Đời sống xã hội

Cứu hộ động vật hoang dã ở Việt Nam: Nghề đặc thù và khó khăn

Bảo Hân 18/12/2023 14:41

Cứu hộ động vật hoang dã là công việc rất đặc biệt, cho đến nay tại Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo về cứu hộ động vật hoang dã. Đây là nghề đặc thù, khó khăn cả về chuyên môn cũng như điều kiện làm việc, trong nhiều năm qua.

Cứu hộ động vật hoang dã đang là thách thức lớn ở Việt Nam

Cứu hộ động vật hoang dã là công việc đặc biệt, rất khó khan ở Việt Nam hiện nay. Ông Lâm Kim Hải - cán bộ thú ý của Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) chia sẻ về công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Theo anh Lâm Kim Hải, cứu hộ động vật hoang dã là công việc rất đặc biệt, cho đến nay tại Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo về cứu hộ động vật hoang dã. Đây là nghề đặc thù, khó khăn cả về chuyên môn cũng như điều kiện làm việc, trong nhiều năm qua, anh Hải đã trực tiếp tham gia rất nhiều vụ cứu hộ động vật hoang dã.

tang-vat.jpg

Anh Lâm Kim Hải nhớ lại một câu chuyện buồn, đó là trong lần đi cứu hộ hơn 100 cá thể tê tê tại Quảng Ninh do cơ quan chức năng tỉnh này thu giữ được trong một vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật. Khi nhóm của anh Hải nhận được điện thoại yêu cầu được cứu là vào khoảng hơn 2 giờ sáng. Ngay sau đó, nhóm của anh Hải đã khẩn trương tập hợp, đem theo dụng cụ y tế lên đường. Đến gần trưa cùng ngày, khi nhóm của anh Hải xuống đến nơi mở nắp các thùng chứa đựng động vật ra thì hơn 100 cá thể tê tê đã chết gần hết, chỉ còn lại 12 con đang trong tình trạng rất yếu ớt. Cả nhóm tập trung cứu chữa nhưng cuối cùng cũng chỉ cứu sống được 4 cá thể.

Theo anh Hải, nguyên nhân dẫn đến hơn 100 cá thể tê tê bị chết là do không được cứu hộ kịp thời, bởi việc xử lý đối với các vụ việc liên quan đến thu giữ động vật hoang dã mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cơ quan, tính từ khi động vật được lực lượng Công an thu giữ đến khi bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm phải mất nhiều tiếng đồng hồ, đây chính là “thời gian vàng” để cứu hộ động vật. Tuy nhiên, thường trong giai đoạn này, các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã chưa nhận được yêu cầu cứu hộ hoặc có nhận được thì do phải di chuyển một chặng đường xa để đến nơi cứu hộ, vì thế đã xảy ra nhiều vụ động vật bị chết trước khi nhân viên cứu hộ có mặt, hoặc động vật đã rất yếu không thể cứu sống.

Trong vụ việc trong vụ việc cứu hộ hơn 100 cá thể tê tê tại Quảng Ninh, trước khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh gọi điện cho WCS Việt Nam đề nghị cứu hộ thì số tê tê nói trên đã được thu giữ trước đó nhiều tiếng đồng hồ. Khi được thu giữ, sức khỏe số tê tê này có thể đã rất yếu, do chúng vừa bị vận chuyển qua những chặng đường rất dài, được dấu kín trong các thùng và bao tải xếp trên xe ô tô, thời tiết lại nóng bức nên hầu hết số tê tê này đã không thể sống qua thời gian cơ quan công an bàn giao cho kiểm lâm và thời gian chờ đợi được cứu hộ

Theo anh Phạm Phú Cường, cán bộ kiểm lâm Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương, phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là nạn nhân của những vụ săn bắn và mua bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt nhiều linh trưởng khi được chuyển đến trong tình trạng sức khỏe rất yếu và mang trên mình nhiều thương tích. Do vậy, việc phục hồi các vết thương và giúp linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên hết sức khó khăn.

Tại Trung tâm cứu hộ rùa nằm trong Chương trình bảo tồn rùa, theo thông kê, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận 200 - 400 cá thể của khoảng 15 đến 20 loài rùa khác nhau, chủ yếu từ các vụ tịch thu buôn bán trái phép, trong đó chỉ có 6 - 7% số cá thể là từ các cá nhân tự nguyện chuyển giao.

Trung tâm cứu hộ tê tê và thú ăn thịt nhỏ nằm trong Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (CPCP), là một hoạt động phối kết hợp giữa Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã được thế giới ghi nhận là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và chăm sóc tê tê trong môi trường nuôi nhốt. CPCP đã đóng góp một phần quan trọng vào công tác cứu hộ, phục hồi và tái thả lại tự nhiên đối với các loài thú ăn thịt và tê tê được tịch thu từ các vụ săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép.

CPCP đã cứu hộ và phục hồi thành công 11 loài thú ăn thịt và tê tê, bao gồm: Tê tê Java, Tê tê vàng, Cầy vằn, Cầy mực, Cầy tai trắng, Cầy vòi mốc, Cầy vòi hương, Mèo rừng, Cầy hương, Chồn bạc má Nam, Chồn bạc má Bắc. Chương trình cũng đã có những đóng góp đáng kể trong hoạt động tái thả Tê tê Java, loài bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, về tự nhiên.

Cuộc chiến cứu hộ động vật hoang dã còn gian nan

Trong những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố và Bộ, ngành Trung ương liên tiếp phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Song, "cuộc chiến" này vẫn còn lắm gian nan và chưa có hồi kết...

img1423jpg-1612932595-1487-161-2607-1582-1613320762.jpg
Một chú khỉ được chăm sóc tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở tỉnh lộ 15, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP. HCM.

Thời gian qua, các cơ quan thực thi pháp luật khi pháp hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là rất khó khăn, phức tạp. Bởi lực lượng chức năng gặp phải sự chống trả quyết liệt, sự bảo kê, thông đồng, tiếp tay, cũng như hành vi che dấu tội phạm của các đối tượng vi phạm; mặt khác, khi phát hiện, bắt giữ được những vụ vi phạm, thì việc tạm giữ tang vật, đối tượng vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Kiểm sát viên Trần Đình Hải, Vụ 2, Viện KSND tối cao chia sẻ về những khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã. Từ thực tiễn các vụ việc cho thấy, các đối tượng mua bán, vận chuyển động vật hoang dã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn như: Ngụy trang trong các kiện hàng, khi bị bắt thì người vận chuyển không thừa nhận biết bên trong là động vật hoang dã; Vật chứng được đóng gói cẩn thận, thay đổi nhãn mác rồi gửi theo đường bưu điện, gửi phương tiện vận tải công cộng.

Một trong những khó khăn khi giải quyết vụ án liên quan đến động vật hoang dã là quá trình tạm giữ tang vật vi phạm khi bảo quản cũng gặp không ít khó khăn vì tang vật chủ yếu là động vật tươi sống với bản năng hoang dã, có tính nguy hiểm cao, giá trị kinh tế lớn; nhưng nơi tạm giữ, kho, điều kiện chăm sóc, bảo tồn của các cơ quan thực thi pháp luật nói chung và lực lượng Kiểm lâm nói riêng đều không đảm bảo hoặc không có.

Theo báo cáo của Vụ 2, Viện KSND tối cao, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 152 vụ án và 211 bị can bị khởi tố về 2 tội danh liên quan đến động vật hoang dã. Điển hình trong quý I năm 2023, các cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đã phát hiện và thu giữ 8,2 tấn ngà voi; ngày 5/4, Đồn Biên phòng Thanh Lòa (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã phát hiện và thu 91 cá thể rùa Sa nhân; Đầu tháng 7 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Trí Ngọc (SN 1973) và Ngô Sỹ Thành (SN 1976, cùng trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) về hành vi vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm, đồng thời, thu giữ 1 cá thể hổ sống nặng 235 kg đang được 2 đối tượng trên vận chuyển bằng ô tô.

Theo Kiểm sát viên Trần Đình Hải, hiện nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn còn nhiều diễn biến rất phức tạp, các đối tượng không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn trung chuyển, mang hàng sang tiêu thụ ở một số nước lận cận. Đối với những đầu nậu buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, qúy hiếm xuyên quốc gia rất ít khi lộ diện. Vì vậy, nhiều “lô hàng” khi bị lực lượng chức năng bắt được là vô chủ. Đây là những khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển trái pháp luât động vật hoang dã, qúy hiếm, khi không trực tiếp bắt được các đối tượng đầu nậu mà chỉ bắt được đối tượng trung gian.

Trong 5 năm vừa qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, thể hiện ở số lượng vụ bắt giữ và xét xử tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu động vật hoang dã qua các cảng vẫn là một thách thức lớn cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. Kể từ năm 2015, Cơ sở dữ liệu của ENV đã ghi nhận 34 vụ buôn bán động vật hoang dã phát hiện tại các cảng biển ở Việt Nam với gần 80 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê bị tịch thu. Đáng tiếc là cho đến nay, mới chỉ có 3 đối tượng liên quan đến các vụ việc này bị kết án, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cứu hộ động vật hoang dã ở Việt Nam: Nghề đặc thù và khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO