Đặc sắc các tác phẩm văn học kỳ ảo thời kỳ 1930 - 1945

Thu Hiền| 29/10/2022 20:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Những tác phẩm văn học kỳ ảo khiến cho con người ta thêm trân trọng thế giới thiên nhiên kỳ bí, nhất là trong thời điểm môi trường và hệ sinh thái của con người đang bị đe dọa như hiện nay

Sáng ngày 29/10, Nhà xuất bản Kim đồng tổ chức chương trình Book talk "Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua Truyện đường rừng và những truyện khác" nhân dịp ấn hành 7 tác phẩm thuộc dòng văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945 của các tác giả Thế Lữ, Lan Khai và TchyA. 

Những tác phẩm "đặc sản"một thời

Nhà văn Di Li nhận định những tác phẩm như "Truyện đường rừng" là một đặc sản của Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. "Bây giờ chúng ta không còn nhiều tác phẩm như vậy nữa, rất đáng tiếc".

Vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam qua các tác phẩm văn học kỳ ảo, kinh dị thời 1930-1945 - Ảnh 1.

Nhà văn Di Li cho rằng ngày nay, để dòng văn học kỳ ảo, kinh dị tiếp tục phát triển ở Việt Nam, các nhà văn cần biết kết hợp yếu tố thời đại, đan cài những giá trị văn hóa.


Cũng theo nhà văn Di Li, trước đây Việt Nam có rất nhiều rừng, con người sống hài hòa với thiên nhiên, tạo điều kiện cho dòng văn học này phát triển. Trong những tiểu thuyết kỳ ảo kinh dị ấy, thần hổ xuất hiện rất nhiều, nhà văn cho rằng chi tiết này phản ánh nỗi sợ của con người ngày xưa.

Ngày nay đã khác trước, nhà văn chia sẻ rằng con người hiện đại, đặc biệt là người thành phố, không còn được tiếp xúc nhiều với những cảnh quan hoang dã, khi đọc được những tác phẩm quý ở thời ấy, sẽ thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa của một thời đại. Bên cạnh đó, những tác phẩm văn học kỳ ảo còn có một ý nghĩa quan trọng nữa đó chính là thông điệp bảo vệ thiên nhiên môi trường, bởi thiên nhiên tươi đẹp của một thời đang ngày một mất đi.

Nhà văn Di Li cho rằng ngày nay, để dòng văn học kỳ ảo, kinh dị tiếp tục phát triển ở Việt Nam, các nhà văn cần biết kết hợp yếu tố thời đại, đan cài những giá trị văn hóa vào chứ không thể viết giật gân, giải trí đơn thuần. Di Li khẳng định những câu chuyện kỳ bí vẫn có sức hút lớn đối với độc giả.

Nữ nhà văn cho rằng trên thế giới, các nhà văn đang dần thu hẹp 2 thái cực giải trí và nghệ thuật lại. Di Li nghĩ các nhà văn trẻ nên nhớ tiểu thuyết kỳ ảo kinh dị không chỉ có yếu tố hù dọa, giật gân mà cũng cần truyền tải thông điệp ý nghĩa.

Vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam qua các tác phẩm văn học kỳ ảo, kinh dị thời 1930-1945 - Ảnh 2.

Rất đông các bạn trẻ đã đến tham dự chương trình

Tác phẩm văn học đường rừng như "chạm đến cái phần nhân bản của chúng ta"

TS Nguyễn Thị Năm Hoàng nhận xét mỗi một nhà văn lại mang đến một trải nghiệm đọc riêng: Lan Khai sử dụng thủ pháp truyện lồng trong truyện, TchyA cung cấp nhiều tư liệu, nhiều triết lý, Thế Lữ đem đến vẻ đẹp văn chương với sự miêu tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng, phơi bày trước mắt độc giả một khung cảnh nên thơ của thiên nhiên, rừng núi rồi mới dẫn dắt độc giả vào chuyến phiêu lưu gay cấn. Mỗi nhà văn một cá tính, nhưng điểm chung là họ đều gợi ra bức tranh về phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất, một thời đại.

TS. Năm Hoàng cho rằng chính những nhà văn này cũng đã phải dấn thân, tìm hiểu kỹ về phong tục của người dân miền rừng, miền núi, mới có thể mang tới những bức tranh về thiên nhiên đậm đà bản sắc như vậy.

TS. Năm Hoàng cũng nhận định những tác phẩm này khiến cho con người ta thêm trân trọng thế giới thiên nhiên kỳ bí, nhất là trong thời điểm môi trường và hệ sinh thái của con người đang bị đe dọa như hiện nay. Bà cho biết nhu cầu tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên đang trở nên thiết yếu, lớp người trẻ cũng đang hướng đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và những tác phẩm văn học đường rừng như "chạm đến cái phần nhân bản của chúng ta".

Vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam qua các tác phẩm văn học kỳ ảo, kinh dị thời 1930-1945 - Ảnh 3.

Các tác phẩm kỳ ảo, kinh dị đặc sắc giai đoạn thập niên 1930

Còn nhà báo Yên Ba thì nhận định, ngay từ những ngày đầu thế kỷ XX, các tác phẩm của Edgar Allan Poe du nhập vào nước nhà và để lại dấu ấn sâu sắc, truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn lúc bấy giờ. "Edgar Allan Poe chính là ông tổ của thể loại văn học gay cấn".

"Văn học kỳ ảo gay cấn xuất hiện ở Việt Nam độ thập niên 30 thế kỷ trước dưới dạng truyện đăng nhiều kỳ trên báo. Với đặc tính yêu cầu phải hút khách, thu hút độc giả, nhiều cây bút đã viết truyện liêu trai, bí ẩn, khơi gợi tính tò mò từ độc giả. Dáng dấp của Edgar Allan Poe xuất hiện trong nhiều tác phẩm thời kỳ này. Bên cạnh Edgar Allan Poe, Bồ Tùng Linh với tác phẩm Liêu trai chí dị cũng truyền cảm hứng cho các tác gia, điển hình như Thế Lữ", nhà báo Yên Ba cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc các tác phẩm văn học kỳ ảo thời kỳ 1930 - 1945
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO