Cụ thể hoá quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

Nguyễn Phương| 11/03/2016 08:45
Theo dõi ICTVietnam trên

8/3/2016, tại Hải Phòng, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đại sứ Quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)” nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật trước khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII tới đây. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo chủ trì Hội thảo.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo phát biểu tại Hội thảo                        Ảnh: Đình Nam

Tới tham dự hội thảo có gần 70 đại biểu, là đại diện của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và chịu tác động trực tiếp của Luật như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ban Tuyên giáo trung ương… và nhiều nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc xem xét các quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí cần phải được thực hiện thật kỹ lưỡng để vừa đảm bảo về tinh thần quyền tự do báo chí được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo luật, nhưng đồng thời không để tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng, gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, tổn hại đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại hội thảo, đại diện Đại sứ quán Anh, ông Graham Knight cho biết, Đại sứ quán Anh rất vui mừng được phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp để tổ chức hội thảo quan trọng này; tin tưởng kết quả của hội thảo sẽ thu được nhiều góp ý, kiến nghị góp phần hoàn thiện Luật Báo chí ở Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế, giúp hỗ trợ sự phát triển của báo chí như một công cụ đảm bảo tính minh bạch và tính giải trình của chính quyền.

Trong hai ngày làm việc, các đại biểu, chuyên gia, nhà báo đã tập trung trao đổi nhiều nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đặc biệt là các quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, vấn đề bản quyền sản phẩm báo chí, các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp và chế tài xử lý…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, tại chương II của dự thảo Luật, các quy định về quyền tự tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở Điều 10 và Điều 11 chưa cụ thể, còn chung chung. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn, nhằm cụ thể hoá quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân mà Hiến pháp đã quy định.

Tại Điều 10, Điều 11 của dự thảo luật đã liệt kê 8 nội dung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí rất rộng, chứ không chỉ gói gọn trong các nội dung mà các Điều 10, 11 liệt kê. Quyền tự do báo chí của công dân, còn phải kể đến các quyền tiếp nhận thông tin từ báo chí, quyền thụ hưởng báo chí, quyền bình luận khen chê các sản phẩm báo chí… hoặc có cả quyền tác động, thuyết phục nhà báo, cơ quan báo chí tin vào các thông tin, nhận định chủ quan của mình trước một sự việc hiện tượg nào đó. Như vậy, việc liệt kê các quyền tự do báo chí của công dân và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tại Điều 10, 11 là không đủ, càng liệt kê càng thiếu. Đó là chưa kể đến nguyên tắc, công dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm, chứ không phải chỉ được làm những gì mà pháp luật liệt kê.

Bên cạnh đó, cả Điều 10 và 11 mới chỉ nêu ra các quyền mà chưa hề có sự đảm bảo ngay việc tôn trọng và thực thi quyền. Từ thực tiễn này, các đại biểu kiến nghị bổ sung thêm sau điều 10 và 11 một khoản: “Nhà nước tôn trọg và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.

Để bảo đảm cho công dân dược tham gia vào hoạt động báo chí, các đại biểu kiến nghị cần phải đề xuất thiết lập cơ chế xử lý các đối tượng xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà dự thảo luật chưa bao gồm. Cụ thể, cần thiết lập cơ quan trọng tài phán quyết về các hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; xây dựng chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cũng như xây dựng điều khoản riêng trong dự thảo Luật Báo chí về “Cơ chế khiếu nại khi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận bị khiếu nại”.

Liên quan đến vấn đề bản quyền báo chí, tình trạng các trang thông tin điện tử tổng hợp đằng tải lại thông tin, vi phạm bản quyền, tác giả, tác phẩm báo chí đang gây bức xúc, lo ngại cho các cơ quan báo chí và người làm báo cũng là vấn đề nóng được thảo luận tại hội thảo. Các đại biểu cho rằng, đây không chỉ là vấn đề trước mắt mà là vấn đề lâu dài liên quan đến thương hiệu, uy tín của các cơ quan báo chí và nhà báo. Do vậy, tại hội thảo, có rất nhiều ý kiến đại biểu, đặc biệt từ đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí kiến nghị Quốc hội cần sớm ban hành một đạo Luật điều chỉnh các trang thông tin điện tử tổng hợp để chấm dứt tình trạng tuỳ tiện xâm phạm bản quyền này.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị yêu cầu đối chiếu nội dung của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với một số luật chuyên ngành khác để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật như Luật sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, dự thảo Luật tiếp cận thông tin…

Ngay sau hội thảo, các góp ý, kiến nghị sẽ được tổng hợp và gửi đến các cơ quan chuyên môn để bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật trước khi được trình Quốc hội thông qua.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hoá quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO