Đọc ở nhà sách thoải mái như ở nhà
Mô hình nhà sách - cà phê đã được xây dựng nhiều trong những năm gần đây. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tín đồ của sách đã liệt kê được một danh sách dài những nhà sách đẹp, có không gian ngồi đọc miễn phí, có khu vực thư giãn - giải trí dành cho khách hàng.
Cá Chép, nhà sách nổi tiếng, ở Võ Văn Tần, Quận 3, được xếp vào hạng nhà sách đẹp nhất Thành phố Hồ Chí Minh, không xa lạ với dân nghiện sách. Tầng trên cùng của nhà sách Cá Chép là không gian cà phê và sách. Khách có thể thoải mái ngồi đọc sách trong không gian được thiết kế sang trọng, đẹp và yên tĩnh. Còn nếu không, khách có thể tìm cho mình một chỗ ngồi được bố trí đâu đó trong không gian nhà sách để đắm chìm vào trang sách. Không có nhân viên nào tỏ vẻ khó chịu hay đến nhắc nhở không được đọc "cọp" sách của nhà sách.
Phương Nam Book City chứa đến 1 triệu bản sách với vô vàn các đầu sách khác nhau trong một không gian hơn 3.000 m2. Điều đặc biệt ở nhà sách này là những chiếc ghế được đặt khắp nơi để bạn đọc tha hồ dừng chân đọc sách. Ở đây còn có cả những khu vực thiết kế đặc biệt để khách có thể nằm đọc sách giống như ở nhà mình vậy.
Nhà sách Kim Đồng ở Cống Quỳnh có một không gian vô cùng đẹp. Các bức tường đều được vẽ những bức manga hoặc sơn màu sắc sống động. Nhà sách Kim Đồng được nhiều bạn trẻ lựa chọn đến thư giãn, đọc sách hay mua sách mang về. Một trong những điểm cộng của nhà sách Kim Đồng trong mắt người đọc trẻ là không gian "sống ảo" tuyệt vời, giá sách rẻ và giá đồ uống cũng rẻ.
Chị Trần Ngọc Thiên Thanh (ở quận Gò Vấp, TP. HCM) cho biết, dạo gần đây chị ghé nhà sách thường xuyên hơn vì có không gian thoải mái để đọc và chọn được quyển sách ưng ý trước khi mua: "Các nhà sách truyền thống trước kia thì mình không có được chỗ ngồi đọc như thế này. Đi nhà sách thì mình rất cần những chỗ ngồi đọc để tìm hiểu kỹ trước khi mua vì số tiền mình bỏ ra mua 1 cuốn sách hiện tại cũng không phải là rẻ. Nhà sách có chỗ cho khách ngồi đọc thì mình sẽ tới ủng hộ lâu dài".
Kinh doanh thời nhà sách cần bạn đọc
Xưa, nhà sách là nơi đơn thuần để bán sách, nên thường được gọi đúng với lối kinh doanh đó là "cửa hàng sách". Đó là thời thú vui giải trí không có gì nhiều, và sách là lựa chọn giải trí dễ dàng nhất. Ở những nhà sách kiểu này, khách thường "bị" nhân viên bán hàng kè kè đi theo.. Người mua sách mà dừng lại đọc lâu một chút thì có thể bị nhân viên tỏ vẻ khó chịu, thậm chí nhắc nhở.
Nhưng bây giờ thì tivi, internet, điện thoại thông minh - rất nhiều phương tiện nhanh chóng mang lại nhiều thú vui vừa rẻ tiền (thậm chí không mất tiền) vừa sinh động, hấp dẫn, mới lạ, tức thời, đơn thuần để vui, không phải động não nhiều. Sách không phải là đối thủ với những phương tiện giải trí hiện đại đó, xét về nhiều yếu tố . Nhưng, sách, về mặt giá trị, vẫn là yếu tố quan trọng, cần có trong một xã hội hướng tới sự phát triển toàn diện của con người.
Để tồn tại, cân bằng giữa yếu tố kinh doanh và góp phần xây dựng nền tảng văn hóa xã hội, buộc các nhà sách phải biến mình thành một tụ điểm văn hóa - giải trí hấp dẫn. Nhà sách, sách đang ở trong giai đoạn đi tìm người đọc, mời gọi khách hàng, chứ nhà sách không phải chỉ là cửa hàng bán sách như trước đây nữa.
Không chỉ những nhà sách lớn như Minh Khai, Cá Chép, Fahasa, Kim Đồng, Nhã Nam hay Hải An… cho phép khách ngồi lại đọc sách bao lâu tùy ý, mà những cửa hàng sách nhỏ cũng để khách thoải mái lựa chọn, dừng lại đọc cả buổi. Nếu có đủ không gian, các nhà sách còn bố trí thêm ghế sofa để khách có thể ngồi đọc thoải mái.
Đi học ngành nấu ăn nên anh Phạm Ngọc Chí, nhân viên giao hàng, phải thường xuyên tìm mua các loại sách dạy nấu ăn. Trước đây, mỗi khi vào nhà sách, anh thường cảm thấy e ngại, có khi chỉ lén dùng điện thoại chụp vội vài trang sách hay để về đọc. Nhưng từ ngày các nhà sách bố trí chỗ ngồi đọc sách, anh cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi vào mua sách: "Lúc trước vô nhà sách cứ như đi coi lén vậy á, lấy điện thoại chụp lại, còn bây giờ thì có thể ngồi coi. Được đọc sách trong không gian thoải mái, không bị nhân viên theo dõi mình thì cảm thấy vô tư hơn. Đối với sinh viên hoặc những người thu nhập thấp thì người ta cũng bớt áp lực khi bỏ ra số tiền để mua 1 cuốn sách".
Nhà sách, một kiểu "thư viện" mới
Những nhà sách lớn được đầu tư bài bản mời gọi khách hàng bằng cách tạo ra những không gian đọc sách đẹp, không gian check-in, không gian cà phê sách. Không có điều kiện như vậy, nhiều nhà sách nhỏ cũng tự thay đổi cách kinh doanh của mình bằng cách để khách hàng tự do tìm kiếm, lựa chọn, đọc sách thoải mái ngay tại chỗ.
Đến nhiều nhà sách, không khó để thấy những người lặng lẽ nép vào kệ sách để không ảnh hưởng đến những khách hàng khác lựa chọn. Nếu có khách hàng nào, hoặc nhân viên nhà sách, cần quyển sách ở nơi họ đứng, họ ý tứ dịch ra nhường chỗ. Có người đứng cả buổi như vậy, mải mê đọc sách. Rảnh là họ tìm đến nhà sách, thu mình hết cỡ để không ảnh hưởng đến ai, bởi họ ý thức là mình có thể đang làm phiền công việc kinh doanh của cửa hàng. Nhân viên nhà sách quen mặt cả những người này. Một nhân viên nhà sách ở Quận 1, TP. HCM cho biết có những vị khách quen hiếm khi mua, nên gọi họ là độc giả thì đúng hơn, nhưng nhà sách không lấy đó làm phiền, vì có họ, nhà sách thêm đông vui. Vả lại, họ không làm phiền tới việc kinh doanh của nhà sách.
Nét văn hóa kinh doanh mới này đang chiếm được nhiều thiện cảm từ khách hàng và góp phần vực dậy văn hóa đọc trong cộng đồng. Nếu những năm trước, người mua sách ít thì giờ đây đa số các nhà sách đều có khách đến đều đặn và đặc biệt đông vào buổi tối hay những ngày cuối tuần. Chị Đặng Thị Mộng Tuyền, Nhà sách Hải An trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, cho biết: "Nhà sách chúng tôi đang hướng tới không chỉ nơi kinh doanh sách mà còn là nơi tôn vinh sách và gầy dựng lại văn hóa đọc cho mọi người để mọi người cảm thấy thoải mái khi đến đây đọc sách. Thực sự khi một người đã đọc được nửa cuốn sách nghĩa là cuốn sách đó rất hay rồi thì người ta cũng không nỡ lòng nào để lại cuốn sách đó đâu".
Kinh doanh món hàng đặc biệt là sách, nhiều cửa hàng sách đã và đang áp dụng hình thức kinh doanh cũng đặc biệt. Tạo không gian lý tưởng cho khách hàng thưởng thức trước món hàng họ có thể sẽ mua vừa có lợi cho khách hàng, vừa có lợi cho nhà sách. Tự biến mình thành một tụ điểm văn hóa, kích thích phát triển và nuôi dưỡng tình yêu với sách - đó vừa là chiến lược bán hàng lâu dài, bền vững của các nhà sách, vừa góp phần phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng./.