Cuốn sách về nền báo chí Việt một thời

N.N| 22/06/2022 09:51
Theo dõi ICTVietnam trên

"Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945" của tác giả Trần Đình Ba là cuốn sách tái hiện đời sống báo chí Việt Nam thuở ban đầu đến năm 1945.

Bức tranh rộng về một nền báo chí từ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945

Có thể hình dung, báo chí Việt Nam từ thuở ban đầu đến 1945 là một bức tranh rộng về không gian và dài về thời gian. Nhiều tờ báo được tái hiện chân dung đã từng xuất hiện trong lịch sử: Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, An Nam tạp chí, Hà thành ngọ báo… với sự phân chia lần lượt theo tiến trình thời gian từ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945.

Báo chí được phân theo khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Nhiều tờ báo ở hải ngoại được đề cập: Cao Miên hướng truyền, Công binh tạp chí. Mỗi tờ báo được tái hiện chân dung trên cơ sở hồi ký, ghi chép của người làm báo 1945 trở về trước; qua thực tế nội dung từ chính các tờ báo, tạp chí.

Cuốn sách "Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945" gom góp "những mảnh vụn ký ức" của người đương thời, là những bài viết trên báo chí thời kỳ đó về những vấn đề liên quan trực tiếp tới báo chí, ký giả đương thời như: Chế độ kiểm duyệt, về nhận định, đánh giá tờ báo cụ thể nào đó trên báo bạn, về ký giả nào đó trong tranh luận văn nghệ…

Họ là những Trương Vĩnh Ký (Gia Định báo, Thông loại khóa trình), Đặng Thúc Liêng (Việt dân báo khai tông minh nghỉa [nghĩa], Trương Vỉnh [Vĩnh] Ký hành trạng…), Diệp Văn Kỳ (Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay)…; là Tản Đà (Giấc mộng lớn, An Nam tạp chí), Phạm Quỳnh (Nam Phong tạp chí), Nguyễn Văn Vĩnh (Đông Dương tạp chí)… và họ là Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (Phong hóa, Ngày nay), Thế Lữ, Anh Thơ (Từ bến sông Thương)… cùng nhiều tên tuổi khác đã hiện diện trong làng văn, làng báo dạo ấy. Thế hệ này kế tiếp thế hệ kia cùng nghiệp cầm bút, và không ít thì nhiều, đều đã ghi tên mình trên nhiều trang báo.

Trẻ trung hơn nhưng cũng có mặt trên văn đàn 1945 về trước, có thể kể đến Nguyên Hồng (Bước đường viết văn), Vũ Ngọc Phan (Những năm tháng ấy), Nguyễn Huy Tưởng (Đến với văn chương và cách mạng),Nguyễn Vỹ (Văn thi sĩ tiền chiến)… Lại tập tễnh bước vào nghề, hoặc siêng đọc siêng viết nhưng tuổi đời còn nhỏ, suy nghĩ còn nông, mà đã sớm yêu sách vở, báo chương, nên không ít thì nhiều có những ký ức liên đới tới báo chí thì có Vương Hồng Sển (Thú chơi sách, Sài Gòn năm xưa, Dở mắm)… 

Một nguồn tư liệu đáng chú ý không thể bỏ qua dù hạn chế, là từ những ghi chép của người Pháp như Louis Roubaud với Việt Nam, bi thảm Đông Dương, Claude Bourrin với Bắc kỳ xưa, Đông Dương ngày ấy (1898 - 1908)… đề cập đến những tờ báo Pháp ngữ như Le Courrier d’Haiphong, L’Avenir du Tonkin, Les Pages Indochinoise.

Những thông tin cơ bản về cơ cấu và tiến trình phát triển báo chí một thời

Sách thông tin cơ bản tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo chữ Pháp, chữ Hán. Tiếp theo là sự xuất hiện của tờ Gia Định báo năm 1865, đánh dấu sự ra đời của báo chí tiếng Việt. Ban đầu chủ yếu là báo chí của chính quyền, phục vụ nhu cầu thông tin tin tức tới các địa phương, đăng các thông tư, nghị định, tin thời sự liên quan đến giá cả, mùa màng, chống phản loạn.

Báo tồn tại nhiều dạng, có loại báo được thiết kế như sách mỏng: Thông loại khóa trình, truyền bá, phổ thông bán nguyệt san… có loại gọi là báo nhưng lại được viết tay, bắt gặp ở những báo bí mật, được làm trong tù Sơn La, Côn Đảo, do những người làm cách mạng thực hiện: Suối reo, Ý kiến chung…

Sách đề cập tới cơ cấu, tổ chức bộ máy của một tờ báo với những chức danh cơ bản: Chủ nhiệm, Chủ bút, Quản lý, biên tập viên… Dẫn chứng nhiều ví dụ về kinh phí xuất bản báo, cách phát hành báo thông qua hệ thống đại lý khắp nước, thậm chí cả Đông Dương, đội ngũ người bán báo dạo ăn chiết khấu.

Nhiều câu chuyện về hậu trường nghề báo cũng được đề cập trong Phần II "Chuyện sau mặt báo qua ký ức người đương thời", tạo sự hấp dẫn, chân thực về nghề báo với kỹ thuật lấy tin, bài; nhuận bút viết báo; giá bán báo; cách thức cộng tác báo. Những câu chuyện về khó khăn của nghề báo cũng được đề cập, thể hiện ở chế độ kiểm duyệt báo chí; kinh phí xuất bản báo, số lượng bản in, sự tồn tại ngắn ngủi của một số tờ báo vì bị chính quyền thực dân cấm, đình bản, hoặc vì thiếu vốn: Tiếng vang làng báo, Đời mới…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách về nền báo chí Việt một thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO