Toàn cảnh Hội thảo
Báo chí đóng vai trò then chốt
Đại diện cho Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Hà Nội, phóng viên Trần Thị Thanh Thùy cho biết Đài Hà Nội đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và trong các cơ quan hành chính. Theo đó, nhiều chương trình PTTH và báo điện tử về chuẩn mực trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã được xây dựng và thực hiện như: Chương trình Người Hà Nội; Hà Nội của chúng ta; Hà nội những góc nhìn, Hà Nội đẹp và chưa đẹp; Văn hóa sống; Sống an toàn; Các tiểu phẩm, trailer tuyên truyền cổ động...
Các chủ đề của các chương trình tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến về 2 Bộ Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng và trong các cơ quan hành chính do UBND Thành phố ban hành; Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ quan, các tụ điểm sinh hoạt công cộng và trên mạng xã hội; Phê phán những thói hư, tật xấu đang tồn tại trong xã hội hiện đại như: Bệnh thờ ơ, vô cảm; Bệnh thành tích; Thói hoang phí; ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa,v.v. đồng thời nhân rộng những hành động đẹp trong ứng xử của người dân Thủ đô, từ đó giúp thay đổi hành vi và ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Đài cũng luôn cập nhật trong các bản tin thời sự những hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa đang bị dư luận lên án, cũng như đề cao những cá nhân, tập thể, những điển hình trong về xây dựng lối sống văn hóa trong cộng đồng.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, tình trạng hống hách, cửa quyền đã không còn ngang nhiên tồn tại ở các cơ quan hành chính, những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân... Rất nhiều người dân Thủ đô giờ đây cảm thấy yên tâm và thoải mái khi đến các cơ quan công quyền để làm việc.
Mùa lễ hội năm 2019 cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử tại các lễ hội lớn của Thủ đô như: lễ hội Chùa Hương, lễ hội đền Gióng, và nhiều lễ hội khác.. Hầu như không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lễ vật, mê tín dị đoan... Tất cả những chuyển biến đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành đoàn thể, trong đó báo chí đóng vai trò then chốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phóng viên Trần Thị Thanh Thùy cho biết việc tuyên truyền cần phải thực hiện liên tục, trong thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. Có như vậy mới định hình được những chuẩn mực ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, từ đó giúp những quy tắc ứng xử đó ăn sâu và bám rễ chặt chẽ trong cuộc sống của người dân.
Muốn như vậy, theo phóng viên Trần Thị Thùy, bên cạnh việc phát hiện và tuyên truyền của báo chí, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan thực thi pháp luật; Cần tăng các chế tài xử phạt thật nặng để có sức răn đe, tiến tới loại bỏ những hành vi lệch chuẩn ra khỏi đời sống xã hội. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường kinh phí tuyên truyền cho các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng để việc tuyên truyền được thường xuyên, liên tục, hấp dẫn, có thêm nhiều chương trình có quy mô lớn hơn để có thêm sức lan tỏa tới cộng đồng…
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Đán, Hội nhà báo tỉnh Hưng Yên cho biết tuyên truyền người tốt việc tốt là việc chủ đạo của báo chí địa phương. Thời gian qua, các cơ quan báo chí Hưng Yên đã thực hiện nhiều tác phẩm tuyên truyền người tốt việc tốt như Bà Sang nhặt rác, cựu chiến binh làm tự quản giao thông và mạnh dạn phê bình về một chủ tịch huyện cưới con đến ăn 3 ngày.... “Báo chí cần mạnh dạn phê phán những điều sai trái nếu không sẽ làm giảm niềm tin bạn đọc”.
Ông Nguyễn Công Đán cũng nêu tình trạng một số tỉnh giới hạn báo chí phê bình và kiến nghị Chính phủ phải chỉ đạo các tỉnh, thành khi báo chí nêu gương người tốt, việc tốt thì thẩm định, khen thưởng kịp thời và báo chí phê bình phải rút kinh nghiệm. Các Tổng Biên tập, Giám đốc đài truyền hình cần duy trì các mục về các vấn đề văn hóa, gương người tốt, việc tốt và nâng cao chất lượng chuyên mục, ngắn gọn và đi thẳng vào những vấn đề nóng, trọng tâm của xã hội và tìm ra cách làm hay.
Bài viết giúp lớp trẻ tự hào về người Việt
Ứng xử văn hóa trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết tính tất cả người đi học, những người đang dạy trong các nhà trường, ngành giáo dục chiếm 1/4 dân số cho nên giáo dục chính là xã hội. Cái gì tích cực trong xã hội thì được phản ánh trong xã hội nhưng có hiện tượng tiêu cực cũng ảnh hưởng đến giáo dục.
GS. Nguyễn Minh Thuyết
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết cái đáng chê thì báo chí vẫn chê nhưng cần cân nhắc việc các báo cùng khai thác một lúc sẽ tạo ấn tượng xấu, có khi có hại cho tâm hồn trẻ thơ. Việc tuyên truyền cần có sự điều tiết. Nếu báo chí viết nhiều về chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt, thì sẽ ảnh hưởng, lan tỏa tốt. Bài viết phải giúp học sinh thấy tự hào về người Việt Nam, năng lực của người Việt Nam. Báo chí cùng góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức cho lớp trẻ.
Cũng về tuyên truyền về lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng giao, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện các bước cuối cùng của Thông tư quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Để thực hiện tốt quy tắc ứng xử rất cần sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, và đặc biệt sự phối hợp của Bộ TTTT, của các cơ quan báo chí là phương tiện truyền tải văn hóa ứng xử đến cộng đồng, đến xã hội.
Bộ GD&ĐT mong muốn cơ quan báo chí tuyên truyền và thông qua đó đưa thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, chân thực để định hướng dư luận trong ứng xử và cùng với Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở thực hiện tốt hơn nữa Quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng văn hóa học đường, tạo nền tảng, môi trường để giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên phát triển năng lực, phẩm chất.
Góp phần tạo chuẩn mực văn hóa trên môi trường mạng
Trao đổi về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, nhà báo Lê Thư, Báo Đại biểu nhân dân cho biết theo Social, trung bình mỗi người Việt Nam dành 6 giờ 42 phút cho Internet, trong đó có 2 giờ 37 phút cho mạng xã hội. Việt Nam có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 7 trên thế giới. Những con số này cho thấy Internet ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống, tinh thần của người dân. Từ đó đặt ra yêu cầu cần có những chuẩn mực văn hóa trên môi trường mạng.
Báo chí có sức ảnh hưởng và tầm ảnh hưởng sâu rộng của mình có trách nhiệm tuyên truyền tác động vào suy nghĩ, nhận thức của công chúng, từ đó tác động vào hành vi để mỗi người có ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Để làm được điều đó, mỗi cơ quan báo chí cần phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của mình trong việc tuyên truyền về văn hóa ứng xử để có cách thức tuyên truyền phù hợp với tôn chỉ mục đích của mình, phù hợp với nhu cầu, tâm lý đón nhận của xã hội.
Tại Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết báo chí có mối quan hệ mật thiết với văn hóa, vừa là bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải phổ biến văn hóa tới công chúng.
Hội nhà báo Việt Nam luôn xác định hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Hội đã ban hành 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là những quy tắc, quy định thể hiện trong đó những chuẩn mực văn hóa ứng xử của người làm báo Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và cả trong cuộc sống.
Cùng với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nói chung. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội nhà báo Việt Nam ban hành, nhiều cấp hội trong cả nước đã xây dựng, ban hành các quy chế, quy tắc nghề nghiệp ứng xử đặc thù trong từng cơ quan báo chí.