Huyền Vi (thứ hai từ phải sang) chia sẻ niềm vui cùng thầy cô và gia đình.
Huyền Vi đã chọn câu chuyện về người tị nạn để giải quyết yêu cầu: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”.
Gửi gắm những lời cố vấn cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, trong phần đầu bức thư, Nguyễn Đỗ Huyền Vi viết: “Thưa ông! Ông nhậm chức trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, xung đột đẫm máu, khủng bố hoành hành, biến đổi khí hậu, sự thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới dưới thời Donald Trump. Và cháu rất ủng hộ khi ông tuyên bố: Đã tới lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình. Ngày đầu nhậm chức ông đã mong mỏi giải quyết vấn đề hòa bình và người tị nạn”.
Từ hiểu biết về tình hình thời sự thế giới, Huyền Vi nêu những bất cập như: “Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức mở cửa biên giới đón người tị nạn đã bị lên án kịch liệt vì tạo ra những thách thức an ninh lớn cho Đức. Ông Obama tuyên bố sẽ nhận 10.000 người tị nạn cũng bị chỉ trích dữ dội vì kẻ khủng bố đã trà trộn vào làn sóng người tị nạn này.
Trái lại, ngôi làng Oberwil- Lieli, Thụy Sĩ, giàu nhất châu Âu chấp nhận nộp phạt gần 300.000 USD thay vì nhận 10 người tị nạn Sirya cũng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump ban lệnh cấm nhập cư vào Mỹ với hầu hết người tị nạn từ Syria và 6 nước khác của Trung Đông, châu Phi cũng bị phản đối gay gắt. Mỗi người đều có cái lý riêng nên cháu nghĩ dù ông và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có nỗ lực chừng nào cũng không thể giải quyết bài toán tị nạn theo hướng cũ này”.
Hướng mới mà tác giả bức thư muốn cố vấn đó là: “Ý tưởng của cháu xuất phát từ việc tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris muốn mua một hòn đảo tặng cho dân di cư. Chính bức ảnh về cậu bé Aylan 3 tuổi nằm úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã thức tỉnh ông ta: “Tôi không thể ngồi yên và giả vờ như đó không phải là chuyện của mình”.
Ông sẽ đặt tên đảo là Aylan, xây bến tàu, nhà cửa, trường học, bệnh viện, cung cấp thức ăn, điện nước và tạo công việc cho họ. Ý tưởng này đã được cơ quan UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) của ông đồng tình và hợp tác tiến hành. Theo cháu, đây là một ý tưởng đầy tính nhân văn, là giải pháp tối ưu cho bài toán người tị nạn mà cả thế giới đang đối mặt”.
Ngoài ra, Huyền Vi còn gợi ý cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về những tỷ phú sẵn sàng bỏ ra 99% tài sản của mình để làm từ thiện như người giàu nhất thế giới Bill Gates; huyền thoại vùng Omaha-ông Warren Buffett; CEO Facebook-Mark Zucherberg; anh em nhà Kack…
Và một khi ý tưởng này được thực thi thì kết quả thiết thực hữu ích của nó là: Hàng triệu người tị nạn chạy trốn chiến tranh, nghèo đói sẽ nhận được hai điều: Sự sống và bình yên. Các nước đang có người tị nạn đổ về sẽ không phải đau đầu và tranh cãi về người tị nạn. Người mua đảo cho người tị nạn sẽ được lưu danh. Các quốc gia bán đảo cũng sẽ được lợi và có thể những hòn đảo ấy trở thành những quốc gia độc lập… “Ông thấy ý tưởng này của cháu thế nào? Ông hãy viết thư cho cháu, mình sẽ trao đổi thêm cho thấu đáo ông nhé!”, thư của Vi viết.
Trong khi chờ “hồi âm” của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, bức thư về vấn đề người tị nạn thế giới của cô học trò lớp 8 Trường THCS Tây Sơn đã chinh phục Hội đồng giám khảo UPU Việt Nam và giành giải nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế lần thứ 46.
Trong niềm vui khôn tả, Nguyễn Đỗ Huyền Vi tâm sự: “Em sẽ điện thoại ngay cho bố để báo tin vui! Em xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Carol Guzy về bức ảnh cậu bé Agim Shala 2 tuổi tại Kosovo được người lớn đưa qua hàng rào thép gai sang trại tị nạn Kukes bên lãnh thổ Albania, nơi gia đình em đang chờ. Bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 2000 này đã ám ảnh em và thôi thúc em viết nên bức thư.
Em xin cảm ơn mẹ, các thầy cô giáo hướng dẫn và dạy dỗ em ở Trường THCS Tây Sơn”. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường và cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 8/9 cùng cô Doãn Thị Vân, giáo hướng dẫn đều nhận xét Huyền Vi là học sinh giỏi toàn diện, năng động. Năm học 2015-2016 Huyền Vi đoạt giải nhất thành phố và giải khuyến khích quốc gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn (Văn, Sử, Giáo dục công dân) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh vui mừng chia sẻ: Đây là giải nhất danh giá mà học trò Đà Nẵng đạt được. Kết quả này còn thể hiện sự nỗ lực và sự đặc biệt quan tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng Bưu điện Đà Nẵng trong việc triển khai cuộc thi viết thư UPU hằng năm.
Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng có 7 học sinh đoạt giải nhất quốc gia, trong đó có 1 học sinh đoạt nhất quốc tế viết thư UPU. Trong đó, riêng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) đã có 3 học sinh đoạt giải nhất là Hồ Thị Hiếu Hiền (UPU 39, nhất quốc tế và nhất quốc gia), Đào Thụy Thùy Dương (UPU 42) và Nguyễn Đỗ Huyền Vi (UPU 46). Ngoài ra, còn có 4 học sinh khác là Nguyễn Thị Thủy Tiên, lớp 9 Trường Thực hành sư phạm (UPU 27); Trần Thị Phượng Quỳnh, lớp 9 Trường THCS Nguyễn Khuyến (UPU 29); Võ Thị Thu Thảo, lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (UPU 32); Nguyễn Đắc Xuân Thảo, lớp 7 Trường THCS Nguyễn Huệ (UPU 38 - nhì Quốc tế). |
Báo Đà Nẵng