Đẩy mạnh đưa sách về vùng núi để lan tỏa tinh thần văn hóa đọc

Thu Hiền| 08/05/2020 15:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm qua, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã nỗ lực đưa sách về với vùng "đói sách" bằng nhiều hình thức như: xây dựng tủ sách, tổ chức các ngày hội đọc sách...

Chỉ thị số 42/CT-TƯ ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó xác định cần tổ chức chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bản đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi.

Nỗ lực xây dựng Tủ sách nâng cao trí thức

Trong bối cảnh thiếu sách như hiện nay, để đưa được sách đến vùng nông thôn, miền núi, giúp người dân được tiếp cận với sách, tiếp cận với kho tri thức vô tận, biện pháp đầu tiên là đẩy mạnh luân chuyển sách từ thư viện công cộng cấp tỉnh, cấp huyện đến vùng miền núi, vùng sâu vùng xa.

Đẩy mạnh đưa sách về vùng núi để lan tỏa tinh thần văn hóa đọc - Ảnh 1.

Góc đọc sách của thư viện miền núi

Cũng với mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí, trong thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị, các nhóm hoạt động thiện nguyện đã rất nỗ lực mang sách đến các vùng miền, giúp người dân có nhiều cơ hội được đọc sách, tìm hiểu tri thức.

Nổi bật là dự án "Sách hóa nông thôn" của anh Nguyễn Quang Thạch, trong vòng hơn 10 năm, Nguyễn Quang Thạch cùng những người đồng sự của mình đã xây dựng được gần 10.000 tủ sách ở nhiều tỉnh, thành. Dự án từ thiện "Thư viện nhỏ trên núi" của chị Lan Anh đã xây dựng được 7 thư viện, mỗi thư viện hơn 1.000 đầu sách, chưa tính sách giáo khoa.

Dự án "Tủ sách Lam Sơn" của nhóm tri thức, doanh nhân là những người con xứ Thanh hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện sách theo mô hình "Tủ sách lớp học" với mục tiêu, tặng tủ sách cho các học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa... Và rất nhiều "Tủ sách từ thiện" khác đang được cộng đồng thực hiện mỗi ngày đã mang đến cơ hội học tập tốt hơn, tiếp thu tri thức cho trẻ em vùng núi, vùng nông thôn, vùng xa vùng sâu.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình vận động các tổ chức cá nhân tài trợ tặng sách, tư liệu cho các thư viện, xây dựng Tủ sách cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Tặng sách cho các trường mang tên Tây Tiến, một số trường ở Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Tủ sách tại đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Đà Nẵng, 10 thư viện/tủ sách cơ sở khu vực đồng bằng sông Hồng; xây dựng 02 phòng đọc, thư viện cho 02 trường liên cấp tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; liên hệ tặng sách của PGS. TS Phạm Tú Châu cho thư viện tỉnh Nam Định...

Như vậy, những tủ sách này đã góp phần vào công cuộc nâng cao dân trí cho đồng bào, thông qua việc kêu gọi đồng bào cả nước, mỗi một người dân, tổ chức, mỗi một doanh nghiệp hãy cùng nhau chung tay góp sức để đem những cuốn sách về với "vùng khó" của cả quốc gia.

Lan tỏa tinh thần văn hóa đọc

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành cùng Quyết định 581/QĐ-TTg, ngày 06-5-2009), Đảng và Nhà nước ta xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là phải: "Xây dựng lại phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai". Đây là quan điểm có tính chỉ đạo đối với công tác phát triển văn hóa đọc hiện nay.

Đẩy mạnh đưa sách về vùng núi để lan tỏa tinh thần văn hóa đọc - Ảnh 2.

Học sinh Trường PTDT Nội trú Bắc Kạn đọc sách, báo tại thư viện của trường

Đất nước muốn phát triển thì phải quan tâm đến việc bồi dưỡng dân trí. Việc hình thành ý thức cộng đồng về văn hóa đọc là con đường để chúng ta từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Và Ngày Sách Việt Nam ra đời vào ngày 21/4/2014 là một việc làm thiết thực, thể hiện ý thức tự giác về một xã hội học tập.

Đến nay, qua 5 năm, Ngày sách Việt Nam thực sự trở thành một ngày hội lớn về văn hóa đọc, các chương trình hội sách hưởng ứng cho Ngày Sách Việt Nam diễn ra ở khắp nơi với những con số rất đáng tự hào như: Hội Sách Hải Châu ở TP. Đà Nẵng đã thu hút 142 đơn vị tham gia với 470 gian hàng, tổng số lượt người đến với Hội sách gần 400.000 lượt, tổng số sách bán ra 672.000 đầu sách; Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố đã tích cực tham gia trưng bày sách trong đó có sách về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tổng số sách do Thư viện tham gia trong 5 năm lên đến hơn 14 ngàn bản, gần 1.000 bản tặng biếu bạn đọc, tặng 650 ảnh Bác Hồ, thu hút hơn 1.000 lượt bạn đọc;

Tại Bình Phước, thư viện tỉnh phối hợp cùng các địa phương, đơn vị đã tổ chức trưng bày trên 7.800 bản sách, phục vụ hơn 8.100 lượt bạn đọc, phục vụ lưu động tại 13 điểm địa bàn, tặng hơn 17.300 bản sách cho 46 thư viện trường học;

Tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức được 04 hoạt động cấp tỉnh để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, đọc sách, giao lưu với tác giả, mua sách và làm thẻ độc giả. Ước tính mỗi năm, Tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày sách Việt Nam thu hút khoảng 700 lượt người đến xem và cổ vũ các nội dung thi, tham quan các mô hình trưng bày sách nghệ thuật, đọc sách…

Bên cạnh đó là các chương trình xây dựng tủ sách cơ sở; tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, phát động Tháng đọc sách; tổ chức Cuộc thi "Viết cảm nhận về sách" cho phạm nhân…

Ngoài các hoạt động trên, các tỉnh còn tổ chức quyên góp, ủng hộ sách để giúp các xã khó khăn có điều kiện xây dựng tủ sách, phát triển phong trào đọc sách tại địa phương...

Như vậy, có thể khẳng định rằng, truyền thống đọc sách của ông cha ta đã được phát huy một cách tích cực, điều đó trở thành nét đẹp văn hóa không chỉ của mỗi người mà còn là nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đưa sách về vùng núi để lan tỏa tinh thần văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO