Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy nhu cầu của người dân, DN về một CPS hiệu quả
Tốc độ phát triển của công nghệ số ở các nền kinh tế, xã hội và trong chính phủ tiếp tục gia tăng. Ngày càng có nhiều quốc gia đang tiến đến gần như phổ cập kết nối Internet, cả qua đường thuê bao cố định và đặc biệt là qua truy cập di động.
Làn sóng mới về năng lực kết nối như 5G đang tạo ra khả năng kết nối liền mạch hơn. Những đổi mới sáng tạo (ĐMST) về thương mại điện tử, chuỗi giá trị kinh doanh, mạng xã hội đều đang chuyển đổi cách chúng ta sống và làm việc. Công cụ tiếp cận công nghệ số ngày càng đa dạng, kỹ năng và kiến thức số ngày càng phát triển, trở thành nhu cầu thiết yếu để tồn tại ở các nền kinh tế có năng suất cao, nhưng đồng thời nó cũng đem lại sự công bằng và sân chơi bình đẳng để đảm bảo thịnh vượng chung.
Sự phát triển của công nghệ cũng tạo ra những nhu cầu ĐMST trong cung cấp dịch vụ công (DVC), phát triển CPS của người dân và doanh nghiệp (DN). Một CPS thành công sẽ có thể cải thiện chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC cho người dân và DN; tạo điều kiện ra quyết định dựa trên dữ liệu nhiều hơn để đem lại kết quả quản trị nhà nước tốt hơn (từ đấu thầu mua sắm đến quản lý hạ tầng hoặc giao thông, đến phòng chống tham nhũng); và nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư thông qua quản lý nhà nước minh bạch và đảm bảo hiệu suất hơn.
CPS thành công sẽ đẩy mạnh sự tham gia của người dân, đem lại những lợi ích chung cho dù có sự khác biệt về địa bàn, nhóm xã hội và giới, theo cách đáp ứng và tập trung vào người sử dụng.
Chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đều mong muốn không bị tụt hậu trong chuyển đổi số (CĐS). Chính vì vậy, các quốc gia đang nỗ lực nắm bắt cơ hội và xử lý những thách thức bằng các công nghệ đột phá. Tuy nhiên, trong số rất nhiều áp lực cạnh tranh, nhiều bộ máy chính phủ đang tập trung vào công nghệ mà bỏ qua nhu cầu phải chuyển đổi sâu rộng để công nghệ đó trở nên hiệu quả nhằm cải thiện cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho người dân.
Phát triển CPS cần hài hòa các nền tảng con người, quy trình và công nghệ (PPT)
Tại Việt Nam, trong báo cáo gần đây về chuyển đổi CPS, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng việc tiếp tục hiện đại hóa chính phủ là điều kiện cần để Việt Nam đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số. Nhưng hiện đại hóa bằng công nghệ bản thân vẫn chưa đủ.
Để đảm bảo thành công, việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu phải tập trung vào con người để có thể cải thiện cả về cung cấp dịch vụ của chính phủ cho người dân và DN cũng như nâng cao hiệu suất bên trong chính phủ. Nếu không đảm bảo xử lý hiệu quả khía cạnh con người và thể chế để quản lý sự thay đổi, khu vực công có thể sẽ ngày càng trở thành tác nhân tạo gánh nặng thay vì tạo điều kiện cho nền kinh tế số và xã hội tương lai của Việt Nam.
Theo các chuyên gia của WB, phát triển CPS cần phải hài hòa các nền tảng con người, quy trình và công nghệ (People - Process - Technology - PPT) để đạt được những kết quả hữu hình. Điều đó có nghĩa là chính phủ phải vượt qua cách tiếp cận truyền thống trong khu vực công - không chỉ trang bị công nghệ số như một cách “trang trí”, mà quá trình chuyển đổi CPS phải xử lý cả vấn đề cải cách thể chế và năng lực công nghệ, đồng thời có những tư duy cách thức tổ chức hiệu quả quá trình chuyển đổi CPS.
Khung đánh giá PPT của WB nhằm đưa ra góc nhìn tổng hợp qua các khía cạnh con người, thể chế và công nghệ trong CĐS, qua đó cho thấy đầu tư vào công nghệ chỉ là một yếu tố tạo thuận lợi vì CĐS còn đòi hỏi thay đổi về hành vi và kỹ năng của cán bộ, người dân, và DN, cũng như môi trường chính sách và quy định.
P (Con người)
Về mặt con người, hiện nay theo đánh giá của WB, người dân và DN ở Việt Nam phần lớn vẫn quen cách làm việc với chính quyền theo các quy trình tiếp xúc trực tiếp và dựa trên giấy tờ để thực hiện các dịch vụ thủ tục hành chính. Trong khi đó, các cán bộ chính phủ chủ yếu cũng còn quen với các quy trình dựa trên giấy tờ, chưa quán triệt các quy trình hiện đại dựa trên công nghệ số.
P (Quy trình)
Mặc dù khung pháp lý của Việt Nam gần đây đã chuyển sang công nhận luồng công việc số hóa nhiều hơn, nhưng các quy trình chính thức vẫn mặc định dựa trên giấy tờ thay vì công nghệ số. Vì vậy, chính phủ cần có các văn bản pháp lý định hướng tạo điều kiện CĐS, bao gồm những nội dung như chia sẻ dữ liệu, mã định danh số đáng tin cậy, bảo mật cá nhân, điện toán đám mây và an ninh mạng.
T (Công nghệ)
Ứng dụng công nghệ để triển khai CPS, tuy nhiên, các dự án CNTT không nên triển khai theo cách cục bộ và phân mảnh. Tương tự như vậy, chuyển đổi CPS không nên nhìn nhận qua lăng kính “phần cứng” CNTT, mà cần nhìn nhận qua lăng kính quản lý sự thay đổi và hiện đại hóa khu vực công; phân bổ nguồn lực công nghệ, thiết lập mã định danh số, thanh toán và các nền tảng vận hành liên thông dữ liệu; ứng dụng mạnh mẽ mô hình đám mây, dịch vụ đám mây, các công nghệ đột phá mới nổi.
Tài sản dữ liệu số, kết hợp với chia sẻ dữ liệu an toàn, là những nội dung không thể thiếu để mang lại những kết quả tốt đẹp của quá trình xây dựng CPS.
Quyết tâm cắt giảm các chương trình/dự án không hiệu quả
Thông qua "lăng kính PPT", WB cho rằng chuyển đổi CPS hiệu quả đặt ra những thách thức to lớn, cả ở Việt Nam và các quốc gia đang tìm cách tiến tới CPS, vì nó bao hàm nhu cầu quản lý sự thay đổi và đảm bảo nguồn lực đầy đủ bên cạnh công nghệ mới. Chính vì vậy, xác định trình tự và ưu tiên cải cách hiệu quả là điều cần thiết để đảm bảo chuyển đổi theo cách tối đa hóa nguồn lực có được - về công nghệ, nhân lực và tài lực.
Theo các chuyên gia, xác định trình tự và ưu tiên thực hiện một cách hiệu quả, kết hợp với các chiến lược đảm bảo nguồn lực chắc chắn, là điều kiện thiết yếu để gặt hái lợi ích qua các chương trình Chính phủ điện tử - CPS, đồng thời tránh được rủi ro.
Bởi vì, trọng tâm của các chiến lược CĐS còn là quản lý thành công kết quả và rủi ro. Nhìn vào các khía cạnh con người, quy trình và công nghệ trong CĐS, rủi ro sẽ không thể bị đẩy lùi ở giai đoạn thiết kế mà phải xử lý liên tục trong quá trình triển khai. Điều đó có nghĩa là phải phân bổ nguồn nhân lực và tài lực đầy đủ, kết hợp với chỉ đạo theo định hướng nhằm vào kết quả.
Đồng thời, chính phủ cũng cần quyết tâm cắt giảm các chương trình/dự án không hiệu quả. Đó là những dự án chưa tập trung đầu đủ vào hỗ trợ về chia sẻ tài nguyên, trao đổi dữ liệu và ứng dụng - những vấn đề thiết yếu để đảm bảo thành công trong CPS.
Theo các chuyên gia của WB, chuyển đổi CPS thường bị hụt hơi do không có khả năng hài hòa tốt giữa các nền tảng PPT để đạt kết quả mong muốn. Kết quả của quá trình xây dựng CPS phụ thuộc vào sự hài hòa tương ứng của con người (người dân, cán bộ, DN), quy trình (thông lệ chính thức và phi chính thức) cùng với hạ tầng và nền tảng công nghệ.
Nghiên cứu của McKinsey cũng đã nêu ra những yếu tố chính liên quan đến CĐS thành công ở khu vực tư nhân, xoay quanh lãnh đạo, tăng cường năng lực, tạo quyền cho người lao động, nâng cấp công cụ, và truyền thông. Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về ứng dụng công nghệ, nhất là khi khu vực tư nhân đang phát triển mạnh mẽ và kỳ vọng của công chúng gia tăng./.