Để con học trực tuyến an toàn, cha mẹ cần làm gì?

PV| 03/12/2021 08:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Cha mẹ nên dành thêm thời gian quan tâm hay học cùng con một vài buổi để hướng dẫn về các nguy cơ đồng thời tự trang bị cho mình kiến thức về những rủi ro phát sinh trên môi trường ảo.

Dạy con không nên vừa sạc điện thoại vừa học

Theo các chuyên gia, một trong những lưu ý hàng đầu khi dùng điện thoại thông minh học trực tuyến là vừa học, vừa cắm sạc. Nếu pin của điện thoại đang ở mức điện áp thấp, phần nguồn khi đó sẽ làm đồng thời cả hai chức năng nạp điện cho pin và cấp năng lượng chạy thiết bị. Nếu pin đã đầy, phần nguồn không nạp điện vào pin mà chuyển sang "nuôi" cho một số bộ phận như màn hình, vi xử lý…

Trong cả hai tình huống, các bộ phận trong điện thoại đều phải làm việc ở cường độ cao. Học trực tuyến trong thời gian dài, thiết bị sẽ tỏa nhiệt nhiều và liên tục. Pin điện thoại có nguy cơn phồng lên, thậm chí phát nổ nếu quá sức.

Để con học trực tuyến an toàn, cha mẹ cần làm gì? - Ảnh 1.

Một trường hợp pin điện thoại bị nổ khi vừa dùng vừa sạc điện thoại - Ảnh minh họa

Ngoài nguy cơ từ phía thiết bị, cũng có rủi ro từ phía củ sạc. Nhiều củ sạc không được thiết kế chuyên để vừa cấp điện cho pin, vừa duy trì hoạt động cho điện thoại, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Đối với trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên chủ động sạc điện thoại và các thiết bị số trước khi con vào lớp học. Cần chú ý thay mới pin khi có dấu hiệu bị chai.

Thiết bị điện cũng tiềm ẩn nguy cơ không an toàn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã khuyến cáo phụ huynh cần ghi nhớ một số lưu ý về an toàn điện khi trẻ học tập, sinh hoạt tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, với những trẻ nhỏ tuổi, phụ huynh cần giáo dục một số nguyên tắc như không nên chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở; Không được đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện; Tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt; Trẻ không nên sử dụng bất kỳ thiết bị điện hoặc tự ý rút phích cắm điện khi không được người lớn cho phép. Không được lấy dây điện, thiết bị điện làm đồ chơi; Nếu các vật dụng khác rơi vào phải thiết bị điện thì cũng không nên tự tìm cách lấy ra.

An toàn thông tin, cẩn trọng những link, hộp thoại lạ

Hiện nay, một số lớp học online đang được quản lý khá đơn giản, hễ có đường link hay mật khẩu vào Zoom, Google Meets,… là có thể đăng nhập. Điều này dễ cho những người lạ vào lớp học phá rối, đưa những hình ảnh, phát ngôn phản cảm làm ảnh hưởng tâm lý cho các học sinh nhỏ tuổi.

Do đó người dạy và người học cần có ý thức bảo vệ "lớp học ảo". Giáo viên nên dặn dò thật kỹ học sinh nhỏ tuyệt đối không đưa đường link vào lớp cho những người không liên quan. Khi trẻ trẻ học online bằng thiết bị của cha mẹ, phải cẩn trọng tránh mất dữ liệu. Một số trường hợp khi trẻ em đang học, kẻ xấu gửi những đường link lạ cho các em nhấn vào có thể đưa virus về máy. Nhiều trường hợp màn hình xuất hiện các hộp thoại  yêu cầu người dùng nhập thông tin, đăng ký để nhận sách giáo khoa, sách tham khảo, bài kiểm tra… Nếu các em nhỏ điền theo yêu cầu, nguy cơ  mất những thông tin quan trọng như  tài khoản, mã pin vào các ứng dụng ngân hàng của cha mẹ là rất cao.

Đừng để "Mất bò mới lo làm chuồng"

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) cho biết sắp tới Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.

Các vụ tai nạn thương tâm trên là cảnh báo đau xót với nguy cơ tai nạn trẻ phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dạy và học trực tuyến hiện nay. Nếu không có giải pháp để phòng ngừa, vụ việc tương tự  có thể tái diễn. Trẻ em có nhiều nguy cơ tai nạn không mong muốn khi học online do phải sử dụng thường xuyên trong khoảng thời gian dài các thiết bị điện, điện tử như máy tính, điện thoại thông minh... 

Ngoài nguy cơ về điện giật, trẻ phải đối mặt những nguy cơ khác như cháy nổ thiết bị. Vì vậy phụ huynh, giáo viên giảng dạy nên dành thời gian kiểm tra các thiết bị quanh trẻ trong giờ học trực tuyến và hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân.

Các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kiến thức về thiết bị điện, các giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ. Chẳng hạn, chỉ cần lắp thêm 1 thiết bị tự ngắt dòng điện khi có sự cố gây chập cháy và cùng học, cùng đồng hành với các em trong các tiết học trực tuyến. Bên cạnh đó, các thầy cô cần trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học. Cha mẹ cần có những sinh hoạt gia đình thường xuyên như cùng con xem chương trình kỹ năng sống để trẻ nâng cao kiến thức và tìm người lớn khi cần trợ giúp.

Trong giờ học, thầy cô có thể kiểm soát trẻ thông qua camera, nhưng giờ nghỉ giải lao trẻ có thể rời khỏi sự giám sát. Do vậy, cha mẹ phải xây dựng nền nếp, kỷ luật để trẻ hiểu phải học lúc nào, chơi lúc nào, tự trẻ bảo vệ bản thân khi không có người lớn ở bên. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để con học trực tuyến an toàn, cha mẹ cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO