Đó là chia sẻ của những người làm chuyên môn nghệ thuật, làm sách, dịch giả, hoạ sỹ buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Câu chuyện nghệ thuật" (The Story of Art) nhân dịp cuốn sách ra mắt bản tiếng Việt vừa được tổ chức.
Một tác phẩm đồ sộ về nghệ thuật
"Câu chuyện nghệ thuật"là một tác phẩm kể về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, được tác giả E.H Gombrich, một trong những nhà sử học nghệ thuật lỗi lạc nhất nửa sau thế kỷ 20, khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau như hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hoá, chính trị và tôn giáo.
Tác phẩm là nguồn tư liệu phong phú về các tác phẩm đáng chú ý, những tên tuổi tài năng, những trường phái, phong cách đặc sắc trong dòng chảy nghệ thuật.
Điều đặc biệt là tác phẩm không chỉ đơn thuần liệt kê đủ mọi tên tuổi cùng những tác phẩm nổi tiếng hay đề tài và các kỹ thuật chuyên môn, mà được tác giả, đối với giới hàn lâm cũng như với tầng lớp công chúng rộng rãi, kể theo một dòng chảy liên kết và tiếp nối không ngừng nghỉ của những nghệ nhân, hoạ sỹ và nghệ sỹ.
Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật và cách viết mạch lạc, dễ hiểu, tác giả đã tạo nên một cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau, với nền tảng kiến thức đa dạng.
"Câu chuyện nghệ thuật" được in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua, được dịch ra gần 30 thứ tiếng và hơn 8 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới. Điều đó khiến cho tác phẩm trở thành cuốn sách nghệ thuật bán chạy nhất mọi thời đại và là tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác cho nhiều thế hệ độc giả.
Trong bản tiếng Việt vừa được ra mắt, sách được dàn với số trang tương đương với bản gốc (692 trang), tương đương với bản gốc tiếng Anh để đảm bảo được việc tương ứng giữa nội dung và hình ảnh minh hoạ của ấn bản mới nhất lần16. Trong khi đó, bìa cuốn sách được lấy ý tưởng thiết kế từ việc sử dụng bố cục mô phỏng trong tác phẩm của hoạ sỹ Mondrian mang màu sắc tươi trẻ, bắt mắt, với những ô màu được ghép hình các tác phẩm thể hiện được 3 lĩnh vực chính của nghệ thuật được nhắc đến trong cuốn sách là hội hoạ, kiến trúc và điêu khắc.
Chia sẻ về quá trình xuất bản tác phẩm đồ sộ này tại Việt Nam, ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam cho biết: "Mong muốn xuất bản một cuốn cẩm nang về nghệ thuật để ai cũng có thể đọc được đã được Omega lên ý tưởng từ lâu. Quá trình xuất bản sách cũng đặt ra cho chúng tôi khá nhiều thách thức. Phải mất khoảng một năm, đến tháng 3/2019, chúng tôi mới mua được bản quyền của cuốn sách về Việt Nam. Và yêu cầu của Nhà xuất bản (NXB) Phaidon - NXB hàng đầu thế giới - đặt ra thực sự là một thử thách với chúng tôi: in lần đầu tiên 5000 bản, con số này gấp 10 lần so với các cuốn sách nghệ thuật khác trên thị trường. Chưa kể yêu cầu về giấy, chất lượng hình ảnh của các cuốn sách về nghệ thuật cũng cao hơn rất nhiều".
"Ngay khi có được bản quyền của tác phẩm, rất may mắn chúng tôi nhận được bản dịch từ một dịch giả yêu thích nghệ thuật đang sống ở Đức. Tuy nhiên, đây là bản dịch theo ấn bản thứ 14, trong khi chúng tôi mua bản quyền của ấn bản thứ 16. Chính vì vậy, ban biên tập đã phải rà soát lại từng chi tiết để đảm bảo yêu cầu về bản dịch như NXB Phaidon đã đặt ra. Việc này tiêu tốn thời gian hơn rất nhiều so với việc dịch từ đầu, vì vậy chúng tôi đã phải lỡ hẹn một năm mới có thể ra mắt độc giả cuốn "Câu chuyện nghệ thuật", Giám đốc Vũ Trọng Đại chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Vũ Trọng Đại, việc in ấn cũng đảm bảo tương đương như cuốn sách gốc. Công nghệ in của Việt Nam đã đảm bảo cho việc in ấn một tác phẩm đồ sộ như vậy. Cùng với đó, đội ngũ của Omega phải theo sát quá trình in ấn từng trang sách, tay sách nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho bạn đọc.
Một cuốn sách nghệ thuật dành cho mọi người
Nhận xét về chất lượng và giá trị của cuốn sách trong dòng chảy tri thức về văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam cũng như của thị trường, các diễn giả đánh giá cao các kiến thức và giá trị mà cuốn "Câu chuyện nghệ thuật" mang lại.
Dịch giả Lưu Bích Ngọc hiện đang sinh sống tại Đức bày tỏ vinh dự được tham gia vào quá trình xuất bản một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất về chủ đề nghệ thuật.
Theo dịch giả, trong suốt 70 năm qua "Câu chuyện nghệ thuật" là chỉ dẫn cho rất nhiều thế hệ độc giả, bất kể tuổi tác hay trình độ học vấn. Đúng với tiêu chí nghệ thuật là dành cho tất cả mọi người, nếu phần đầu của cuốn sách cho thấy ý định của ông và cách viết có hệ thống, có quy tắc riêng trong việc lựa chọn các bức tranh, hay nghệ sỹ để giới thiệu thì phần cuối của cuốn sách bạn đọc có thể tham khảo về khoảng thời gian lịch sử, cũng như bản đồ địa lý liên quan đến những gì đa được trình bày trong cuốn sách.
"Cuốn sách được viết với góc nhìn, ngôn từ dung dị, dễ hiểu đem đến cho người dịch cảm nhận rất riêng và về đời sống nghệ thuật rất đời, rất riêng tư trong tâm hồn của mỗi nghệ sỹ nhưng cũng có thể biết được một cách chung nhất về thời kỳ lịch sử, văn hoá của nhân loại".
Trong khi đó, họa sĩ Trịnh Lữ, cũng là người dịch sách từng được giải thưởng dịch thuật văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội văn nghệ Hà Nội và tác giả của nhiều bài giới thiệu chia sẻ kiến thức lịch sử nghệ thuật chia sẻ:Tác giả cuốn sách là người Do Thái, sinh trưởng tại Vienna - là nơi bản đồ tri thức thế giới hội tụ. Bạn thân của ông cũng là những nghệ sĩ kỳ cựu như Floyd. Bản thân ông là người biết chơi piano và nghiên cứu về tâm lý học. Vì vậy, ông đã diễn giải nghệ thuật theo cách khách quan nhất. Tác giả chỉ sử dụng các tác phẩm mà ông đã từng được chiêm ngưỡng và tiếp cận để có thể đơn giản hóa và làm rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt.
Cũng theo hoạ sỹ Trịnh Lữ, giữa bối cảnh thông tin chỉ đơn giản lặp lại những điều mà người nghệ sĩ đã nói, khiến cho nghệ thuật trở nên xa lạ và khó hiểu với công chúng thì cuốn sách sẽ giống như một sợi dây nhắc nhở rằng chúng ta cần một nền tảng kiến thức để có thể thưởng thức nghệ thuật. Tác giả cuốn sách Gombrich nhìn nhận các tác phẩm theo hướng duy vật. Với ông nghệ thuật là quá trình tạo tác của con người, phục vụ con người và chứa đựng những giá trị lịch sử nhất định. Vì vậy, khi đọc sách, bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn về các tác phẩm và nhận ra nghệ thuật không có gì là quá ghê gớm cả.
Theo hoạ sỹ Trịnh Lữ, người làm nghệ thuật ngày nay bị chi phối bởi nhiều thứ. Từ các công cụ số (digital) tới những bảng màu được lên sẵn trong các công cụ, tự nó làm cho các tác phẩm không còn gắn với thực tế nữa, khiến nó trở nên xa lạ với những người thưởng thức. Chính vì vậy, luôn cần những thứ thuộc về nguyên bản như cuốn sách này để nhắc nhở chúng ta về mục đích làm nghệ thuật. Hãy để nghệ thuật níu giữ con người với cái đẹp vĩnh cửu của cuộc sống, những giá trị thiêng liêng, những tình nghĩa giữa con người với thế giới.
Từ góc độ của người làm giáo dục nghệ thuật,họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ: "Tôi vẫn thường nhận được câu hỏi của các bạn học viên là phải xem tranh như thế nào? Tất cả câu hỏi đều có thể được giải quyết trong cuốn sách này. Vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa những người làm nghệ thuật và người thưởng thức, cuốn sách sẽ kéo gần khoảng cách này lại.
Dưới góc độ một họa sĩ, hoạ sỹ Vũ Đỗ chia sẻ: "Điều hấp dẫn với tôi là những hình ảnh từ các tác phẩm được minh họa trong sách. Nó giúp một họa sĩ trẻ như tôi học được thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kỳ cựu trên thế giới".
Đặc biệt, so với phiên bản trước, theo hoạ sỹ Vũ Đỗ, ấn bản lần này có những chú thích diễn giải về tôn giáo, những câu chuyện nhỏ giúp bạn hiểu thêm về nghệ thuật từng thời, tùy vào bối cảnh thời đại lúc bây giờ như ở phương Tây, nghệ thuật từng phục vụ tôn giáo.
"Dù tác giả đã tránh dùng những thuật ngữ chuyên môn trong sách những vẫn có những thứ về vật liệu, nguyên tắc sáng tối là kiến thức thiết yếu và căn bản đã được tác giả tinh lọc và diễn giải theo cách dễ hiểu nhất trong cuốn sách này", họa sỹ Vũ Đỗ cho hay.
Là một độc giả, một giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông Trịnh Quang Tiến chia sẻ: Chúng ta đang thời đại 4.0, các bạn trẻ hiện nay giỏi tiếng Anh, thông tin nhiều nhưng để tìm tư liệu tốt là rất khó.Với cuốn sách nghệ thuật đồ sộ này, các bạn trẻ có thể tìm hiểu được nhiều về nghệ thuật qua những câu chuyện.
"Đây là một tác phẩm nghệ thuật chính thống, xứng đáng ở trong thư viện, các đơn vị nghệ thuật và đến với đông đảo bạn đọc", ông Tiến chia sẻ.