Nằm ngay trên trục cầu Thăng Long - đường Võ Văn Kiệt, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phát triển không ngừng. Ẩn dưới những khu nhà cửa hiện đại, to đẹp hôm nay là hệ thống địa đạo mang dấu ấn lịch sử hào hùng về thời kháng chiến chống Pháp. Lúc đó, địa đạo Nam Hồng là nơi che giấu nhiều cán bộ xã, huyện nằm vùng, nơi hoạt động bí mật của du kích và được coi là hệ thống địa đạo đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh của nước ta.
Vùng quê máu lửa xã Nam Hồng trong kháng chiến chống Pháp thường xuyên hứng chịu những đợt càn quét của địch, theo chiến thuật Vết dầu loang. Cả làng ngày ấy chỉ toàn cảnh đổ nát, một màu đen của tro tàn. Quân dân Nam Hồng không phân biệt trẻ già, trai gái đều tích cực tham gia tạo dựng một làng kháng chiến, một khu du kích anh hùng đánh địch quyết liệt. Một sáng tạo được ghi nhận rõ nét nhất đó là hệ thống giao thông hầm gọi là “địa đạo”.
Địa đạo Nam Hồng với tổng chiều dài gần 11km chạy xuyên suốt qua nhà dân trên khắp xã Nam Hồng được xây dựng từ những năm kháng chiến chống Pháp và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996. Thế nhưng những gì còn lại của hệ thống địa đạo lớn nhất miền Bắc giờ chỉ còn lại những cửa hầm rêu mốc (hơn 10 cửa hầm nay chỉ còn lại 2, trong đó, một cửa nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà ông Phạm Văn Dộc tại thôn Vệ), cùng 200m địa đạo và hơn 100m hào giao thông dẫn qua vườn đất của nhiều hộ dân. Hầu hết các địa đạo đã hỏng, sập không còn nguyên vẹn như xưa khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa.
Hiện nay, địa đạo Nam Hồng chỉ còn 80 m và hơn 100 m hào giao thông dẫn qua vườn đất của nhiều hộ dân, hơn 10 cửa địa đạo nay chỉ còn lại 2, trong đó một cửa địa đạo bên dưới gầm giường nhà bà Phạm Thị Lai ở thôn Vệ, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Lai. Sau ngần ấy năm, ngôi nhà của bà Lai dù đã sửa sang, tôn tạo để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của gia đình nhưng hình dáng vẫn giữ gần như nguyên vẹn. Chúng tôi khá bất ngờ khi cửa hầm lại nằm ngay gầm giường. Vì vậy, mỗi khi có đoàn khách tới tìm hiểu di tích địa đạo, UBND xã Nam Hồng phải thông báo trước để bà Lai cùng con, cháu chuẩn bị đón tiếp, tháo tung chiếc giường bên trên mới mở được cửa hầm.
Ông Phạm Quang Hài (con trai bà Lai) cho biết theo lời mẹ kể, từ đầu năm 1947, đội du kích xã Nam Hồng sau khi được thành lập đã cùng thanh niên, nam nữ trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào sát vào lũy tre. "Theo lời mẹ kể, để có địa đạo này, các cụ đã dùng chiếc búa chim, đào ngày, đào đêm sau đó giấu đất vào bị cói hoặc chiếc khăn vuông rồi lén đổ xuống sông cho địch không phát hiện. Thực sự bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu làm sao có thể đào được địa đạo dài như vậy". Ông Hài nói.
Nơi thứ 2 còn giữ lại lối vào địa đạo Nam Hồng là căn bếp cũ ở góc vườn của ông Phạm Văn Dộc (80 tuổi). Cụ Dộc chia sẻ, trước đây ngôi nhà của gia đình vốn rộng hơn. Trong một trận càn, giặc Pháp đã xông vào nhà, bắt cụ Trần Xuyên - người phụ trách du kích xã Nam Hồng và bắn chết ngay tại chỗ. Chúng đã nhét xác cụ Xuyên xuống cửa địa đạo rồi đốt nhà cụ Dộc. Ngày nay, bên ngoài bức tường nhà cụ Dộc vẫn còn tấm bia đá ghi dòng chữ: "Nơi đây, đồng chí Trần Xuyên, Chính trị viên thôn - đội du kích đã hy sinh sau gần 1 ngày cùng đồng đội đánh trả 1 tiểu đoàn địch vây càn".
Nằm tại nhà cụ Dộc, trong căn bếp cũ ở góc vườn hiện còn lại một cửa hầm dẫn xuống địa đạo. Đây chính là nơi hy sinh của các chiến sỹ và một tiểu đoàn địch.
Nhấc tấm bê tông chắn cửa địa đạo, ông kể: "Ngày xưa, khi các cụ đào địa đạo này, tôi mới có vài tuổi. Bố tôi tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ canh giữ cửa hầm và che giấu cán bộ. Khi còn sống, cụ vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày giặc Pháp càn quét ở Nam Hồng"
Theo chân cụ Dộc xuống địa đạo, khung cảnh đầu tiên hiện ra khi xuống bên dưới địa đạo là một đoạn tường được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm (đây là đoạn địa đạo nguyên bản còn sót lại được xây từ hơn 70 năm trước). Đi tiếp một đoạn sẽ thấy những tấm bê tông cốt thép lớn ở hai bên và trên đỉnh được chính quyền và cơ quan chức năng gia cố để chống sập.
Sau ngần ấy năm, hiện nay hệ thống địa đạo chỉ còn khoảng 80m, chính là đoạn địa đạo thông từ nhà ông Dộc sang nhà bà Lai. Đoạn địa đạo này đã được bê tông hóa để bảo tồn, các đoạn khác đều đã bị bồi lấp hoặc sụt lún./.