Triển khai Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, công tác tiêu chuẩn hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được triển khai đồng bộ trong nhiều năm từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực thông tin vô tuyến, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin, bưu chính, xuất bản, v.v..
Năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 03/2011/TT-BTTTT Quy định hoạt động xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư 03/2011/TT-BTTTT quy định về nguyên tắc việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia cần phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng rộng rãi và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Căn cứ theo những quy định này, tới nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức xây dựng, cập nhật và ban hành 87 QCVN mang tính bắt buộc áp dụng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 73 TCVN mang tính khuyến khích áp dụng nhằm đáp ứng các mục tiêu quản lý của Bộ đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình và phù hợp với sự phát triển công nghệ, dịch vụ. Những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành nhằm đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước như bảo đảm an toàn, bảo đảm khả năng hoạt động liên thông, sự phát triển bền vững của toàn bộ mạng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, v.v…
Trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù các khuyến nghị của ITU-T không phải là các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng nhưng thường được các nước tuân thủ vì đây là cơ sở kỹ thuật cho việc đảm bảo khả năng vận hành tương thích giữa các hệ thống, mạng lưới và cho phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên phạm vi toàn cầu. Các khuyến nghị này đã được các nước thành viên nghiên cứu, tham khảo và sử dụng khi xây dựng tiêu chuẩn viễn thông của nước mình. Tại Việt Nam, rất nhiều tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng dựa trên chấp thuận một phần hoặc hoàn toàn các khuyến nghị của ITU-T.
Trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, do đặc thù của các khuyến nghị của ITU-T đều không đi sâu quy định khía cạnh năng lực, tính năng, đặc tả chi tiết của sản phẩm nên đa số các quy chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đều chỉ sử dụng khuyến nghị ITU-T ở mức là căn cứ tham khảo mà không phải là chấp thuận sử dụng.
Trong lĩnh vực quản lý đối tượng là công trình, hạ tầng viễn thông thụ động, nội dung được quan tâm lớn nhất chính là quản lý mức phơi nhiễm trường điện từ (EMF) của các trạm thu phát sóng thông tin di động và đài phát thanh truyền hình. Mặc dù ITU không có quy định về mức ngưỡng cho EMF nhưng ITU-T đã xuất bản các khuyến nghị K.52, K.61, K.70, K.83, K.90, K91 về hướng dẫn tuân thủ, phương pháp đo kiểm, phương pháp và công cụ ước lượng mức phơi nhiễm, phương pháp giám sát EMF, v.v...Đây chính là nguồn tài liệu tham khảo cho việc xây dựng QCVN 08:2010/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”.
Trong lĩnh vực quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ, ITU-T đã xuất bản rất nhiều khuyến nghị liên quan, có thể kể ra gồm:
Bảng 2- Các khuyến nghị ITU-T về chất lượng dịch vụ
Trên cơ sở chấp thuận áp dụng các khuyến nghị của ITU-T, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều QCVN đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản, có ảnh hưởng đến một số lượng lớn người sử dụng như:
-QCVN 34:2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất” được xây dựng dựa trên khuyến nghị ITU-T G.1000 và G.1010;
-QCVN 81:2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000” xây dựng dựa trên khuyến nghị ITU-T E.804;
-QCVN 82:2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ tin nhắn ngắn trên mạng viễn thông di động mặt đất” xây dựng dựa trên khuyến nghị ITU-T E.804;
-QCVN 84:2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ IPTV trên mạng viễn thông công cộng cố định” được xây dựng dựa trên khuyến nghị ITU-T G.1080
- QCVN 36:2011/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất” và QCVN 35:2011/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất” được xây dựng phù hợp với các khuyến nghị trong E-series về chất lượng dịch vụ của ITU-T. Đối với chỉ tiêu đặc trưng cho dịch vụ thoại là tiêu chí chất lượng thoại, cả hai quy chuẩn này đều sử dụng giải thuật đánh giá chất lượng thoại theo khuyến nghị ITU-T P.862 để đánh giá.
Các QCVN này đảm bảo mức chất lượng dịch vụ tối thiểu của doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng phục vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm công bố, tự kiểm tra, kiểm soát chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông thuộc bắt buộc quản lý chất lượng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước.
Hằng năm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện đo kiểm định kỳ theo phương pháp xác định được quy định trong quy chuẩn để đánh giá chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Kết quả đo kiểm một mặt được cơ quan quản lý sử dụng để giám sát, xử phạt doanh nghiệp nếu có vi phạm, mặt khác sẽ được công bố trên phương tiện truyền thông công cộng. Từ đó giúp khách hàng sử dụng dịch vụ tiếp cận được thông tin và có những nhận định, đánh giá về chất lượng của các nhà mạng khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Từ thực tế cho thấy, trong những năm gần đây chính nhờ hoạt động đo kiểm, đánh giá thường xuyên của cơ quan quản lý, chất lượng dịch vụ viễn thông đã được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên tục cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng.
(Tổng hợp)