Cuốn nhật ký của một nhà giáo, thương binh về những ký ức không bao giờ quên

Thu Hiền| 18/11/2020 18:26
Theo dõi ICTVietnam trên

"Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của Tủ sách "Mãi mãi tuổi 20" mà tác giả là một thầy giáo làng, từng "xếp bút nghiên", phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), hôm nay nay 18/11, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với CLB Trái tim Người lính và gia đình tác giả giới thiệu cuốn sách nhật ký thời chiến (tư liệu mới phát hiện) "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm.

Những ký ức "Không bao giờ quên"

"Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của Tủ sách "Mãi mãi tuổi 20" mà tác giả là một thầy giáo làng, từng "xếp bút nghiên", phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đó chính là nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm (còn có tên khác là Đinh Văn Sai). Ông sinh ngày 31/8/1945, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân. Mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, cậu bé Sai lớn lên cùng người anh trai là Đinh Đắc Khâm và chị gái là Đinh Thị Lai, do một vai người mẹ nghèo làm lụng và nuôi dưỡng.

Lớn lên, cũng chỉ một mình cậu bé được ưu tiên đến lớp học hết cấp II. Đinh Đức Lâm được cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm, sau khi tốt nghiệp, anh được điều về dạy tại Trường Phổ thông cơ sở cấp II xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Giới thiệu cuốn nhật ký của Thầy giáo, Thương Binh Đinh Đức Lâm - Ảnh 1.

Những trang nhật ký của thầy giáo Đinh Đức Lâm

Đấy là những năm 1965 - 1968, Đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ vào miền Nam và cho không quân ném bom đánh phá miền Bắc nước ta. Thầy giáo trẻ Đinh Đức Lâm vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi. Mặc dù trong nhà đã có người anh trai Đinh Đắc Khâm vào bộ đội 1965 và đi B năm 1966, nhưng là một Đảng viên trẻ, thầy giáo Đinh Đức Lâm vẫn gương mẫu tham gia nhập ngũ ngày 22/6/1968 và lên đường vào chiến trường B đầu năm 1969.

Sau 5 tháng đi bộ hành quân vượt Trường Sơn, vòng qua Lào, Campuchia… Đinh Đức Lâm đã cùng đồng đội vào tới B2, tức chiến trường miền Đông Nam Bộ. Họ được biên chế vào đơn vị C10, E59C, Sư đoàn 9, có mật danh hồi đó là "Công trường 9", một trong những Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam.

Vừa đặt chân đến mặt trận B2 chưa được bao lâu, Đinh Đức Lâm đã cùng đơn vị liên tục tham gia 5 trận chiến đấu với địch và nhiều lần giáp mặt với cái chết.

Đêm ngày 21/7/1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, Lâm bị lạc rừng. Anh phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình. Nhưng gay go nhất là Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Với tình đồng đội, Lâm đã không nỡ bỏ Thụ lại trong rừng. Anh tình nguyện cõng Thụ và tìm cách vượt qua vòng vây của thám báo Mỹ trở về đơn vị.

Nhưng họ đã bị lạc tới 3 đêm liền trong khu rừng đầy thám báo Mỹ và những ổ phục kích của địch. Rồi cuối cùng, nhờ dũng cảm và mưu trí, hai người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn. Đó cũng chính là cái tứ cảm xúc, để sau này ban biên soạn đặt tên cho tác phẩm nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng".

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, là chỉ hơn một năm sau, vào ngày 8/11/1970 chiến sĩ Lê Văn Thụ đã anh dũng "hi sinh tại Mặt trận phía Nam". Đến nay, thân nhân gia đình của liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Giới thiệu cuốn nhật ký của Thầy giáo, Thương Binh Đinh Đức Lâm - Ảnh 2.

Tác giả Đinh Đức Lâm (trái) và Biên Soạn Đặng Vương Hưng tại buổi giới thiệu sách

Cuốn sách "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng"

"Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" được chia làm 12 phần nhỏ, mỗi phần là một phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, sẽ được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào, nếu không may bị thương.

Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc phải đi qua những chặng đường nào, dòng sông nào, dừng chân nghỉ ở những Binh trạm đón tiếp nào…

Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trưởng miền Nam. Nhật ký của thầy giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!

Giới thiệu cuốn nhật ký của Thầy giáo, Thương Binh Đinh Đức Lâm - Ảnh 3.

Cuốn sách được biên soạn từ những trang nhật ký của thầy giáo Đinh Đức Lâm

Nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" được tác giả Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hi sinh như Giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3/2/1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm lễ truy điệu.

Sự thật là ông Đinh Đắc Khâm đã bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh. Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2049 ngày, mà phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc. Đầu năm 1973, tù binh Đinh Đắc Khâm đã được phía chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris.

Giới thiệu cuốn nhật ký của Thầy giáo, Thương Binh Đinh Đức Lâm - Ảnh 4.

Các cựu chiến binh, bạn bè và gia đình chúc mừng thầy giáo Đinh Đức Lâm tại buổi giới thiệu sách

Với một phần tư thế kỷ cống hiến trong nghề giáo dục, Thầy giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đã có hàng vạn học sinh. Nhiều người đã trưởng thành là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thậm chí có người dành học vị Tiến sĩ… Nhiều cựu học sinh cũ của ông đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Chính quyền, hoặc là doanh nhân thành đạt…

Tác phẩm "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" sẽ là món quà nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa, khi ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 và tác giả Đinh Đức Lâm (nguyên Hiệu Trưởng Trường Phổ thông Cơ sở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) tròn 75 tuổi (1945 - 2020).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Cuốn nhật ký của một nhà giáo, thương binh về những ký ức không bao giờ quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO