Đà Nẵng tăng cường xử lý các tình huống sự cố ATTT thực tế

PV| 29/12/2021 20:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng, xu thế kết nối số và sự phổ cập của thiết bị, công nghệ số đã làm tăng nguy cơ, rủi ro về an toàn thông tin (ATTT). Như tại TP. Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 11/2021, đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 21.955 lượt tấn công.

Thông tin trên được chia sẻ tại chương trình diễn tập ứng cứu sự cố ATTT năm 2021 với chủ đề "Diễn tập khả năng phát hiện, rà soát, xử lý lỗ hổng trên các hệ thống cổng/trang thông tin điện tử, ứng dụng web sử dụng Liferay" do Sở TT&TT TP. Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục ATTT, Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/12.

Ông Thái Thanh Hải, Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, hiện việc xây dựng đô thị thông minh và triển khai chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành xu thế khách quan, tất yếu tại Việt Nam và trên thế giới, hướng đến xây dựng một quốc gia thịnh vượng, hiện đại và bền vững. 

Trong bối cảnh đó, ông Hải cho biết vấn đề an toàn, an ninh mạng trở nên ngày càng phức tạp, nguy cơ, rủi ro tăng cao do xu thế kết nối số và sự phổ cập của thiết bị, công nghệ số. Riêng tại TP. Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 11/2021, đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 21.955 lượt tấn công, trong đó 185 lượt tấn công từ chối dịch vụ, 21.171 lượt tấn công cập trái phép, chiếm quyền điều khiển, 578 lượt tấn công mã độc. Do đó bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố then chốt để CĐS thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS.

Về phía TP. Đà Nẵng, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo triển khai mô hình 4 lớp ATTT theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đợt diễn tập này cũng là cơ hội để các cán bộ chuyên trách ứng cứu của các cơ quan, địa phương trên địa bàn TP. Đà Nẵng được rèn luyện kỹ năng xử lý các tình huống sự cố thực tế, kỹ năng phối hợp tác chiến, tạo môi trường giao lưu học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Xu thế kết nối số, công nghệ số làm rủi ro ATTT tăng cao - Ảnh 1.

Diễn tập khả năng phát hiện, rà soát, xử lý lỗ hổng trên các hệ thống cổng/trang thông tin điện tử, ứng dụng web sử dụng Liferay

Chương trình diễn tập lần này dành cho cán bộ kỹ thuật chuyên trách/phụ trách CNTT, ATTT của Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố, Văn phòng UBND thành phố, các sở, ban, ngành; UBND các quận huyện, phường, xã; các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố; các doanh nghiệp hạ tầng kỹ thuật (Cấp nước Đà Nẵng, Điện lực Đà Nẵng, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng); đơn vị vận hành hạ tầng trung tâm dữ liệu, đơn vị vận hành cổng thông tin điện tử, ứng dụng Web, đội ứng cứu sự cố… nhằm giúp các đơn vị nâng cao khả năng chủ động trong phát hiện và xử lý tấn công mạng, sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra. Đồng thời xây dựng một kênh trao đổi thông tin hiệu quả giữa các bộ phận, hỗ trợ nhau trong việc chia sẻ thông tin về xử lý sự cố.

Tham gia đợt diễn tập lần này chia thành các đội Red Team và Blue Team. Theo đó, đội Blue team gồm các chuyên viên kỹ thuật đến từ các bộ phận, chia ra nhiều nhóm nhỏ hoạt động theo mô hình 3 tier để tổ chức nhóm ứng cứu sự cố, trong đó cần có tối thiểu: 02 chuyên viên chịu trách nhiệm giám sát và phân tích sự kiện bảo mật (tier 1) có kiến thức về SIEM; 02 chuyên viên phân tích tấn công, điều tra số (tier 2); 01 cán bộ cấp quản lý điều hành, đưa ra các quyết định phản ứng lại sự cố. 

Còn đội Redteam hoạt động tự do, cố gắng sử dụng các kỹ thuật tấn công để khai thác máy chủ Web và sử dụng máy chủ Web làm bàn đạp tấn công sang máy chủ khác trong vùng DMZ; đảm bảo tính chuyên sâu để tấn công vào hệ thống giả lập.

Với chủ đề năm nay, chương trình diễn tập sẽ tập trung giải quyết vấn đề làm thế nào để phát hiện, rà soát, xử lý kịp thời lỗ hổng trên các hệ thống cổng/trang thông tin điện tử, ứng dụng web sử dụng Liferay. Kịch bản tấn công được xây dựng dưới góc nhìn kẻ xâm nhập, sử dụng các kỹ thuật và công cụ để mô phỏng lại quá trình một kẻ tấn công dành quyền kiểm soát dữ liệu từ giai đoạn trinh sát thu thập thông tin cho đến bước thiết lập kênh điều khiển kiểm soát dữ liệu. 

Kịch bản này đảm bảo đi được hết các vòng đời của một cuộc tấn công phức tạp và tinh vi mà các tổ chức đang phải đối mặt./.

Bài liên quan
  • Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng tăng cường xử lý các tình huống sự cố ATTT thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO