Cục Tần số VTĐ nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới

Lan Phương| 09/06/2018 15:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên tần số VTĐ, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thông tin vô tuyến, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 9/6/2018, tại Hà Nội, Cục Tần số VTĐ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập. Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, các Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Phạm Hồng Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Huy Luận và các đại biểu Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành đã tham dự buổi Lễ.

Cách đây đúng 25 năm, ngày 08/6/1993, Cục Tần số VTĐ được chính thức thành lập, thực hiện chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quản lý nhà nước về tần số VTĐ, quỹ đạo vệ tinh trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khẳng định những thành tựu của Cục Tần số VTĐ

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn khẳng định tần số VTĐ là một tài nguyên quý giá, được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, công tác quản lý tần số có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Trong chặng đường qua 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ BCVT, Bộ TTTT, Cục Tần số VTĐ đã phát huy được những truyền thống tốt đẹp của ngành bưu điện trước đây, TTTT ngày nay, tiến từng bước vững chắc, xây dựng và trưởng thành, quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên tần số VTĐ, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thông tin vô tuyến, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.

Trong 25 năm qua, hệ thống chính sách quản lý đã luôn được Cục quan tâm xây dựng một cách khoa học và liên tục được hoàn thiện, đặc biệt là Luật Tần số VTĐ được Quốc hội thông qua năm 2009. Qua đó đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác quản lý phổ tần số VTĐ, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tần số VTĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hệ thống, thiết bị VTĐ tiên tiến, hiện đại, các công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin VTĐ được triển khai hiệu quả tại Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, là cơ quan khởi xướng ý tưởng và là Văn phòng của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất,, Cục Tần số VTĐ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức giúp Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai đề án và đạt được nhiều thành công lớn, không chỉ giúp hàng triệu người dân được thưởng thức nhiều chương trình truyền hình miễn phí với chất lượng cao, mà góp phần giải phóng cơ bản băng tần 700MHz để Việt Nam sớm đưa băng tần này vào sử dụng cho di động băng rộng, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, thành phố thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Sự chủ động,và bản lĩnh của Cục Tần số VTĐ trong hợp tác quốc tế đã góp phần bảo vệ, được chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số, quỹ đạo vệ tinh. Việc giành được các vị trí quỹ đạo vệ tinh để phóng thành công các vệ tinh Vinasat-1, Vinasat-2 và VNRedsat-1, đã đảm bảo thông tin liên lạc cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và đảm bảo thông tin phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội, Cục Tần số VTĐ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác quản lý tần số phục vụ quốc phòng, an ninh. Với sự tham mưu của Cục, sự phối hợp của các đơn vị hữu quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nhiều chính sách đã được các cấp có thẩm quyền ban hành.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh Bộ TTTT cũng luôn đánh giá cao công tác xây dựng, đào tạo cán bộ của Cục Tần số VTĐ. Với đội ngũ cán bộ có năng lực, sáng tạo, có tinh thần đổi mới, Cục Tần số VTĐ không những luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng và xây dựng được uy tín quốc tế cao trong lĩnh vực quản lý tần số VTĐ, góp phần nâng cao vị thế của ngành TTTT Việt nam tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế.

Trước sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin và PTTH đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ vô tuyến băng rộng trong kỷ nguyên IoT ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định rằng thực tế đó sẽ đặt ra nhiều thách thức mới, khó khăn mới cho công tác quản lý tần số.

Để giữ gìn và phát huy được những thành quả đã đạt dược, Bộ trưởng đề nghị cán bộ, công chức và người lao động của Cục Tần số VTĐ cần tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động và sáng tạo để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành TTTT, sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trung tâm Tần số VTĐ khu vực IV

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011 - 2016 cho hai cán bộ của Cục

Thực tiễn phát triển rất đáng tự hào của lĩnh vực thông tin VTĐ Việt Nam trong suốt hơn 25 năm qua khẳng định, việc thành lập Cục Tần số VTĐ là một quyết định đúng đắn của Chính phủ, là sự thay đổi tư duy mạnh mẽ của Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ, là một trong những điều kiện tiền đề, mở đường cho sự phát triển bùng nổ của thị trường thông tin VTĐ, đặc biệt là thông tin di động (TTDĐ) và PTTH những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan phát biểu

Cũng tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan đã cảm ơn sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Bộ TTTT,, sự phối hợp của các đơn vị ở địa phương, các tổ chức quốc tế, cùng sự đóng góp của các cán bộ cho sự phát triển của Cục trong 25 năm qua Cùng với quyết tâm thực hiện tốt chức năng quản lý, Cục cũng đã kiên trì thực hiện và xây dựng Cục thành đơn vị lớn mạnh không ngừng, luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển thông tin VTĐ.

