Đánh giá tác động của COVID-19 đến các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ

TH| 24/07/2020 15:00
Theo dõi ICTVietnam trên

COVID-19 đã gây ảnh hưởng đáng kể đến các đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) dễ bị tổn thương, với tác động khác biệt đáng kể giữa các đơn vị có những đặc điểm khác nhau và thuộc các tiểu ngành khác nhau.

Kể từ khi virus corona (COVID-19) xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020, các cấp chính quyền tại Việt Nam đã có nhiều hành động mau lẹ và kịp thời để ngăn chặn sự lây lan và hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, thông qua nhiều biện pháp như xét nghiệm, truy vết các trường hợp nghi nhiễm, cách ly và giãn cách xã hội.

Việt Nam được bạn bè thế giới công nhận là một trong những quốc gia phòng và chống dịch hiệu quả và đi đầu trong việc ngăn chặn đại dịch.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế nói chung và những đối tượng dễ tổn thương nói riêng. Báo cáo "Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới", do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tại Việt Nam công bố mới đây đã cho thấy đầy đủ những tác động kinh tế - xã hội của COVID-19 đối với những nhóm hộ kinh doanh (HKD) và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNSNNV).

Các hộ kinh doanh và DNSNNV (sau đây gọi chung là doanh nghiệp - DN) được khảo sát bị sụt giảm doanh thu do dịch COVID-19 dẫn đến việc họ phải giảm quy mô hoạt động kinh doanh. Sự sụt giảm doanh thu là không đồng đều giữa các loại hình DN. Tính trung bình, doanh thu tháng 4/2020 của các DNSNNV và hộ kinh doanh so với tỷ lệ doanh thu của tháng 12/2019 lần lượt là 22% và 17%. Nói cách khác, so với tháng 12/2019, DNSNNV bị giảm 78% doanh thu, trong khi hộ kinh doanh phải đối mặt với sự sụt giảm sâu doanh thu, hơn 83%.

Doanh thu của DN vào tháng 4/2020 so với tỷ lệ tháng 12/2019 là thấp nhất (13%) trong số DNSNNV ngành du lịch và các dịch vụ liên quan như khách sạn, nhà hàng và trong số hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo ví dụ như sản xuất hàng may mặc và da giày.

Các hộ kinh doanh trong ngành du lịch và dịch vụ liên quan ghi nhận doanh thu tháng 4/2020 là 16% so với mức tháng 12/2019 (giảm 84% doanh thu). Điểm đáng chú ý là các ngành này sử dụng lao động nữ nhiều hơn lao động nam.

Tác động của COVID-19 đến các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ - Ảnh 1.

Cũng trong tháng 4/2020, khi đỉnh điểm đại dịch, các DNSNNV và HKD ở các vùng dân tộc thiểu số bị giảm thu nhập lần lượt là 87% và 89%. Các DNSNNV ở khu vực thành thị có sự sụt giảm doanh thu cao hơn so với các DN khu vực ở nông thôn. Điều này có thể được lý giải do thực tế các hoạt động thương mại quốc tế và có độ tiếp xúc trực tiếp cao được tập trung đông ở khu vực thành thị và khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc Kinh - Hoa.

Doanh thu trung bình tháng 4/2020 của các DNSNNV và hộ kinh doanh được khảo sát vẫn duy trì ở mức thấp (theo tỷ lệ lần lượt là 13% và 11%) so với tháng 12/2019. Trong thời điểm đỉnh dịch, doanh thu của các DNSNNV do nữ lãnh đạo là 17% so với tháng 12/2019, thấp hơn tỷ lệ ở các đơn vị do nam giới lãnh đạo (24%), trong khi đó các hộ kinh doanh do nữ và nam giới lãnh đạo có một mức giảm doanh thu như nhau (doanh thu trung bình tháng 4/2020 ở cả hai nhóm này khoảng 17% so với tháng 12/ 2019).

Tác động của COVID-19 đến các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ - Ảnh 2.

Hầu hết các DNSNNV đều thu hẹp quy mô hoạt động bằng việc cắt giảm lực lượng lao động, do sụt giảm các đơn đặt hàng và gián đoạn nguồn cung đầu vào. Tại thời điểm đỉnh dịch, 23,8% DNSNNV báo cáo giảm hơn 50% tỷ lệ lao động trong tháng 4/2020 và tháng 5/2020 so với tháng 12/2019.

Cụ thể, vào thời điểm đỉnh dịch tháng 4/2020, trung bình tỷ lệ lao động của các DNSNNV là 33,8% so với tháng 12/2019. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động trung bình của các DNSNNV do phụ nữ lãnh đạo vào tháng 4/2020 là 45,9% so với tháng 12/2019, trong khi tỷ lệ này chỉ đạt 28,4% ở các đơn vị do nam giới lãnh đạo. Những DN hoạt động ở khu vực dân tộc thiểu số và những DN có quy mô siêu nhỏ chịu tác động lớn nhất, khi họ báo cáo tỷ lệ lao động vào tháng 4/2020 lần lượt là 17,3% và 15,5% so với tháng 12/2019. Quy mô DN càng lớn thì tác động của dịch COVID-19 đối với quy mô lao động trong tháng 4/2020 càng giảm.

Sự sụt giảm doanh thu của các DN được khảo sát đã giảm bớt vào tháng 5/2020. Sự phục hồi một phần doanh thu đã được ghi nhận ở tất cả các loại hình DN bằng chứng là sự sụt giảm doanh thu trong tháng 5/2020 đã nhỏ hơn so với tháng 4/2020. Vào tháng 5/2020, doanh thu của DNSNNV cao hơn so với tháng 4, dù doanh thu tháng 5 vẫn thấp hơn nhiều so với tháng 12/2019. Doanh thu tháng 5/2020 của các DNSNNV và hộ kinh doanh, so với mức tháng 4/2020, lần lượt là 35% và 20%.

Tuy nhiên, phần lớn các DN được khảo sát đều nhận thấy rằng tình hình vẫn còn khó khăn và không có DN nào báo cáo sự phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch bệnh vào tháng 12/2019.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tác động của COVID-19 đến các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO