Cung cấp thông tin chủ động - Từ kinh nghiệm của Nhật Bản đến đề xuất cho Việt Nam

Nguyễn Lan Phương, Cục Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT| 02/12/2021 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mục tiêu xây dựng “Chính phủ điện tử chủ động”, Nhật Bản đã ứng dụng, triển khai công nghệ như thế nào để chủ động cung cấp thông tin thường nhật, thông tin khẩn cấp tới người dân cũng như để người dân chủ động giao tiếp, làm việc với Chính phủ?

Cung cấp thông tin chủ động - cách thức của Nhật Bản

Cách thức cung cấp thông tin thường nhật

Với quan điểm hướng đến sự tiện lợi của người dân và hoạt động hiệu quả của chính phủ; trên cơ sở các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nối mạng (mạng của chính quyền địa phương, mạng của nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng…). Để thực hiện mục tiêu “Chính phủ điện tử chủ động”, Nhật Bản đã triển khai hàng loạt ứng dụng trực tuyến đến người dân. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giảm tải việc sử dụng giấy tờ trong các công việc hành chính cũng như để người dân tiếp cận thuận lợi nhất với các dịch vụ trực tuyến.

Cùng với việc cung cấp các ứng dụng trực tuyến, thông qua Cổng thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành cũng cho phép người dân thực hiện tìm kiếm thông tin và quan trọng nhất là được công khai bình luận thông tin. Người dân có thể tương tác với các cơ quan Chính phủ thông qua nhiều kênh khác nhau như: truyền hình cáp, máy tính để bàn, điện thoại di động và trực tiếp để được cấp các loại giấy phép và các tài liệu cần thiết khác khi họ ở nhà hoặc tại các cửa hàng tiện lợi 24/24. Một số cách thức khá phổ biến như:

- Thông qua mã số định danh cá nhân (My numbers): Là một công cụ chính để thực hiện quản trị các thủ tục liên quan đến an sinh xã hội, thuế và ứng phó với thảm họa. Thông qua số định danh cá nhân, người dân có thể kiểm tra thông tin phản hồi của Chính phủ dành cho chính họ và giám sát các hồ sơ của họ được xử lý như thế nào bởi các cơ quan Chính phủ. Cổng thông tin điện tử cá nhân là công cụ để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các truy vấn đó. Đây là một trong những nền tảng giúp tăng cường tính minh bạch trong quản lý, đem lại sự tiện lợi cho người dân.

- Thông qua hộp thư điện tử thông qua một dịch vụ trực tuyến của Chính phủ (Mynaportal): Dịch vụ này cho phép người dân nhận được các tài liệu và thông tin quan trọng được gửi từ các cơ quan Chính phủ hoặc chính quyền địa phương. Đồng thời thanh toán các khoản tiền như bảo hiểm, thuế…

- Triển khai dịch vụ công tại các cửa hàng tiện lợi 24/24: Nhật Bản hiện có khoảng hơn 50.000 cửa hàng tiện lợi từ thành phố đến nông thôn, hoạt động 24/24h, sự phổ biến của hệ thống này đã được các cơ quan chính phủ sử dụng như một trong những công cụ để hỗ trợ người dân khi sử dụng một số dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, lệ phí thi cử.., nhận và gửi đồ qua bưu điện, rút tiền, chuyển tiền… Với mã số định danh cá nhân, người dân có thể sử dụng các dịch vụ công tại các cửa hàng tiện lợi một cách thuận lợi và dễ dàng.

Đối với việc truyền thông các sự kiện chính trị, xã hội, cùng với việc cung cấp thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, mạng Internet, hình thức truyền thông bằng tờ rơi và poster rất phổ biến. Hình thức tờ rơi và poster rất phù hợp với người cao tuổi, do Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân số già hóa cao (Dân số của Nhật Bản hiện tại khoảng hơn 126 triệu người. Trong đó, dân số độ tuổi dưới 15 chiếm 13,1%, độ tuổi từ 15 - 64 chiếm 64,0%, độ tuổi từ 64 tuổi trở lên chiếm 22,9%). Đây là cách làm mà Việt Nam cần nghiên cứu và tính đến trong quá trình chuyển đổi số để có bước chuyển tiếp cho phù hợp với nhóm đối tượng yếu thế, là những người cao tuổi và những người không có các thiết bị nghe nhìn, đặc biệt là thiết bị nghe nhìn thông minh.

Cách thức cung cấp thông tin khẩn cấp

Nhật Bản là đất nước nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, ở điểm nối của ba vùng kiến tạo địa chất, khiến Nhật Bản là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới, trong đó hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần; trung bình mỗi năm Nhật Bản phải chịu 7.500 trận động đất. Do đó, chiến lược phát triển công nghệ thông tin, truyền thông để đưa ra những công cụ mới hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai được Chính phủ Nhật Bản đầu tư, phát triển từ rất sớm.

Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông được triển khai ở hai lĩnh vực cụ thể: Hệ thống cảnh báo sớm (EWS-Early Warning System) gồm 03 hệ sinh thái chính: (1) Hệ thống cảnh báo sớm động đất (EEWS- Earthquake Early Warning System); (2) Hệ thống cảnh báo tức thời trên toàn quốc (J-ALERT: Nationwide Instantaneous Warning/Alert System); (3) Thư cảnh báo khẩn cấp (EAM - Emergency Alert Mail). Ba ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông này là một phần của hệ sinh thái hệ thống cảnh báo lớn ở Nhật Bản, trong đó mỗi hệ thống đều đóng một vai trò cụ thể và duy nhất; Quản lý thông tin thảm họa (DIMS- Disaster Information Management System) là cơ chế để xử lý, tổ chức, lưu trữ và phổ biến một cách hiệu quả thông tin cần thiết để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là ngay sau thảm họa thiên nhiên.

Có nhiều cách thức quản lý thông tin thảm họa khác nhau được phân biệt theo mức độ nguy hiểm, tác nhân liên quan, công nghệ được sử dụng và thông tin được truyền đạt trong đó có thể phân thành 5 nhóm: (1) L-ALERT: thông tin chung về an toàn và an ninh, (2) Quản lý thông tin dựa trên GIS (Geographical Informaiton System); (3) Quản lý thông tin theo hệ thống tại địa phương; (4) Quản lý thông tin dựa trên hư hỏng của cơ sở hạ tầng điện; (5) Quản lý theo hệ thống quản lý tài sản.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cho thử nghiệm hệ thống phát sóng khẩn cấp J-Alert lần đầu tiên vào tháng 11/2004 tại làng Geisei, tỉnh Kochi. Đây là hệ thống phát sóng khẩn cấp được sử dụng để phổ biến nhanh chóng và tự động thông tin từ chính phủ đến người dân qua vệ tinh và một loạt thiết bị được thiết lập trên toàn quốc. Cung cấp các thông tin về động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, thời tiết khắc nghiệt, các mối đe dọa khẩn cấp đặc biệt, tên lửa đạn đạo, không kích và khủng bố.

Cung cấp thông tin chủ động - Từ kinh nghiệm của Nhật Bản đến đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 1.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cho thử nghiệm hệ thống phát sóng khẩn cấp J-Alert lần đầu tiên vào tháng 11/2004. (Hình minh họa)

Trong quá trình thử nghiệm cơ quan Quản lý thiên tai và hỏa hoạn đã gửi thông tin tấn công bằng tên lửa đạn đạo, cảnh báo sớm động đất, bản tin cường độ địa chấn… Kết quả nhận thông tin tại các chính quyền địa phương và tự động kích hoạt hệ thống truyền thông quản lý phòng chống thiên tai mất từ 1-2 giây để nhận thông tin và từ 5 - 23 giây để phát sóng bằng cách kích hoạt tự động. Để rút ngắn thời gian truyền tải thông tin, phương thức truyền thông qua loa phát thanh (gắn trên những tòa nhà cao tầng) được tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý thông tin tại bàn điều khiển hành chính phòng, chống thiên tai. Hệ thống chính thức ra mắt vào tháng 2/2007 và phủ sóng 100% các thành phố trên toàn Nhật Bản.

Tất cả các địa phương của Nhật Bản (47 tỉnh chia thành 5 vùng lần lượt từ phía Bắc là Tohoku, Kanto, Chubu, Kinki, Chuguko) đều có cơ quan quản lý thiên tai và hỏa hoạn. Tuy nhiên, các cơ quan này tại địa phương chỉ có trách nhiệm trong việc duy trì hệ thống thông tin mặt đất (hệ thống tiếp nhận thông tin và hệ thống lan truyền mặt đất).

Cung cấp thông tin chủ động - Từ kinh nghiệm của Nhật Bản đến đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng quan về vận hành của J-ALERT.

Khi nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng, hệ thống thông tin khẩn cấp sẽ được vận hành và chuyển tiếp thông tin trên toàn quốc hoặc theo khu vực tùy theo cấp độ của thông tin cảnh báo dưới các hình thức:

- Thông báo trên truyền hình và trên sóng phát thanh toàn quốc (thông qua đài phát thanh NHK, các kênh truyền hình công cộng của Nhật Bản);

- Thông báo qua tin nhắn trên điện thoại di động;

- Thông báo qua loa phát thanh gắn trên tháp và một số tòa nhà (hệ thống này được gọi là hệ thống truyền thông quản lý phòng, chống thiên tai).

Cung cấp thông tin chủ động - Từ kinh nghiệm của Nhật Bản đến đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 3.

Sơ đồ tổng quan hệ thống của J-ALERT.

Công nghệ ứng dụng trong thông tin khẩn cấp: J-ALERT là vệ tinh khu vực, sử dụng vệ tinh liên lạc (Super Bird B3) khi phân phối thông tin từ cơ quan có thẩm quyền, hệ thống sẽ xác định loại thông tin và mã vùng mục tiêu được gửi cùng lúc để tự động lựa chọn nội dung phát sóng và tự động kích hoạt phát sóng hữu tuyến/vô tuyến. Cụ thể như sau:

Khi có thông tin khẩn cấp liên quan đến thảm họa, Cơ quan khí tượng Nhật Bản - JMA ( Japan Meteorological Agency) và Ban thư ký Nội các nhập thông tin cần thiết (mã thông tin khẩn cấp, mã vùng của người nhận, v.v..) vào máy tính đầu cuối. Dữ liệu được chuyển qua Mạng vô tuyến phòng, chống thiên tai đến hệ thống quản lý J-ALERT tại FDMA. Ở các thành phố, máy tính đầu cuối nhận dữ liệu cảnh báo và bộ điều khiển kích hoạt cho phép thông tin được tự động chuyển đến đài phòng, chống thiên tai hoặc các kênh phân phối khác. Để truyền thông tin cực kỳ khẩn cấp từ FDMA đến các thành phố với độ tin cậy cao, J-ALERT đã sử dụng một hệ thống liên lạc vệ tinh. Giao tiếp mặt đất của Mạng diện rộng của chính quyền địa phương (LGWAN) được sử dụng làm dự phòng và được chính quyền địa phương dành riêng cho việc sử dụng hành chính. Trong thời gian bình thường, LGWAN được sử dụng để giám sát máy thu J-ALERT.

Thông tin được cung cấp trên J-ALERT được phát theo khu vực ảnh hưởng (cấp quốc gia, cấp tỉnh…) tùy theo cấp độ và mức độ ảnh hưởng. Thông tin được phân loại theo các cấp độ, trong đó có các cấp độ khác nhau, cụ thể:

A: Kích hoạt tự động bắt buộc gồm các thông tin về: bảo vệ công dân, tấn công tên lửa, khủng bố quy mô lớn, cảnh báo sớm động đất, cảnh báo sóng thần lớn, cảnh báo núi lửa phun trào, cảnh báo khí tượng khẩn cấp…).

B: Kích hoạt tự động tùy chọn (như là một quyết định của chính quyền địa phương) gồm các thông tin về: khuyến cáo về lốc xoáy, cảnh báo sạt lở đất, thông tin về cường độ địa chấn, khuyến cáo về sóng thần…

C: Kích hoạt bằng tay gồm các thông tin về: dự báo lũ trên các sông, thông tin lượng mưa kỷ lục, thông tin về cường độ và nguồn địa chấn, các khuyến cáo khác về thời tiết…

Kể từ khi thử nghiệm trình diễn và đưa vào hoạt động chính thức đến nay J-ALERT đã phát hiện và kịp thời phát đi tin cảnh báo cho người dân về những tình huống đặc biệt khẩn cấp về động đất, phóng tên lửa,... Bằng cách cảnh báo qua J-ALERT đã giúp các chính quyền địa phương tăng cường khả năng quản lý khủng hoảng tổng thể (tập hợp khẩn cấp, phát lệnh khẩn cấp đến các sở, ngành…) người dân tiếp cận thông tin nhanh nhất và kịp thời.

Một số đề xuất cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy:

- Việc cung cấp thông tin chủ động, kịp thời từ Chính phủ tới người dân, đồng thời cung cấp khả năng tương tác thuận lợi hai chiều giữa người dân với Chính phủ là yếu tố then chốt giúp minh bạch thông tin của Chính phủ cũng như giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại khi ứng phó với các tình huống khẩn cấp (động đất, sóng thần…).

- Mặc dù là một quốc gia có ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, tuy nhiên, Nhật Bản vẫn duy trì hệ thống truyền thanh như là một trong những kênh thông tin quan trọng để cung cấp thông tin đến người dân một cách nhanh nhất để kịp thời ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Hệ thống thông tin cảnh báo khẩn cấp của Nhật Bản được thiết lập một cách khoa học, có hệ thống và phù hợp với thực trạng công nghệ thông tin - truyền thông tại từng địa phương nhưng vẫn đảm bảo sự vận hành thông suốt từ cơ quan chính phủ đến người dân, cũng như đảm bảo sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp khi cần thiết.

Học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông cơ sở tại Việt Nam, hai đề xuất dưới đây rất mong được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm triển khai.

Một là, xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở

Theo đánh giá hàng năm ở những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Khí hậu Việt Nam thay đổi theo mùa và theo vùng từ thấp lên cao, từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây. Do ảnh hưởng gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường gặp bất lợi về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 21/12/2020 đã xảy ra 16 loại hình/576 đợt, trận thiên tai: 14 cơn bão trên Biển Đông; 265 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 - 22/10/2020 ở khu vực Trung Bộ, nhất là ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai đã làm 357 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế hơn 37.400 tỷ đồng.

Hệ thống thông tin truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai hiện tại được thực hiện qua: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan báo chí… Tuy nhiên, trong trong thời gian gần đây một số cơ quan chức năng cũng đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong công tác cảnh báo thiên tai như: Xây dựng hệ thống cảnh báo qua app điện thoại (app “PCTT”của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; app “dự báo thời tiết” của Tổng cục Khí tượng thủy văn); Xây dựng trang thông tin cảnh báo qua các mạng xã hội. Ví dụ: trang zalo “Phòng, chống thiên tai” của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; fanpage: kenhthoitiet của Tổng cục Khí tượng thủy văn…; Nhắn tin đến thuê bao di động (theo khu vực) để cảnh báo thiên tai.

Còn nhớ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân ra miền Bắc, chúng ta đã có một hệ thống báo động phòng không - thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở bằng những nội dung thông tin báo động với đặc điểm rõ ràng, âm sắc và tốc độ phù hợp với nội dung từng loại báo động. Ví dụ những thông báo về máy bay địch đang đến, thường được lặp lại 3 lần liên tiếp “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội… cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn”. Tuy nhiên, trong thời bình, chúng ta lại chưa phát huy được lợi thế của kênh thông tin gần dân, sát dân nhất này trong việc cảnh báo những thảm họa thiên nhiên (mưa lũ, sạt lở đất…) để người dân có thể kịp thời tránh, trú đến nơi an toàn.

Đại dịch COVID bùng phát mạnh tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, đã lại một lần nữa cho thấy vai trò thông tin chủ lực trong việc đưa thông tin thiết yếu đến người dân của hệ thống truyền thanh cơ sở. Với tổng số 9.679 đài truyền thanh/10.599 xã, phường, thị trấn; 666 cơ sở truyền thanh cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy được vai trò là một kênh thông tin thiết yếu, có lợi thế nhất ở cơ sở (gần dân, sát dân), tuyên truyền rất hiệu quả đến người dân nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… mà không có kênh truyền thông nào có thể làm được với số lượng người được tiếp cận thông tin rất đông đảo (khoảng 80 triệu người); thông tin nhanh, trực tiếp; giá thành đầu tư, quản lý vận hành rẻ. Tuy nhiên, trong hiện tại và tương lai khi “Công nghệ sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và là công cụ vận hành không thể thiếu trong bất cứ hoạt động gì trong tương lai” (1) việc ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin đến người dân thông qua các phương thức truyền thông là việc làm vô cùng cấp thiết.

Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở theo mô hình kết hợp giữa tập trung và phân quyền quản lý theo cấp hành chính từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; kiểm soát, giám sát và đánh giá được hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở. Xây dựng hệ thống đài truyền thanh cơ sở trở thành kênh thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, tương tác thông tin hai chiều giữa chính quyền với người dân trên môi trường số là việc làm vô cùng cần thiết.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng một hệ thống hạ tầng công nghệ kết nối giữa các cơ quan chức năng (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) để cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai đến người dân thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất, từ đó có phương án ứng phó kịp thời (bão lũ, sạt lở đất…). Hệ thống được xây dựng trên cơ sở kết nối liên thông và tự động vận hành khi xảy ra “nguy cơ” (tự động phân vùng, tự động phát âm thanh cảnh báo…). Có thể nghiên cứu, xây dựng hệ thống dựa trên những hạ tầng sẵn có của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia; cần xem xét nâng cấp, bổ sung thêm các tính năng của hệ thống và xây dựng thành Trung tâm Công nghệ phòng, chống thảm họa, thiên tai quốc gia.

Trước mắt sử dụng các nền tảng công nghệ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng hoặc tổ chức quản lý nhà nước (như viễn thông, tần số vô tuyến điện, báo chí, thông tin cơ sở…) để xây dựng một hệ thống thông tin kết nối sử dụng AI để cung cấp thông tin đến người dân qua các ứng dụng công nghệ khác nhau: app, tin nhắn, truyền thanh cơ sở… Dựa trên sử dụng một nền tảng cơ sở dữ liệu duy nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và điều tiết vận hành.

Hai là, thay đổi các thức cung cấp thông tin đến người dân

Trong xu hướng công nghệ phát triển rộng khắp, thông tin được cập nhật liên tục qua nhiều kênh khác nhau người dân có điều kiện, cơ hội để tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện đặc biệt ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Thực tế cho thấy, dù có ưu thế là gần dân, sát dân nhưng hệ thống truyền thanh cơ sở ở các thành phố lớn đôi khi cũng gây “ô nhiễm tiếng ồn” cho người dân ở đô thị nơi đã tập trung quá nhiều các công cụ tiếp cận thông tin. Do đó, bên cạnh việc duy trì, phát triển những hệ thống thông tin đã có cần nghiên cứu, đổi mới cách thức cung cấp thông tin đến người dân theo hướng “chính xác - thuận lợi - phù hợp” (thông tin chính xác, chính thống, tiếp cận thuận lợi, dễ dàng người dân có thể tham gia ý kiến, phản ánh và nhận được kết quả tham gia của mình), phù hợp với mọi đối tượng (công chức, công nhân, nông dân, người lao động tự do…), thiết bị (điện thoại, máy tính…), vị trí địa lý (thành phố, nông thôn…). Có thể xem xét một số cách thức thông tin đến người dân và tiếp nhận thông tin từ người dân như: thông tin qua các điểm truy cập (có thể liên kết với các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã ở khu vực nông thôn, miền núi…; qua hệ thống các cửa hàng tiện ích ở các thành phố lớn, khu vực đông dân cư…). Coi việc sử dụng các ứng dụng công nghệ có sẵn hiện nay như zalo, facebook… như là một trong những kênh cung cấp thông tin chính thức và lâu dài để tương tác giữa cơ quan quản lý và người dân. Thông qua các kênh truy cập đó người dân có thể tham gia tương tác với cơ quan quản lý, và trên cơ sở đó cơ quan quản lý có thể thực hiện việc hoạch định chính sách cho phù hợp. Điều này cũng sẽ giúp cho những nhóm người yếu thế (phụ nữ, người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…) được tham gia, tiếp cận thông tin thiết yếu một cách dễ dàng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tại tọa đàm trực tuyến “Kết nối trong đại dịch”do báo VnExpress tổ chức ngày 24/8/2021

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11/tháng 11/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cung cấp thông tin chủ động - Từ kinh nghiệm của Nhật Bản đến đề xuất cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO