Hội nhập

Dấu ấn một ASEAN trong thời kỳ mới

PV 03/08/2024 07:50

Hội nghị AMM lần thứ 57 và các hội nghị liên quan tại Lào đã cho thấy một ASEAN kết nối và tự cường, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định.

Sự ra đời của ASEAN cùng những bước chuyển mình lịch sử của khu vực đã đưa Đông Nam Á trở thành điểm sáng trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về sự đoàn kết, hợp tác, với tầm vóc chiến lược về chính trị, kinh tế. Sứ mệnh chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển đã gắn kết các nước thành viên ASEAN trở thành một ASEAN gắn kết và tự cường luôn nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh đó ở những tầm cao mới.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các Hội nghị liên quan diễn ra ngày 24-27/7 tại Lào đã để lại nhiều dấu ấn về một ASEAN kết nối và tự cường, trong đó các nước đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Lào, ủng hộ các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN trong năm 2024,

Cũng theo ông Đỗ Hùng Việt, tính kết nối được phản ánh qua 20 hoạt động của hội nghị, trong đó các nước đề cao đoàn kết và tin cậy là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của ASEAN. Trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, tính gắn kết được thể hiện qua nỗ lực mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế số, chuyển đổi xanh, tự cường chuỗi cung ứng, cũng như tăng cường kết nối khu vực về hạ tầng, thể chế và con người.

fdfd.jpg
Các lãnh đạo tại Hội nghị thể hiện quyết tâm thúc đẩy ASEAN phát triển

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Thông cáo chung Hội nghị, gồm 165 đoạn, phản ánh đầy đủ và toàn diện nội dung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác ASEAN trên từng trụ cột, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề quốc tế, khu vực.

Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao SEAN - Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ với ASEAN, coi đây là trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước nhất trí thúc đẩy hợp tác vì an ninh, thịnh vượng, tự cường và kết nối, tập trung ưu tiên tăng cường thương mại, đầu tư, năng lượng, an ninh mạng, y tế, môi trường và khí hậu, hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản trị trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nước nhất trí tăng cường các lĩnh vực hợp tác hiện có, nhất là thương mại, đầu tư, tài chính, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức an ninh phi truyền thống, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng, tăng trưởng xanh.

Cũng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS), các nước nhất trí cần phối hợp khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác to lớn của EAS, tập trung vào những lĩnh vực giàu tiềm năng mà ASEAN quan tâm và Đối tác EAS có thế mạnh như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Theo đó trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước tiếp tục khẳng định ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực về các vấn đề chính trị, an ninh, nhất trí cần duy trì đối thoại thiện chí, thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm ứng phó hiệu quả và kịp thời các thách thức đang nổi lên.

Các hội nghị cũng cho thấy rõ nỗ lực thúc đẩy ASEAN kết nối và vươn tầm rộng lớn hơn, trong đó các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN tiếp tục được đề cao, khẳng định vai trò và đóng góp của ASEAN cả ở khu vực và trên thế giới.

Các nước cũng nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của việc nâng cao tự cường trong bối cảnh khó lường hiện nay, bao gồm gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, sự nổi lên của nhiều vấn đề toàn cầu cũng như các công nghệ mới.

Câu trả lời cho tất cả các vấn đề đang đặt ra nằm ở hai chữ "tự cường" cũng chính là khả năng và năng lực của ASEAN vượt qua mọi biến động của thời cuộc. "Tự cường" và "kết nối" sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược hợp tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Ông Việt Hùng nhấn mạnh.

Đặc biệt trong các hội nghị lần này, Việt Nam đã củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm điểm, định hướng quan hệ, tập trung khai thác các dư địa hợp tác. Việt Nam và các bên coi trọng hợp tác kinh tế, tận dụng hiệu quả các FTA, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đa dạng hóa các hình thức giao lưu nhân dân. Việt Nam cũng đề nghị các đối tác tích cực tham gia và đóng góp cho hợp tác khu vực, thúc đẩy đối thoại, lòng tin, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Cùng các nước khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, nhấn mạnh sự cần thiết về việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông chất lượng, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn một ASEAN trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO