An toàn thông tin

Đào tạo nguồn nhân lực an ninh, an toàn thông tin của Israel

Trịnh Thu Vân25/12/2022 16:51

Hiện nay, sự thiếu hụt nhân lực an ninh, an toàn thông tin (ANATTT) là một vấn đề chung mà chính phủ các nước trên thế giới phải đối mặt. Là một cường quốc về an ninh mạng, Israel có một mô hình đào tạo nguồn nhân lực ANATTT độc đáo, hiệu quả.

Tóm tắt nội dung:

- Những triết lý cơ bản về giáo dục đào tạo của người Do Thái: Giáo dục luôn được coi trọng; Chiến lược đào tạo tập trung vào chất lượng; Văn hóa nhập cư cởi mở; Đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn; Sẵn sàng ứng phó nguy hiểm ngay từ trong thời bình.

- Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực ANATTT của Israel: Chính phủ phụ trách lập kế hoạch tổng thể; Quân đội là cái nôi cho các tài năng an ninh mạng; Trường học đào tạo và cung cấp các chuyên gia an ninh mạng; Ngành công nghiệp là nơi thúc đẩy nhu cầu nhân lực an ninh mạng; Các cơ sở nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo và nắm bắt thị trường.

- Những đặc điểm nổi bật trong đào tạo nguồn nhân lực ANATTT của Israel: Đa dạng hóa trong đào tạo; Đào tạo ở nhiều mức độ, cấp độ khác nhau; Đẩy mạnh phối hợp, tăng cường bổ sung lẫn nhau giữa chính phủ, quân đội, doanh nghiệp, trường học và cơ sở nghiên cứu; Hình thức đào tạo phong phú.

Tác giả trích dẫn

Làm thế nào Israel có thể khắc phục được những bất lợi của đất nước (Israel là quốc gia có lãnh thổ nhỏ, dân số ít, thiếu tài nguyên, bị các nước Hồi giáo bao vây, và đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh Trung Đông) để tạo ra một vùng đất của các tài năng về an ninh mạng? Bài viết này phân tích những khía cạnh khác nhau trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ANATTT của Israel, nhằm cung cấp thông tin tham khảo cho Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp với tình hình thực tế. 

Những triết lý cơ bản

Việc đào tạo nhân lực ANATTT của Israel bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đặc điểm dân tộc Do Thái và các nguyên tắc khi thành lập Nhà nước Israel 1948.

Truyền thống coi trọng giáo dục của người Do Thái: Kinh sách tôn giáo của người Do Thái nói rằng học tập và nghiên cứu là một phần không thể thiếu của đức tin. Bầu không khí học tập của các gia đình Do Thái rất mạnh mẽ; đề cao kiến thức và tôn trọng học giả là văn hóa sống của người Do Thái. Từ trước khi thành lập Nhà nước Israel hiện đại vào năm 1948, các nhà lãnh đạo Do Thái nhận ra rằng cách duy nhất để một quốc gia nhỏ, nghèo, không có tài nguyên thiên nhiên tồn tại và thành công là tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua giáo dục. 

Một số trường đại học hàng đầu của Israel ra đời trước khi thành lập Nhà nước, chẳng hạn như Viện Công nghệ Technion - Israel (năm 1912), Đại học Hebrew (năm 1925), Viện Khoa học Weizmann (năm 1934). Thủ tướng đầu tiên của Israel, ông David Ben Gurion, từng nói rằng “không có giáo dục thì không có tương lai”. Năm 1951, Israel đã thông qua Luật Giáo dục bắt buộc và Luật Giáo dục quốc gia để thực hiện phổ cập giáo dục, đặc biệt là giáo dục về khoa học & công nghệ. Israel đầu tư rất nhiều cho giáo dục, chỉ thấp hơn đầu tư quân sự một chút.

Chiến lược đào tạo tập trung vào chất lượng:

Ông Ben Gurion từng nói: “Vì chúng ta không thể vượt qua đối thủ về số lượng nên chúng ta phải đuổi kịp về chất lượng”, và “đạt được lợi thế công nghệ và lợi thế về chất lượng” là một trong những nền tảng để xây dựng đất nước. Phương châm Israel theo đuổi là “chiến thắng bằng chất lượng” trong đào tạo nhân tài, và phát huy lợi thế công nghệ bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt được điều này, ông Ben Gurion đã tìm cách tập hợp những bộ óc khoa học giỏi nhất, thông qua tuyển chọn để thực hiện “đào tạo nhân tài”. 

Năm 1973, Bộ Giáo dục và Văn hóa Israel thành lập Cục chuyên trách Đào tạo nhân tài, ban hành “Chương trình đào tạo trẻ em có năng khiếu”, nhằm đưa những trẻ em có năng khiếu vào hệ thống giáo dục ưu tú. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Israel là quốc gia có tỷ lệ nhà khoa học và nhà nghiên cứu cao nhất với 17,4/1.000 nhân viên.

Văn hóa nhập cư cởi mở: Israel coi việc thu hút người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đến định cư là một quốc sách cơ bản kể từ khi thành lập. Luật Trở về (Law of Return, 1950) ban hành nhằm thu hút người Do Thái quay trở lại và sống ở Israel, từ đó đã thu hút các nhà khoa học, kỹ sư Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đến với Israel. Israel cũng rất coi trọng thu hút nhân tài công nghệ cao từ nước ngoài. 

Ngay từ năm 1973, nước này đã thành lập Trung tâm tích hợp khoa học (Center for Integration in Science) để quản lý việc giới thiệu nhân tài, đồng thời lập một quỹ nhập cư đặc biệt để khuyến khích các nhà khoa học nhập cư. Điều này khiến Israel thu hút được một số lượng lớn các nhà khoa học và kỹ sư giỏi đến từ châu Âu, Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên Xô cũ. Đáng chú ý là những năm gần đây, một số lượng không nhỏ nhân tài an ninh mạng từ Nga đến với Israel, đã mang lại những quan điểm và phương pháp mới cho hoạt động bảo vệ an ninh mạng của Israel.

Đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn:

Giá trị của tài năng nằm ở chỗ được sử dụng tối đa, Israel luôn nhấn mạnh việc tận dụng tốt nhân tài. Một mặt coi trọng khơi dậy tiềm năng và sự phát triển độc lập của học sinh, trau dồi cho học sinh khả năng tư duy độc lập, sẵn sàng đặt câu hỏi và suy nghĩ ngược lại; mặt khác, đề cao cách tiếp cận thực dụng, quan tâm đến sự kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu, bám sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Đối với vệc phát triển nhân lực ANATTT, Israel quan tâm kết hợp giữa “đổi mới sáng tạo” và “định hướng vấn đề”, nhấn mạnh việc đổi mới công nghệ nhanh chóng để ứng phó các thách thức bảo mật không ngừng. Điều này cũng thúc đẩy các công ty an ninh mạng của Israel phát triển các giải pháp linh hoạt và thích ứng, cực kỳ hấp dẫn đối với người dùng trên toàn thế giới.

israel-2-167213127225620158078.png

Sẵn sàng ứng phó nguy hiểm ngay từ trong thời bình: Do ảnh hưởng của yếu tố lịch sử, “ý thức về nguy cơ” trong văn hóa Do Thái rất mạnh mẽ, với châm ngôn rằng: “Bất cứ khi nào may mắn đến, người Do Thái luôn là người cuối cùng nhận ra; bất cứ khi nào tai họa ập đến, người Do Thái luôn là người đầu tiên nhận thấy”. Nhận thức về khủng hoảng và quản lý rủi ro luôn được thực hiện trong việc đào tạo nhân lực ANATTT của Israel, nỗ lực để đạt được khả năng sinh tồn trong nghịch cảnh. Cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từng phát biểu tại Hội nghị công nghệ An ninh mạng 2016: “Trong thời đại vạn vật kết nối, mọi thứ đều có thể bị xuyên thủng, đều có thể bị phá hủy, và đều có thể bị lật đổ”. Việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực ANATTT của Israel luôn hàm chứa bản năng sinh tồn mạnh mẽ, luôn sẵn sàng ứng phó với nguy cơ ngay từ trong thời bình.

Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực ANATTT của Israel

Israel đã hình thành hệ thống đào tạo nguồn nhân lực ANATTT năm trong một, gồm: chính phủ, quân đội, doanh nghiệp, trường học, trung tâm nghiên cứu khoa học. Đồng thời đã xây dựng một hệ sinh thái đổi mới đào tạo nhân tài độc đáo.

Chính phủ phụ trách lập kế hoạch tổng thể

Chính phủ Israel đóng vai trò tích cực trong việc lập kế hoạch, điều phối và thúc đẩy nhân tài an ninh mạng.

Đầu tiên là nâng việc đào tạo nguồn nhân lực ANATTT thành một phần quan trọng trong chiến lược an ninh mạng quốc gia. Tháng 8/2011, chính phủ Israel ban hành Nghị quyết số 3611 mang

tên “Nâng cao năng lực không gian mạng quốc gia”, đề xuất cần thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu trong các doanh nghiệp và trường học, đồng thời nâng cao nguồn nhân lực dành riêng cho mạng quốc gia. Chiến lược An ninh mạng quốc gia Israel 2017, kêu gọi tăng cường nguồn nhân lực của quốc gia trong lĩnh vực mạng, thúc đẩy một hệ sinh thái mang tính bổ trợ, khuyến khích nghiên cứu học thuật, thành lập 06 trung tâm nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu của Israel.

Chiến lược An ninh mạng quốc tế của Israel 2021 (Israel International Cyber Strategy), cho rằng hệ sinh thái không gian mạng của Israel bao gồm con người, kiến thức và cơ sở vật chất tổ hợp thành; đề xuất phải tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu học thuật, đổi mới công nghiệp và nguồn lực con người. Việc phát triển nguồn nhân lực ANATTT là một hỗ trợ quan trọng để Israel trở thành một cường quốc về an ninh mạng. 

Thứ hai là thúc đẩy an ninh mạng thành lĩnh vực “hot” thông qua đầu tư tài chính và hỗ trợ chính sách. Chính phủ Israel đầu tư một lượng lớn tiền vào ngành công nghiệp an ninh mạng và tăng cường hỗ trợ giáo dục. Theo thống kê, đầu tư cho R&D/GDP của Israel chiếm tỷ trọng cao nhất trên thế giới, trong đó đầu tư vào nghiên cứu an ninh mạng được xếp vào hàng đầu thế giới. Năm 2018, Israel đã công bố khoản đầu tư 90 triệu shekel (24 triệu USD) trong 3 năm vào ngành công nghiệp an ninh mạng để hỗ trợ các công ty thực hiện nghiên cứu và phát triển lĩnh vực có tính rủi ro cao. Việc được chính phủ tiếp tục tài trợ và những triển vọng phát triển khiến cho an ninh mạng trở thành một ngành “hot” ở Israel, ngang với ngành tài chính. 

Theo số liệu của Intel, “an ninh mạng thành ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao nhất ở Israel”, và “mọi người ở Israel đều muốn tham gia vào lĩnh vực an ninh mạng”. Cuối năm 2016, Israel đã khởi động “Chương trình thị thực đổi mới” (Innovation Visa’ program), cho phép các doanh nhân nước ngoài sử dụng các cơ sở công nghệ, hệ thống kinh doanh và không gian làm việc của Israel để khởi nghiệp, từ đó đã thu hút rất nhiều nhân tài an ninh mạng quốc tế.

Thứ ba là định hướng các trường cao đẳng, đại học xây dựng các chương trình đào tạo và thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo về mạng. Năm 2017, Israel thành lập Trung tâm Giáo dục không gian mạng quốc gia nhằm để giúp những người học về an ninh mạng chuẩn bị cho sự nghiệp. Chính phủ Israel cũng tài trợ các trường đại học trong việc thành lập các trung tâm đổi mới và các chương trình đào tạo liên quan. Cơ quan Không gian mạng quốc gia Israel (INCB) đầu tư 60 triệu USD để thành lập các trung tâm nghiên cứu an ninh mạng tại 5 trường đại học hàng đầu, bao gồm: Trung tâm Nghiên cứu An ninh mạng của Đại học Hebrew tập trung nghiên

cứu mạng và giao thức, luật quốc tế; Trung tâm Nghiên cứu mạng Liên ngành Blavatnik của Đại học Tel Aviv đã thực hiện hơn 60 nghiên cứu khác nhau về an ninh mạng; Trung tâm Nghiên cứu An ninh mạng của Viện Công nghệ Israel tập trung vào việc thu thập, tích hợp, phân tích và cảnh báo sớm các mối đe dọa mạng; Trung tâm Nghiên cứu An ninh mạng của Đại học Bar-Ilan tập trung vào nghiên cứu mã hóa; Trung tâm Nghiên cứu An ninh mạng của Đại học Ben Gurion thành lập các phòng thí nghiệm mô phỏng tấn công mạng, phân tích phần mềm độc hại, bảo mật di động, bảo mật IoT.

Quân đội là cái nôi cho các tài năng an ninh mạng

Sự kết hợp quân sự - dân sự của Israel đã tạo ra một nguồn nhân lực ổn định. Theo đó, những quân nhân được đào tạo trong quân đội, có kinh nghiệm chiến đấu, sau khi xuất ngũ đã gia nhập ngành công nghiệp an ninh mạng.

Một là nghĩa vụ quân sự bắt buộc sản sinh ra các nhân tài an ninh mạng. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Israel, mọi công dân trên 18 tuổi phải tham gia quân đội từ hai đến ba năm. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tổ chức các đợt khảo sát được tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia, sau đó biên chế những người có năng khiếu vào các đơn vị kỹ thuật hoặc đơn vị chiến đấu để bồi dưỡng kỹ năng như tấn công và phòng thủ mạng, mã hóa và giải mã; từ đây đã tạo ra những người vừa có kiến thức chuyên môn an ninh mạng, vừa có tác phong quân đội. 

Trong số đó, Đơn vị Tình báo Tín hiệu Quốc gia Israel (Đơn vị 8200) được biết đến là cái nôi đào tạo tài năng về an ninh mạng của Israel. Theo thống kê, 90% người trưởng thành trong lĩnh vực công nghệ cao của Israel đã từng phục vụ trong quân đội, và hầu hết trong số họ đến từ Đơn vị 8200. Đơn vị 8200 không chỉ dạy các tân binh kỹ năng mạng mà còn phát triển tư duy phản biện và kỹ năng làm việc nhóm. Những người có kinh nghiệm phục vụ trong Đơn vị 8200 được các công ty an ninh mạng ưu tiên tuyển dụng.

Hai là giáo dục theo “mô hình binh sỹ”. Để nhanh chóng tìm ra những người phù hợp, IDF đã triển khai một chương trình đào tạo gọi là Dự bị học thuật (“Atuda”, “Academic Atuda” trong tiếng Do Thái), nhằm tạo điều kiện cho những học sinh trung học có tài năng lấy được bằng cấp liên quan đến khoa học & công nghệ trong và thậm chí trước khi nhập ngũ. Hàng năm, khoảng 1.000 học sinh xuất sắc (được chọn trong số 100.000 học sinh tốt nghiệp trung học chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự) được tài trợ để lấy bằng đại học liên quan đến kỹ thuật trước khi phục vụ trong quân đội; kết quả là khoảng 25% sĩ quan IDF có bằng cử nhân khoa học & kỹ thuật. 

Năm 1979, IDF triển khai Chương trình “Talpiot”, chủ yếu cung cấp một chương trình đào tạo nhân tài kéo dài 40 tháng cho những học sinh trung học xuất sắc chuẩn bị nhập ngũ, bao gồm vật lý, toán học, khoa học máy tính; kết hợp giữa huấn luyện và đào tạo, tạo ra một lực lượng tinh nhuệ vừa có năng lực kỹ thuật và có tác phong quân đội, trở thành lớp trung gian kết nối giữa đơn vị tác chiến của quân đội Issrael với cộng đồng khoa học & công nghệ quốc tế; góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển công nghệ và các ngành công nghiệp mạng của Israel.

Thứ ba là sớm phát hiện nhân tài để ươm mầm. Năm 2010, Bộ Quốc phòng Israel và Quỹ từ thiện Rush Foundation khởi động Dự án “Magshimim”, chủ yếu đào tạo học sinh trung học tài năng từ các vùng nghèo khó, bao gồm hướng dẫn học sinh xây dựng quy trình tư duy thuật toán, hiểu cấu trúc máy tính và Internet, phân tích hệ thống, thúc đẩy tư duy sáng tạo. Được biết đến với tên gọi “Lớp chuẩn bị cho hacker”, chương trình đã đào tạo thành công nhiều ứng viên xuất sắc về an ninh mạng. Học sinh được đào tạo theo chương trình với các kỹ năng tương đương với sinh viên đại học ngành khoa học máy tính ở Bắc Mỹ. Chương trình này hiện đã trở thành chương trình đào tạo chính thức về an ninh mạng ở Israel. 

Thứ tư, mối liên kết độc đáo giữa quân đội và ngành công nghiệp đã tạo ra những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng. Chế độ nghĩa vụ quân sự của Israel đã gián tiếp tạo ra một mạng lưới kinh doanh hùng hậu. Quan hệ bạn bè, đồng đội có được trong thời gian phục vụ quân đội đã đặt nền tảng vững chắc cho những quân nhân khởi nghiệp sau khi xuất ngũ. Nhiều người Israel coi việc phục vụ trong các đơn vị kỹ thuật và tình báo quân đội là con đường tắt tốt nhất để đến với thế giới kinh doanh. 

Ngoài ra, quân đội Israel quy định rằng sau khi các binh sĩ của lực lượng an ninh mạng kết thúc nghĩa vụ, họ có thể sử dụng kiến thức không liên quan đến bí mật quân sự cho việc kinh doanh cá nhân sau này, điều này đã thúc đẩy rất nhiều việc thương mại hóa công nghệ quân sự. Những người sáng lập các công ty an ninh mạng nổi tiếng thế giới của Israel hầu hết đều có nguồn gốc quân sự.

Trường học đào tạo và cung cấp các chuyên gia an ninh mạng

Chính phủ Israel coi việc phát triển các kỹ năng mạng của giới trẻ là một sứ mệnh quốc gia và khuyến khích giáo dục an ninh mạng bắt đầu từ khi còn nhỏ. Giáo dục an ninh mạng rất phổ biến ở Israel, từ giáo dục cơ bản đến giáo dục đại học.

Đầu tiên là đặt nền tảng cho an ninh mạng trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Giáo dục an ninh mạng của Israel bắt đầu từ lớp 4 (khoảng 9-10 tuổi). Khóa học an ninh mạng chủ yếu dạy phát triển chương trình ngắn thông qua Scratch (một phần mềm học lập trình do Viện Công nghệ Massachusetts phát triển dành riêng cho trẻ em), đảm bảo 2 giờ học mỗi tuần. Từ năm 2012, Israel đã đưa an ninh mạng như một môn học tự chọn cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 9, bắt đầu dạy các môn học như thuật toán, an ninh mạng và mật mã. Từ những năm 1990, học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 được yêu cầu hoàn thành 540 giờ nghiên cứu CE (kỹ thuật máy tính) và CS (khoa học máy tính).

Thứ hai, giáo dục đại học tập trung vào việc trau dồi kỹ năng tấn công và phòng thủ mạng. Các trường đại học hàng đầu ở Israel đều đào tạo các môn học liên quan đến an ninh mạng, bao gồm Đại học Hebrew, Đại học Tel Aviv, Đại học Haifa, Đại học Ben Gurion, Đại học Công nghệ Technion - Israel, v.v.. Trong đào tạo nhân tài bậc đại học, Israel tập trung vào việc nâng cao khả năng tấn công và phòng thủ của sinh viên, tổ chức các khóa học như khả năng thâm nhập, phòng thủ mạng, điều tra kỹ thuật số, phân tích mã độc v.v.. Các trường đại học đã xây dựng “thao trường mạng”, mô phỏng các kịch bản và quy trình tấn công, phòng thủ thực tế để tăng cường trải nghiệm cho người học. 

Sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và thực hành đã cung cấp cho chính phủ, quân đội và khu vực tư nhân những tài năng mạng có khả năng thích ứng cao, biến các trường đại học thực sự trở thành cái nôi của an ninh mạng.

Ngành công nghiệp là nơi thúc đẩy nhu cầu nhân lực an ninh mạng

Ngành công nghiệp an ninh mạng của Israel đang phát triển nhanh chóng, với quy mô lớn và hướng đi đa dạng, mang đến một thị trường rộng lớn cho việc ươm mầm, phát triển và xuất khẩu các nhân tài an ninh mạng của Israel.

Thứ nhất, sự phát triển của ngành công nghiệp an ninh mạng kích thích nhu cầu về nguồn nhân lực. Lĩnh vực an ninh mạng của Israel đã huy động được 8,84 tỷ USD vào năm 2021, tăng hơn ba lần so với 2,75 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 40% đầu tư tư nhân toàn cầu về an ninh mạng. Hơn 420 công ty khởi nghiệp công nghệ an ninh mạng đang hoạt động và phát triển thịnh vượng tại Israel. 

Sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp an ninh mạng khiến nhu cầu về nhân lực an ninh mạng vượt xa nguồn cung. Ngoài ra, sự gia nhập của các công ty an ninh mạng quốc tế đã tối ưu hóa thị trường nguồn nhân lực ANATTT của Israel. Nhiều công ty quốc tế đánh giá cao các tài năng kỹ thuật của Israel, các công ty như Google, Facebook, Intel, Samsung không chỉ thành lập các trung tâm R&D ở Israel, mà còn trực tiếp mua lại các công ty khởi nghiệp của Israel để tuyển dụng nhân tài địa phương. Theo thống kê, cứ 10 nhân viên công nghệ ở Israel thì có 1 người làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng.

Hai là thành lập các “quỹ nhập trường”, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Nhiều công ty ở Israel có quan hệ chặt chẽ với các trường cao đẳng và đại học, thông qua việc lập các quỹ và dự án an ninh mạng đặc biệt, nhằm cung cấp cho sinh viên các khóa đào tạo thực hành nâng cao, để họ có thể trau dồi kỹ năng trước khi làm việc chính thức. Ví dụ, năm 2018, Fresh Funds của Israel

và Đại học Ben-Gurion cùng khởi động quỹ đầu tư mạo hiểm có tên là Cactus Capital tập trung vào đầu tư khởi nghiệp cho sinh viên. Trong khu công nghệ cao CyberSpark của Israel, hầu hết các công ty và trường đại học đều có dự án hợp tác nghiên cứu. Công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng của Israel là JVP, đã xây dựng một vườn ươm ở CyberSpark để tài trợ cho các ý tưởng được sinh ra trong phòng thí nghiệm của trường đại học và chuyển đổi kết quả của chúng thành sản phẩm.

Thứ ba là trực tiếp mở lớp để đào tạo những tài năng cần thiết nhất. Ngày càng có nhiều công ty an ninh mạng của Israel trực tiếp mở các học viện an ninh mạng để đào tạo nhân lực ANATTT dựa trên nhu cầu kinh doanh của chính họ. Ví dụ: Công ty CheckPoint của Israel đã mở học viện bảo mật của riêng mình (Secure Academy), chủ yếu hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục đại học ở Israel và nước ngoài. Khóa học hiện được cung cấp tại 100 trường đại học ở hơn 40 quốc gia. Sinh viên sẽ nhận được chứng chỉ về kỹ năng an ninh mạng sau khi hoàn thành, đồng thời có cơ hội tham gia phỏng vấn việc làm tại các văn phòng toàn cầu của Checkpoint. Có thể thấy rằng các công ty như Checkpoint đã thiết lập một hệ sinh thái “tuyển sinh - đào tạo - sử dụng” hình mẫu của riêng họ.

Các cơ sở nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo và nắm bắt thị trường

Các cơ sở nghiên cứu, cơ quan cấp chứng nhận và trung tâm giáo dục an ninh mạng đang nỗ lực bổ trợ kiến thức chuyên ngành, tăng cường chứng nhận và mở rộng thị trường để đáp ứng với tình hình thực tế. Điều này đã cải thiện đáng kể chất lượng và xây dựng thương hiệu đào tạo nhân lực ANATTT của Israel.

Thứ nhất, các cơ sở nghiên cứu hỗ trợ nâng cao khả năng thực hành. Đồng hành cùng giáo dục hàn lâm, nhiều cơ sở nghiên cứu ở Israel đã mở khóa đào tạo nghề an ninh mạng. Ví dụ, Học viện Công nghệ Holon (HIT), đã xây dựng một hệ thống đào tạo các khóa học kỹ năng nghề về an ninh mạng, bao gồm kiến trúc máy tính, hệ điều hành, phòng thủ an ninh mạng, quản lý rủi ro an ninh mạng. So với giáo dục hàn lâm, loại hình đào tạo nghề này đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và đang được hướng tới nhiều hơn.

Thứ hai, các cơ quan đánh giá và chứng nhận thúc đẩy tiêu chuẩn hóa đào tạo. Israel có một số cơ quan đánh giá và chứng nhận an ninh mạng chất lượng cao, thực hiện đánh giá và chứng nhận an ninh mạng cơ bản, nâng cao và chuyên nghiệp. Ví dụ, để giải quyết tình trạng phân mảnh trong đào tạo an ninh mạng, Trung tâm Giáo dục Không gian mạng quốc gia Israel đang xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia để chuẩn hóa các kế hoạch và quy trình đào tạo nhân tài.

Thứ ba, gói sản phẩm đào tạo về an ninh mạng mở rộng ra thị trường quốc tế. Hiện tại, các công ty đào tạo an ninh mạng của Israel (như Cyberbit v.v..) đang phát triển các khóa học tấn công và phòng thủ được tiêu chuẩn hóa, cung cấp dịch vụ đào tạo an ninh mạng ở các nước đang phát triển như Ấn Độ và Philippines, thậm chí ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, từ đó xây dựng thương hiệu đào tạo an ninh mạng của Israel.

Những đặc điểm nổi bật trong đào tạo nguồn nhân lực ANATTT của Israel

Thực tiễn đào tạo nhân lực ANATTT của Israel có những đặc điểm nổi bật sau:

Đa dạng hóa trong đào tạo

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực ANATTT, Israel lấy đa dạng hóa đào tạo làm trọng tâm.

Một là mở rộng đối tượng đào tạo, quan tâm đến nhóm thiểu số, tăng cường đào tạo nữ kỹ sư an ninh mạng. Các cơ quan chính phủ, bao gồm Đơn vị 8200, đang nhấn mạnh nhu cầu về nhân lực nữ trong an ninh mạng. Trung tâm Giáo dục Không gian mạng quốc gia của Israel đã xây dựng dự án “Cô gái không gian mạng”, cải thiện khả năng an ninh mạng của phụ nữ bằng cách tổ chức các khóa đào tạo và các cuộc thi (hackathons). Thúc đẩy đào tạo và tuyển dụng lao động nữ trong các lĩnh vực công nghệ cao và lực lượng không gian mạng của Israel.

Thứ hai, liên tục trẻ hóa độ tuổi tham gia đào tạo về an ninh mạng. Chính phủ Israel nhận ra rằng trẻ em bắt đầu học về công nghệ máy tính và an ninh mạng càng sớm càng tốt. Vì vậy, đào tạo an ninh mạng được phổ biến đến các cấp tiểu học và trung học cơ sở, các khóa học liên quan đến an ninh mạng được xây dựng đặc biệt để nâng cao nhận thức và khám phá về an ninh mạng cho học sinh. Nhiều chương trình giáo dục kỹ thuật bổ sung thậm chí đã được thiết kế cho một số trẻ nhỏ.

Thứ ba, tiêu chuẩn tuyển dụng theo phương châm “cống hiến tài năng mà không gò bó vào khuôn mẫu”. Nhiều nhân tài về an ninh mạng không có trình độ học vấn cao. Trước những đặc điểm mới của an ninh mạng, Israel đã có những cơ chế đặc thù cho những nhân tài an ninh mạng, thông qua đào tạo để phát hiện những chuyên gia máy tính như vậy. Ngoài ra, chính sách quản lý quốc tịch linh hoạt của Israel cũng có lợi cho việc thu hút các tài năng kỹ thuật cấp cao.

Đào tạo ở nhiều mức độ, cấp độ khác nhau

Một là có các chương trình đào tạo an ninh mạng ở cấp độ khác nhau nhằm đáp ứng các đối tượng có nền tảng học vấn và chuyên ngành khác nhau, điển hình là các chương trình Tapuach, Infinity Labs, Israel Tech Challenge, Experis Kickstart, Elevation Academy, Kav Mashve và Primrose.

Thứ hai là thực hiện giáo dục ưu tú cho các nhân tài an ninh mạng. Chẳng hạn như Đạo luật “Nuôi dưỡng tinh hoa Internet” do Văn phòng Thủ tướng Israel đưa ra vào năm 2013, nhằm mục đích lựa chọn các học sinh, sinh viên ưu tú để đào tạo ra nhóm tinh hoa cho đất nước. 

Thứ ba là phổ cập kiến thức an ninh mạng cho những người không chuyên. An ninh mạng đã trở thành một chủ đề quan tâm của toàn xã hội Israel, nó được phổ biến rộng rãi sang các lĩnh vực kinh doanh, luật, tư pháp hình sự, tài chính, v.v.. Các trường cao đẳng và đại học của Israel thường cung cấp các khóa học về kiến thức mạng.

Đẩy mạnh phối hợp, tăng cường bổ sung lẫn nhau

Sự hợp tác giữa chính phủ, quân đội, doanh nghiệp, trường học và cơ sở nghiên cứu có tính kết nối và bổ sung cho nhau. Mỗi thành tố là một “vi hệ sinh thái”, đan xen lẫn nhau, hình thành nên một hệ sinh thái toàn diện về đào tạo nhân lực ANATTT của Israel.

Một là sự tương tác giữa quân sự và dân sự. IDF có chương trình đào tạo an ninh mạng chuyên nghiệp và chỉ dẫn cho các binh sĩ con đường sự nghiệp phù hợp, trong khi thị trường ưu tiên những người đã từng phục vụ trong lực lượng kỹ thuật của quân đội. Từ đây, nguồn nhân lực từ khu vực quân sự của Israel tràn ra và tỏa sang lĩnh vực an ninh mạng dân sự.

Thứ hai là sự liên kết giữa hàn lâm và ngành công nghiệp. Nổi bật là các trường đại học ở Israel đã hợp tác với các doanh nghiệp để thiết lập một cơ chế hiệu quả trong việc biến kết quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm trong công nghiệp. Nhiều công ty khởi nghiệp về an ninh mạng bắt đầu từ các khu công nghiệp cạnh trường đại học, được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và thuế để ươm mầm kết quả nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

Thứ ba là sự tương tác giữa chính phủ và giới học thuật. Để giải quyết vấn đề thiếu kinh nghiệm cho những “lính mới”, chính phủ Israel đã lập nhiều chương trình đào tạo (từ 2 đến 5 tháng), giúp “lính mới” sớm tiếp cận thị trường việc làm.

Hình thức đào tạo phong phú

Israel rất coi trọng việc đổi mới hình thức đào tạo, không chỉ có các phương pháp truyền thống như trại hè, trại huấn luyện mà còn áp dụng các ứng dụng mới như game, thực tế ảo (AR) vào việc đào tạo. Israel có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực học trực tuyến. Các trường cao đẳng và đại học đã thành lập các trung tâm học tập trực tuyến. Trong đại dịch COVID-19, các trường đại học của Israel đã có nhiều khóa học trực tuyến chất lượng cao về an ninh mạng, rất phổ biến trên khắp thế giới. Ví dụ, khóa học về mật mã của Đại học Tel Aviv đứng đầu thế giới, đứng thứ sáu trong số 1.750 khóa học máy tính trực tuyến, thậm chí vượt qua các khóa học tại các trường đại học hàng đầu như Princeton và Stanford.

Thay lời kết

Cạnh tranh trên không gian mạng, phân tích đến cùng là cạnh tranh về nhân tài và nguồn nhân lực. Đào tạo nguồn nhân lực ANATTT là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược an ninh mạng của nước ta. Hiện nay, công tác đào tạo ANATTT của nước ta đã có những bước phát triển, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Về vấn đề này, Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm đào tạo của Israel để xây dựng chiến lược đào tạo riêng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.secrss.com/articles/46000

2. https://www.gov.il/BlobFolder/news/international_strategy/ en/Israel%20International%20Cyber%20Strategy.pdf

3. https://investmentpolicy.unctad.org/investment-policy- monitor/measures/3035/israel-introduces-innovation-visa- program

4. https://www.163.com/dy/article/GNG169QB0552NPC3.html

5. https://www.secrss.com/articles/47728

6. https://securityboulevard.com/2022/03/israels-cyber- security-strategy/amp/

7. https://www.globalxetfs.com/cybersecurity-in-israel- fortifying-digital-defenses-amid-elevated-risks/

8. https://www.anquanke.com/post/id/202254

9. https://www.gov.il/en/departments/news/2021cyber_ industry

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nguồn nhân lực an ninh, an toàn thông tin của Israel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO