Cụ thể, Dự án của TTXVN với tên gọi "Cuộc chiến chống tin giả - Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả" gồm 3 cấu phần: Bài hát chống Fake News bằng 15 ngôn ngữ; tài khoản Factcheckvn trên mạng xã hội TikTok hướng vào giới trẻ; dự án "Nói không với Fake News" đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh từ tiểu học cơ sở đến trung học phổ thông, đã triển khai tại nhiều tỉnh thành trong toàn quốc.
Dự án ra đời với mục tiêu nhằm tăng cường nhận thức và hiểu rõ cách thức phòng chống tin giả cho cộng đồng, đồng thời hướng tới nâng cao trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí thông qua những hoạt động bên ngoài tòa soạn.
Chia sẻ những kinh nghiệm thành công cũng như các phương thức khi triển khai dự án, Nhà báo Lê Quốc Minh,Phó Tổng Giám đốc TTXVN, nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một cơ quan báo chí Việt Nam có riêng một kênh kiểm chứng thông tin và cũng là lần đầu tiên trên tất cả các nền tảng thuộc TTXV sử dụng các video ngắn để bóc trần nhiều nội dung giả mạo, không chính thống.
TTXVN là đơn vị báo chí đi tiên phong tại Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả, bởi chúng tôi đề cập tới vấn đề này khá sớm (khoảng năm 2015-2016) thông qua rất nhiều bài báo đánh động nguy cơ và hướng dẫn cách phát hiện tin giả, cũng như tham luận tại các hội nghị báo chí & truyền thông, vào thời điểm mà ít người quan tâm và chưa thực sự hiểu về tin giả, thậm chí coi thường fake news.
"TTXVN đã có nhận định rằng tin giả sẽ phát triển mạnh mẽ, nếu không tìm cách ngăn chặn sẽ gây tác hại khủng khiếp tới xã hội, đặc biệt là khi công nghệ phát triển quá nhanh chóng và người ta thậm chí có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất và phát tán tin giả với quy mô lớn gấp nhiều lần so với con người", Nhà báo Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TTXVN có đội ngũ đông đảo các phóng viên, biên tập viên luôn tâm huyết, trăn trở tìm các biện pháp đa dạng trong cuộc chiến chống tin giả này, đồng thời hợp tác với các hãng thông tấn đối tác, các công ty công nghệ, tận dụng cả những nền tảng truyền thống đến truyền thông xã hội.
Cũng theo Nhà báo Lê Quốc Minh, trên thế giới có rất nhiều dự án chống tin giả, có thể thuộc về các cơ quan báo chí hoặc các tổ chức độc lập. Một số trường đại học và tổ chức dân sự cũng phát hành những cuốn sách hoặc tài liệu về chống tin giả dành cho đối tượng là người trẻ trong xã hội. Vài nhà báo tổ chức các lớp hướng dẫn phòng chống tin giả cho học sinh, nhưng dường như đó chỉ là nỗ lực cá nhân và được thực hiện với quy mô nhỏ.
Vì TTXVN có đội ngũ nhà báo trẻ khá đông đảo trong tổng số gần 900 Đoàn viên thanh niên, làm việc tại cơ quan thường trú ở 63 tỉnh thành, nên với kế hoạch thực hiện đào tạo trên quy mô toàn quốc và điều này là hoàn toàn khả thi.
"TTXVN mong muốn và sẽ nỗ lực triển khai dự án này trong thời gian dài bởi chúng tôi hiểu giá trị mà mình đang đóng góp cho xã hội, cho dù nhỏ nhoi nhưng vô cùng cần thiết", Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Nói về tính khả thi, khi dự án đi vào hoạt động, TTXVN luôn nhận được sự quan tâm của một số cơ quan báo chí lớn cũng như Thành Đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn. Chính sự chung tay vào cuộc của các đơn vị đã mang lại nhiều lợi ích cho hàng triệu học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước.