn thương của chu kỳ kinh tế toàn cầu. Cụ thể, tăng trưởng toàn cầu năm 2019 chỉ ở mức 2,9% - thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009.
Tính đến đầu tháng 4, gần 150 quốc gia đã phải đóng cửa tất cả các trường học và hủy bỏ các sự kiện lớn; hơn 80 quốc gia phải đóng cửa các trụ sở làm việc để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Việc hạn chế đi lại đã trở thành yêu cầu phổ biến được chính phủ các nước đưa ra. Cùng với đó là lệnh phong tỏa bắt buộc nhiều thành phố và giãn cách xã hội, tất cả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển, khiến cho nguyên vật liệu sản xuất bị ách tắc, nhiều công nhân không thể trở về nơi làm việc, khiến cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.
Hiện chưa thể đánh giá toàn diện tác động của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu bởi sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh này. Tuy nhiên, có thể thấy, Covid-19 đã gây ra một cú sốc chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến suy thoái mạnh ở nhiều quốc gia.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất ngày 8/6 của WB nêu rõ trong nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay, mức sụt giảm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay.
Bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch WB về Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Thể chế cảnh báo: "Đây là một vấn đề nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng có thể để lại những vết sẹo lâu dài và đặt ra những thách thức lớn trên toàn cầu".
Cũng theo bà Pazarbasioglu, ước tính về số lượng người sẽ bị đẩy lùi vào tình trạng nghèo đói cùng cực bởi đại dịch cũng gia tăng, từ 70 triệu đến 100 triệu người, cao hơn so với dự báo trước đó là hơn 60 triệu người.
Báo cáo của WB cho biết các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm 7,0% vào năm 2020, trong khi các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ giảm 2,5%.
Trong ngắn hạn, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm 2,5% trong năm nay, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua. Đó là do các quốc gia này có hệ thống y tế yếu, phụ thuộc nhiều vào thương mại, du lịch hoặc chuyển tiền từ nước ngoài; phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa hoặc có lỗ hổng tài chính.
Về lâu dài, ảnh hưởng của Covid-19 sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế chịu khủng hoảng tài chính và đối với các nhà xuất khẩu năng lượng, do giá dầu giảm.
Theo dự báo của WB, khi đại dịch bị đẩy lùi và các biện pháp hạn chế trong nước được dỡ bỏ ở các nền kinh tế phát triển vào giữa năm nay và sau đó ở EMDE, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021.