Ngay sau khi thành lập 1 năm, năm 1994, Cục đã chính thức cấp phép băng tần đầu tiên cho doanh nghiệp thông tin di động Mobifone, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của thông tin vô tuyến tại Việt Nam. Các giấy phép băng tần 2G và 3G được cấp tiếp theo cho Vinaphone, Viettel và các doanh nghiệp thông tin di động khác đã tạo nên sự phát triển bùng nổ của TTDĐ của Việt Nam, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Lĩnh vực PTTH là một lĩnh vực quan trọng, sử dụng nhiều phổ tần, đặc biệt là các băng tần thấp quý hiếm. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập Cục đã quyết tâm quản lý cho được tần số phát thanh truyền hình (PTTH), và từ năm 1996 thì chính thức thực thi công tác cấp phép tần số đối với PTTH, tạo tiền đề để Tổng cục Bưu điện (sau này là Bộ BCVT và Bộ TTTT) chính thức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực PTTH. Các quy hoạch tần số cho PTTH được ban hành vào các năm 2003, 2005 và 2013, đã giúp cho việc sử dụng tần số trong lĩnh vực này được quy củ, tiết kiệm.

Tháng 11/2015, tại Đà Nẵng, truyền hình tương tự mặt đất sau nhiều thập kỷ tồn tại đã ngừng phát sóng hoàn toàn, chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Đây là thành công quan trọng bước đầu của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011, mà Cục Tần số VTĐ là cơ quan khởi nguồn đề xuất và được giao nhiệm vụ làm Văn phòng Ban chỉ đạo. Ngày 15/6/2018, một số kênh truyền hình tương tự sẽ được tiếp tục ngừng phát tại 23 tỉnh thành khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ, tiến tới ngừng hoàn toàn kênh tương tự tại các các địa phương này vào cuối năm nay.

Kiểm soát tần số là một chức năng cơ bản của công tác quản lý tần số. Trung bình hàng năm, Cục đã phát hiện kịp thời và xử lý thành công hơn 600 vụ vi phạm thông tin, gần 70 vụ can nhiễu, trong đó có nhiều vụ nhiễu phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Năm 2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam (Vinasat-1) được phóng vào quỹ đạo, đánh dấu mốc son mới trong ngành viễn thông của Việt Nam. Tiếp theo thành công của Vinasat-1, Việt Nam đã phóng vệ tinh Vinasat-2 vào năm 2012 và vệ tinh viễn thám VNRedsat-1 vào năm 2013. Thành công của các dự án phóng vệ tinh có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Cục trong công tác đàm phán phối hợp tần số và vị trí quỹ đạo, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên vũ trụ.

Thành công trong đàm phán tần số và quỹ đạo vệ tinh là một trong những kết quả của chiến lược chủ động hội nhập quốc tế ở cấp độ khu vực lẫn cấp độ toàn cầu mà Cục đã kiên trì thực hiện, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Mặc dù là nước đi sau, nhưng uy tín, tiếng nói và vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tần số ngày càng được ghi nhận. Từ năm 2010 đến nay, Cục đã được giao chủ trì về vấn đề quản lý tần số của các nước ASEAN. Năm 2014, lần đầu tiên ứng cử viên của Việt Nam được bầu vào Ủy Ban thể lệ vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Nhiều cán bộ trẻ của Cục được tín nhiệm giao nắm giữ các vị trí quan trọng trong các nhóm nghiên cứu về thông tin vô tuyến của ITU và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

Cục Tần số VTĐ tôn vinh 27 cán bộ đang công tác tại Cục

Ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động là một hướng đi được Cục quyết tâm theo đuổi. Năm 2010, Cục được trao tặng giải thưởng “Cơ quan Nhà nước cấp Tổng cục, Cục và tương đương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”.  Ngay sau đó, năm 2011, Cục bắt đầu cung cấp dịch vụ cấp giấy phép điện tử thay cho việc đăng ký và cấp phép bằng giấy. Đến nay, trung bình mỗi năm Cục đã cấp trên 20.000 giấy phép điện tử, chiếm gần 70% tổng số giấy phép Cục cấp ra. Năm 2009, Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 chính thức được áp dụng đã đưa Cục trở thành một trong những cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn này.

Hành trình 25 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Tần số VTĐ đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển thông tin VTĐ của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, chung tay cùng các ngành, các cấp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự cố gắng và những đóng góp của Cục đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng và danh hiệu cao quý mà tiêu biểu là Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới được trao tặng năm 2013 và Huân chương Độc lập hạng Ba được trao tặng năm 2015.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Cục Tần số VTĐ nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO