Trước yêu cầu phải có cơ quan phát thanh, truyền thanh thống nhất để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh, năm 1978 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang có chủ trương thành lập Đài Phát thanh Tiền Giang. Đầu năm 1979 tiến hành phát thử nghiệm sóng phát thanh, đến ngày 16 tháng 9 năm 1979, Đài Phát thanh Tiền Giang đã chính thức phát sóng. Và đây cũng là ngày đánh dấu cột mốc quan trọng, hình thành làn sóng phát thanh của Đài Phát thanh Tiền Giang. Tiền thân của Đài Phát Thanh - Truyền hình Tiền Giang ngày nay.
Đến năm 1994, UBND tỉnh Tiền Giang cho phép lập dự án đầu tư xây dựng Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang hoàn chỉnh từ khâu sản xuất chương trình đến truyền dẫn phát sóng truyền hình song song với sóng phát thanh hiện có. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến ngày 19 tháng 12 năm 1996, đài đã chính thức phát sóng chương trình truyền hình lần đầu tiên.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chúc mừng Đài PTTH Tiền Giang.
Thời gian đầu, chương trình phát thanh của Đài chỉ phát 02 giờ mỗi ngày, hiện tại đã nâng lên 18 giờ mỗi ngày. Các chương trình truyền hình từ 3,5 giờ mỗi ngày, hiện nay đã phát liên tục 24 giờ trên 24 giờ. Trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài PT-TH Tiền Giang chính thức ra mắt ngày 16/9/2009 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đài, dự kiến trong tương lai nâng cấp trở thành Báo điện tử PT-TH Tiền Giang.
Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Đài PT-TH Tiền Giang đã thể hiện rõ vai trò xung kích, luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác các hoạt động đời sống xã hội, tạo hiệu ứng tích cực, thể hiện tốt tôn chỉ "là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn của nhân dân tỉnh Tiền Giang".
Từ năm 2013, Đài chính thức phát sóng lên vệ tinh Vinasat. Hiện nay, Đài PT-TH Tiền Giang đã chính thức đưa dự án số hóa vào vận hành với quy trình khép kín từ tiền kỳ, hậu kỳ đến truyền dẫn phát sóng và thư viện số lưu trữ. Phủ sóng của Đài đến toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, biển Đông; các nước Đông Nam Á; một phần Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Từ tháng 9/2018, Đài PT-TH Tiền Giang đã đưa vào sử dụng hệ thống phim trường ảo, bước đầu đổi mới về hình thức thể hiện các bản tin thời sự trên sóng truyền hình, tạo sự mới lạ, hấp dẫn, hướng đến việc thu hút đông đảo bạn xem đài quan tâm, theo dõi.
Những năm gần đây, trước xu thế bùng nổ thông tin, Đài PT-TH Tiền Giang đã sớm xây dựng và thực hiện trang thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật thông tin mới ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Tiền Giang trên không gian mạng internet. Ngoài ra, Đài còn quan tâm duy trì và từng bước thực hiện chương trình truyền hình của các địa phương trên sóng đài tỉnh; nhờ vậy, diện mạo và loại hình của hoạt động PT-TH Tiền Giang khá đa dạng, phong phú và là cơ quan báo chí chủ lực trên các loại hình báo chí (báo nói, báo hình và thông tin điện tử) hoạt động thường xuyên, liên tục 24/24 giờ với đặc thù nhanh, nhạy, chính xác, kịp thời.
Trong công tác an sinh xã hội, Đài đã tích cực phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện các chương trình từ thiện xã hội, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cùng nhiều đối tượng khác.
Mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Kỹ thuật PT-TH tỉnh Tiền Giang tại Khu Quảng trường trung tâm của tỉnh. Đồng thời, chấp thuận đầu tư bổ sung trang thiết bị chuyên ngành đồng bộ, hiện đại theo lộ trình số hóa của Chính phủ. Điều này thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với sự nghiệp PT-TH của tỉnh. Đây chính là động lực để cán bộ, viên chức Đài phát huy tốt khả năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát thanh, truyền hình thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đài PT-TH Tiền Giang, đồng chí Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Đài PT-TH Tiền Giang đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: "Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm định hướng, công tác tư tưởng và tuyên truyền của Đảng trong tình hình mới, cùng với các cơ quan báo chí trong tỉnh làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; phát huy năng lực để tự sản xuất chương trình, đổi mới về nội dung, hình thức, đảm bảo tính thời sự, đa dạng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích công tác tuyên truyền. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, phản ảnh toàn diện có trọng tâm, trọng điểm về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Tăng cường quản lý, bảo dưỡng, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ mới, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ".