Địa phương tích cực rà soát, đánh giá tiến độ kế hoạch khuyến công 2022

Trần Cao| 03/11/2022 19:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm đến công tác phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn.

Năm 2022, Chương trình Khuyến công quốc gia được giao 140 tỷ đồng

Chính sách khuyến công sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Khuyến công đã chứng minh là hướng đi đúng đắn, tích cực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xu thế hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Xu thế này mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, chính sách khuyến công đã và đang hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn, các hợp tác xã, hộ kinh doanh vươn lên, phát triển và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài. 

Trong cơ cấu của nền kinh tế nước ta, vai trò của công nghiệp nông thôn chiếm vị trí quan trọng. Các chính sách khuyến công không chỉ giúp phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và ngành công nghiệp cả nước nói chung, mà còn giúp tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn. Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết năm 2022, Chương trình Khuyến công quốc gia được giao 140 tỷ đồng để thực hiện 122 đề án tại 47 địa phương. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch khuyến công quốc gia 2022. 

Tổ chức nghiệm thu những đề án đã hoàn thành

Tại Hậu Giang, các nhiệm vụ trọng tâm đang được Sở Công Thương Hậu Giang tập trung triển khai từ nay đến cuối năm, mục tiêu hoàn thành kế hoạch khuyến công đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hậu Giang, địa phương đã hoàn thành đáng kể các nhiệm vụ khuyến công tính đến hết tháng 9/2022, trong đó các đề án hỗ trợ doanh nghiệp được tiến hành đúng tiến độ. Vừa qua, đề án hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Nguýnh Đào (khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ) đã được Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang tổ chức nghiệm thu. Đây là đề án đầu tư máy tách màu gạo, công suất 5-7 tấn/giờ. Máy có tổng trị giá 780 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng là kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ. Đề án được đánh giá tiến độ và nội dung đầu tư đúng theo yêu cầu. 

Trong năm 2022, Hậu Giang có 2 đề án được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Đề án hỗ trợ máy tách màu gạo là một trong hai đề án đó và đang được khuyến công Hậu Giang tổ chức nghiệm thu. Đề án còn lại đang triển khai thực hiện.

Ngoài ra, công tác khuyến công địa phương cũng được Hậu Giang đẩy mạnh. Và đến thời điểm này, nhiều đề án thực hiện tại một số cơ sở sản xuất đang được Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang tổ chức nghiệm thu. Một số đề án khác tiếp tục được theo dõi, quản lý để có thể hoàn thành mục tiêu của năm.

Qua thực tế triển khai, đại diện Sở Công Thương Hậu Giang cho biết hoạt động khuyến công đã góp phần trợ giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đặc biệt là các đề án hỗ trợ thiết bị máy móc vào sản xuất. So với việc sử dụng các thiết bị cũ và cách làm cũ, năng suất đã tăng trung bình từ 20-25% trở lên sau khi các cơ sở ứng dụng thiết bị mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã cải thiện được chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vấn đề môi trường sản xuất cũng được cải thiện, giảm phát thải, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm. 

Sở Công Thương Vĩnh Long cũng cho biết đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng khắc phục khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2022, hoàn thành kế năm khuyến công đã đề ra. Đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công, như hỗ trợ doanh nghiệp bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ đăng tải lên website của Cục Công Thương địa phương; triển khai các đề án khuyến công địa phương …

Với mục tiêu hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, Sở Công Thương Vĩnh Long đã  khảo sát tại các cơ sở công nghiệp nông thôn để nắm bắt nhu cầu, rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các đề án khuyến công năm 2022, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022.

Mới đây tại tỉnh Gia Lai, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến bảo quản thực phẩm, đồ uống” cũng đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Gia Lai) phối hợp với đơn vị thụ hưởng là Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) tổ chức nghiệm thu. Đây là Đề án theo Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2022 của Gia Lai. 

Tổng kinh phí đầu tư của Đề án là 610 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng đến từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và 310 triệu đồng là nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp. Phân tích đánh giá cho thấy Đề án đã phát huy hiệu quả khi máy móc hỗ trợ có công nghệ tiên tiến. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Dự kiến với nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư máy móc, doanh nghiệp sẽ có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các hoạt động sản xuất công nghiệp tại Gia Lai cũng được kích thích phát triển sau thành công của Đề án. 

Địa phương tích cực rà soát, đánh giá tiến độ kế hoạch khuyến công 2022 - Ảnh 1.

Chính sách khuyến công đã và đang hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn

Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách về khuyến công

Nhìn chung các địa phương trên cả nước đang nỗ lực rà soát, đánh giá tiến độ các đề án nhằm hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022. Công tác khuyến công thực sự đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, mang lại nhiều kết quả thực tế tích cực. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thường có quy mô nhỏ, hạn chế về tài chính, thiếu vốn đối ứng nên một số cơ sở chưa tham gia vào các đề án đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất. Các đơn vị triển khai kế hoạch khuyến công của các địa phương đều tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng các biện pháp nhưxây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, khuyến khích ứng dụng máy móc hiện đại, khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch cũng được thí điểm. Công tác phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở sản xuất cũng được chú trọng, tạo thêm việc làm và nâng cao tay nghề cho lao động.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách về khuyến công được các địa phương thực hiện liên tục, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để thu hút sự chú ý của  người dân, doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất cũng được tư vấn để hiểu và thụ hưởng lợi ích từ chính sách khuyến công.

Sở Công Thương Vĩnh Long cũng đề nghị Cục Công Thương địa phương tham mưu Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể từng nội dung của hoạt động khuyến công cũng như có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để Trung tâm khuyến công các tỉnh có căn cứ pháp lý để áp dụng tại địa phương. /.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Địa phương tích cực rà soát, đánh giá tiến độ kế hoạch khuyến công 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO