Đánh giá một số tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam

LB| 12/09/2016 16:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Quá trình hội nhập của Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây đã giúp mang lại cho đất nước tăng trưởng về kinh tế, đầu tư, xuất khẩu và thu nhập. Tuy nhiên, mức độ mở cửa càng lớn đồng nghĩa với rủi ro từ bên ngoài càng cao và thậm chí có thể làm xấu đi những rủi ro nội tại.

Hội nhập luôn mang đến cả cơ hội và thách thức. Gắn liền với chúng là những được và mất cho các nước, các thành phần tham gia vào quá trình này. Đồng thời, phúc lợi của những bên không trực tiếp tham gia vào quá trình hội nhập cũng chịu những tác động gián tiếp mà quá trình hội nhập mang lại thông qua những thay đổi trong một loạt các khía cạnh như tăng trưởng, thương mại, giá cả, lao động,… Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) hay sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng không phải ngoại lệ. Các nghiên cứu đã có về tác động của hiệp định TPP đối với các nước tham gia đều cho thấy một dự báo đáng khích lệ rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước tham gia.

Việc gia nhập AEC và TPP đều hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường thống nhất, mở và nâng cao tính cạnh tranh, thực sự là một thời cơ lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cần khắc phục khó khăn và vượt qua những thách thức không nhỏ.

Với việc gia nhập AEC, Việt Nam có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào, góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội... Tham gia TPP cũng là cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Dệt may, giày dép, các sản phẩm và thiết bị điện tử cùng những kinh nghiệm đã có ở các thị trường này.

AEC và TPP giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực

Cả AEC và TPP đều đưa lại cơ hội tăng cường thu hút FDI cũng như: Mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước nội khối và kinh doanh từ bên ngoài; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến; góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là từ các tập đoàn kinh tế lớn.

Những tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, qua đó góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Với TPP, Việt Nam cũng có cơ hội hoàn thiện các thể chế điều hành nền kinh tế thị trường, TPP có thể trở thành một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến hành cải cách thể chế và thị trường định hướng XHCN một cách sâu, rộng và toàn diện.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, AEC và TPP cũng mang lại không ít những khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Khi hiệp định TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến cho doanh thu từ thuế giảm. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, khiến cho Chính phủ có thể tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt này bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên, trợ cấp và/hoặc đầu tư công nhằm giữ ổn định cán cân ngân sách. Do vậy, tùy từng giai đoạn và mục tiêu chính sách, các biện pháp cân bằng cán cân ngân sách này cần phải được cân nhắc để đảm bảo được sự ổn định vĩ mô và khuyến khích được sản xuất và tiêu dùng, tránh gây ra những mâu thuẫn/đi ngược với các nỗ lực chính sách khác. Các chính sách nên tập trung vào cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Không chỉ TPP và AEC mà các Hiệp định thương mại tự do ngày nay có xu hướng tiến tới cắt giảm hoàn toàn hàng rào thuế quan, đưa mức thuế nhập khẩu về 0 đối với hầu hết các nhóm hàng hóa. Chính vì vậy các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình. Hiện nay, trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam còn rất hạn chế. Do vậy, biện pháp này chưa được Việt Nam áp dụng trong khi một số mặt hàng của nước ta sau khi không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật do một số nước đặt ra đã phải trả về. Để cải thiện tình trạng này, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi mà các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đối với những ngành cần được khuyến khích và đồng thời hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các điều kiệu về kỹ thuật khi xuất sang các nước bạn hàng.  

Với những ưu đãi khi gia nhập TPP và AEC, dự báo mức đầu tư (bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI. Bởi vậy, việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ (chẳng hạn xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, hàng hóa trung gian, công nghiệp chế biến) nhằm tận dụng những lợi ích mà TPP đem lại có ý nghĩa rất quan trọng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá một số tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO