Chuyển đổi số

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong công tác quy hoạch Thủ đô

Hà Phương 03/10/2024 18:27

Theo các chuyên gia, TP. Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong công tác quy hoạch. Đây sẽ là giải pháp rút ngắn thời gian nhất để tạo bước đột phá, phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại

Nhìn thẳng hạn chế

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa tổ chức hội thảo khoa học “Thủ đô Hà nội - 70 năm sự nghiệp quy hoạch - kiến trúc và phát triển đô thị 1954 - 2024”.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

anh-15.1.jpg
Công tác quy hoạch được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị, kinh tế quan trọng của TP. Hà Nội.

Khẳng định vai trò của công tác quy hoạch kiến trúc trong phát triển đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô cũng là dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị của Hà Nội. Trong 70 năm qua, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt, thể hiện công tác quy hoạch luôn luôn tiếp cận đồng bộ, khách quan, nghiêm túc, bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Nhận diện những thách thức đối với công tác quy hoạch phát triển đô thị Thủ đô thời gian qua, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ThS. KTS. Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Q Đ-TTg ngày 26/7/2011 xác định cấu trúc đô thị TP. Hà Nội theo mô hình mạng lưới đô thị bao gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 9 thị trấn huyện lỵ. Đồng thời duy trì các vùng nông thôn (hành lang xanh) là các vùng đệm giữa các đô thị.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, chưa hình thành cấu trúc đô thị vệ tinh, không đạt mục tiêu đô thị hóa. Các phân khu đô thị không có chức năng rõ ràng, chưa khai thác được thế mạnh sẵn có, đặc thù của khu vực. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển. Sự phân bổ cấu trúc các ngành kinh tế không tương đồng với việc phát triển đô thị, từ đó gây ra các hệ lụy về bong bóng bất động sản và quy hoạch treo. Chính sách di dời các trường đại học, cơ sở giáo dục và y tế chưa hiệu quả. Và không gian xanh, không gian ngầm, không gian công cộng chưa được đầu tư, quản lý, quan tâm thích đáng.

Lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy cho công tác quy hoạch

Trên cơ sở những hạn chế được chỉ rõ, các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều đóng góp quý báu cho công tác quy hoạch thủ đô.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, công tác quy hoạch nói chung phải tiếp cận đa ngành, cần tiếp tục nâng tầm trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Ngoài ra, để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, thành phố cần quan tâm phát triển hài hoà giữa đô thị và nông thôn.

Trong khi đó, GS. TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam góp ý, TP. Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong công tác quy hoạch. Cần có quy hoạch hạ tầng dữ liệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, sâu sắc cho thủ đô. Đây sẽ là giải pháp rút ngắn thời gian nhất để tạo bước đột phá, phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

anh-15.2.jpg
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số trong công tác quy hoạch là con đường ngắn nhất để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra đối với Thủ đô trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó đã đề ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị (thống nhất chỉ đạo tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 10/2024. Tại 2 quy hoạch này đã nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 bổ sung những điều kiện phát triển mới.

Cụ thể, nghiên cứu xây dựng 5 trục không gian phát triển, xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô... Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch xây dựng các quy định cụ thể, trình HĐND thành phố thông qua để triển khai thực hiện trong thực tiễn, với những cơ chế chính sách mạnh mẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực (trong đó có công tác quy hoạch), quy định rõ trách nhiệm cụ thể.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong công tác quy hoạch Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO