Cơ giới hóa góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng sản phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, cơ giới hóa là việc làm cần thực hiện để tối ưu hóa trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra giá trị cao hơn. Chiến lược cơ giới hóa trong ngành hàng nông nghiệp là điều kiện cần, tổ chức ngành hàng là điều kiện đủ.
Cơ giới hóa nông nghiệp để tạo ra được năng suất cao, sự đồng đều về chất lượng nông sản, tạo ra giá trị cao trên nền tảng tổ chức lại sản xuất quy mô lớn. Quy mô lớn hơn không chỉ là tích tụ đất đai lớn hơn mà còn là sự liên kết hợp tác của người nông dân trong vùng nguyên liệu, tạo ra những hợp tác xã để cùng sử dụng chung được phương tiện, công nghệ, thiết bị máy móc đạt được kết quả tối ưu hóa.
ĐBSCL là vùng mà tỷ lệ cơ giới hóa đã mang lại những tín hiệu tích cực đối với những ngành hàng chủ lực của vùng. Để hướng đến một nền SXNN bền vững, việc các địa phương ở vùng ĐBSCL tổ chức lại ngành hàng với sự chung tay của người dân, doanh nghiệp (DN), chính quyền địa phương, sẽ góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến, chế biến nông sản đứng hàng đầu thế giới vào năm 2030.
ĐBSCL có những vùng sản xuất lúa tập trung, diện tích lớn, hơn thế nữa các địa phương trong vùng đã quan tâm ứng dụng nhiều loại máy móc, thiết bị vào sản xuất. Điều này đã góp phần giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính. Nhờ đó, lợi ích của cơ giới hóa đã giúp người dân tiết kiệm lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật và hơn hết là nâng cao thu nhập của người dân trong canh tác lúa.
Thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, hiện nay, tỷ lệ Việt Nam ứng dụng cơ giới hóa để phục vụ SXNN đang tăng nhanh. Giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần, máy cấy tăng 10 lần....
Riêng khu vực ĐBSCL, đối với cây lúa, khâu làm đất đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, thu hoạch là 95% và khâu thu gom rơm, rạ là 90%... Với cây ăn trái, khâu làm đất đạt hơn 90%, chăm sóc đạt 60% - 70%...
Việc chuyển đổi hình tượng truyền thống "con trâu đi trước, cái cày theo sau" bằng các thiết bị cơ giới để phục vụ SXNN ở ĐBSCL những năm gần đây đã góp phần giúp nông dân giải phóng được sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Cơ giới hóa SXNN tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Chia sẻ về vấn đề cơ giới hóa trong SXNN của vùng ĐBSCL, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, việc đẩy mạnh cơ giới hóa SXNN tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo.
Để cơ giới hóa đồng bộ cần xác định vùng sản xuất lúa tập trung nhằm tiếp tục hoàn thiện, củng cố, phát triển mô hình cánh đồng lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, trong các chuỗi liên kết với nông dân, DN tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ sớm triển khai các tiến bộ kỹ thuật, trong đó có việc mạnh dạn đưa vào các máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Đồng thời, triển khai về chính sách hỗ trợ vốn vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, ứng dụng cơ giới hóa phải thông qua tổ, nhóm dịch vụ mới nâng cao hiệu quả sử dụng, hiệu quả khai thác cũng như lan tỏa nhanh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Chính vì vậy, xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ, tiếp cận máy móc, thiết bị từ phía nhà nước đến DN và người dân cần có sự quan tâm để hình thành các tổ, nhóm hợp tác xã, nông dân làm dịch vụ. Đó là thành phần nòng cốt trong giai đoạn cơ giới hóa hiện nay.
Cũng nói về vấn đề cơ giới hóa trong SXNN, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cơ giới hóa phải đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cho tập thể và cả DN thu mua nông sản thị trường trong nước cũng như xuất khẩu thì mới đem lại hiệu quả bền vững.
"Nếu như chú ý đến cơ giới hóa mà không chú ý đến lợi nhuận của người dân, DN thì sẽ không bền vững. Sự đồng bộ không chỉ là ở trang thiết bị mà phải có sự liên kết với nhau với mục tiêu giữ được chất lượng nông sản và làm giảm chi phí sản xuất của người dân. Ngoài ra, cần đồng bộ về phương thức sản xuất từ cá nhân, trang trại, hợp tác xã rồi liên vùng", Phó Cục trưởng Lê Thanh Tùng nêu rõ.
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, cơ giới phải được hiểu cả về trang thiết bị cả về công nghệ để áp dụng vào trong quy trình sản xuất. Sự đồng bộ này đi từ nhận thức của người tổ chức sản xuất, từ những DN, từ những trang trại, từ hợp tác xã đến chính quyền địa phương. Và để đi đến sự bền vững này thì tất cả địa phương trong vùng ĐBSCL phải có sự liên kết thì tính bền vững mới tốt và mang lại hiệu quả cho nền SXNN./.