Ngày 16/5/2017, Cục Viễn thông đã tổ chức Hội nghị giao ban với các Sở TT&TT khu vực miền Bắc các nội dung quản lý nhà nước về viễn thông tại địa phương. Tham dự có đại diện các Sở TT&TT khu vực miền Bắc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, Cục Viễn thông đã cập nhật chính sách, phương hướng công tác quản lý nhà nước về viễn thông, lắng nghe và trao đổi các ý kiến của các Sở TT&TT trong quản lý nhà nước về viễn thông tại địa phương.
Cụ thể, về cấp phép và giám sát triển khai, phương hướng quản lý trong thời gian tới là sẽ triển khai cấp phép theo quy định mới tại Nghị định 81/NĐ-CP/2016 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật viễn thông; Triển khai kiểm tra các doanh nghiệp (DN) đã được cấp phép. Theo đó, các DN đã được cấp giấy phép viễn thông sau 2 năm chưa triển khai hạ tầng mạng sẽ bị kiểm tra; Thu hồi giấy phép theo đề nghị của DN hoặc DN không triển khai giấy phép sau 2 năm.
Về quản lý tài nguyên, thống kê viễn thông, Bộ TT&TT đang xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành CNTT-Truyền thông. Dự kiến sẽ xây dựng Thông tư quy định về báo cáo để thực hiện thu thập đầy đủ, đồng bộ số liệu viễn thông - CNTT và làm sở cứ cho nhiệm vụ điều tra thống kê trong Ngành (trong đó có số liệu về người sử dụng Internet và di động).
Về quản lý hạ tầng, kết nối viễn thông và thông tin thuê bao, trong thời gian tới sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát triển khai thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở TT&TT chưa lập quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động để triển khai xây dựng, phối hợp cùng với các Sở TT&TT chỉ đạo các DN có hạ tầng mạng cập nhật và xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động.
Về quản lý chất lượng viễn thông, Cục Viễn thông sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chất lượng 4G; Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 17, 18/2011 để công tác kiểm định ngày càng đi vào thực chất hơn và giảm thiểu chi phí cho DN.
Về quản lý an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin, Cục sẽ xây dựng Nghị định bổ sung sửa đổi Nghị định 25/2011 để quy định rõ hơn trách nhiệm bảo vệ hệ thống cáp quang biển quốc tế.
Về thanh tra chuyên ngành viễn thông, trong thời gian tới Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính bưu chính viễn thông CNTT sẽ được sửa đổi, bổ sung; Đẩy mạnh thanh tra về giá cước - khuyến mại, quản lý thông tin thuê bao trả trước.
Khó khăn khi xây dựng trạm BTS
Tại Hội nghị, đại diện một số Sở TT&TT cho biết nhiều DN viễn thông gặp khó khăn khi xây dựng các trạm BTS tại địa phương. Theo đại diện Sở TT&TT Thanh Hóa, Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD giữa Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được xây dựng được ban hành, tuy nhiên, việc triển khai thực tiễn gặp khó khăn, gần như các huyện chưa tạo điều kiện cho DN phát triển BTS vì Thông tư 15 không quy định trách nhiệm của UBND huyện trong việc này. DN phải chủ động xuống từng hộ dân tự thỏa thuận xây dựng trạm BTS. Sở TT&TT phải vào cuộc nhiều lần cùng với DN để giải thích cho người dân, hỗ trợ DN xây dựng BTS. Mặc khác, người dân cũng lo ngại sóng điện từ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đại diện Sở TT&TT Nam Định cho biết đối với trạm phát sóng BTS, khi sử dụng trên đất không phải đất sử dụng cho mục đích xây dựng thì phải được phê duyệt từ cấp huyện. Tuy nhiên, ở Nam Định đất đai chật hẹp, việc tìm vị trí phù hợp không phải đất canh tác để xây dựng trạm BTS là vô cùng khó khăn. Theo thống kê qua một số cơn bão trong năm 2015, 76 trạm BTS bị đổ, năm 2016 cơn bão số 1 đã làm đổ 9 trạm BTS, trong đó có 1 trạm biển đảo Viettel. Ngoài ra, còn có việc kiện tụng xây dựng trạm BTS vì cho rằng sóng điện từ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đại diện Sở TT&TT Nam Định mong muốn Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&CN và Bộ Y tế để giải quyết vấn đề này, đồng thời cần có chương trình truyền thông từ Bộ.
Giải đáp vấn đề này, ông Giang Văn Thắng, Cục Viễn thông cho biết Thông tư liên tịch 15 có điều chỉnh nội dung cấp phép cột anten, theo đó, trong đô thị, loại cột dưới 3m, không cồng kềnh sẽ được cấp phép khi giống với Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động cấp tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt cho DN. Nếu chưa được phê duyệt Quy hoạch thì phải được cấp phép từng cột. Và đối vực ngoài đô thị, thì miễn giấy phép xây dựng với cột anten trong Quy hoạch đã được UBND phê duyệt quy hoach, chưa được quy hoạch thì vẫn phải cấp phép giấy phép từng cột. Quản lý giấy phép xây dựng cột anten còn liên quan đến các cấp quản lý khác như phê duyệt thiết kế, quản lý dự án đầu tư với công trình xây dựng…
Cũng theo ông Thắng, Sở Xây dựng chỉ có quyền được tỉnh giao cho cấp phép công trình liên tỉnh, còn các công trình riêng lẻ trong phạm vi huyện hầu hết được tỉnh giao cho UBND cấp huyện cấp phép. Các quy định đã nêu rõ cấp huyện chịu trách nhiệm cấp phép chính tại địa phương. Đối với cấp phép xây dựng anten ở đất nông nghiệp, theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành Nghị định số 53/2017/NĐ-CP quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai cấp phép xây dựng ngày 8/5/2017 cho phép xây dựng cột anten, biển quảng cáo trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng vấn đề phải được sự chấp thuận của UBND cấp huyện. Việc này tạo điều kiện xây dựng cột anten hay là trạm BTS không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định Hội nghị giao ban này là hữu ích nên duy trì định kỳ và yêu cầu các chính sách được xây dựng cần phải nắm bắt thực tế tại từng địa phương. Theo đó, Cục Viễn thông cần phải tổ chức các cuộc họp chuyên đề về xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động để các Sở, đơn vị quản lý cùng chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt thực tiễn.
Thông tư liên tịch 15 giữa Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng cơ bản mang lại nhiều lợi ích cho DN vì giảm bớt thủ tục hành chính. Các bên cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhấn mạnh khuyến nghị của các tổ chức như Liên minh Viễn thông quốc tế, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế, Tổ chức y tế thế giới về xây dựng trạm BTS, cũng như mời Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế vào cuộc cùng để tuyên truyền cho người dân về vấn đề sóng điện từ không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.