Dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet: Cần một “sân chơi” công bằng

MP| 20/11/2020 09:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Truyền hình trên Internet (OTT) đang là một hướng đi mới tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia ngày càng đông đảo các doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới. Tuy nhiên, để các DN trong lĩnh vực này phát triển bền vững thì cần phải có một cơ chế hợp lý để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.

Doanh nghiệp trong nước "lép vế" trên sân nhà

Với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… truyền hình OTT ngày càng thu hút nhiều thuê bao giúp người xem có thể truy cập nội dung một cách tiện lợi bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.

Nếu như năm 2016, nền tảng xem phim của Netflix (Mỹ) có 75 triệu thuê bao, Amazon Prime (Mỹ) có 50 triệu thuê bao thì chỉ 2 năm sau, số lượng thuê bao của Netflix đã lên đến 93,8 triệu, còn Amazon Prime là 66 triệu. Điều này có thể thấy tương lai của truyền hình đã phát triển một cách mạnh mẽ và đa dạng như thế nào trên nền tảng Internet.

Dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet: Cần một “sân chơi” công bằng - Ảnh 1.

Các DN truyền hình trong nước trước nguy cơ "lép vế" trên sân nhà. (Ảnh minh họa)

Không nằm ngoài xu hướng này, tại Việt Nam, hiện có 35 DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, cung cấp đủ 5 loại hình dịch vụ gồm: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và truyền hình trên mạng Internet. Trong đó có 21 DN trong nước đang kinh doanh dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (là một phần của nội dung trên dịch vụ truyền hình Internet), với những dịch vụ nổi bật như: FPT play, MyTVnet, MyK+, Onme, On...

Thống kê doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái bất chấp dịch COVID-19. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ cũng tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến tháng 8/2020, đã có tổng cộng 30 triệu lượt tải và đăng ký ứng dụng xem truyền hình của các DN trong nước. Doanh thu của dịch vụ truyền hình OTT đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019.

Mặc dù chiếm số lượng nhiều hơn trên thị trường nội địa song trên thực tế, các DN cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí trong nước đang bị các nhà cung ứng nước ngoài (dịch vụ xuyên biên giới) "lấn sân" hoàn toàn. Các DN OTT truyền hình nước ngoài đã chiếm tới hơn 50% thị phần trong nước với nhiều nền tảng lớn trên thế giới như: Netflix, YouTube, Amazon (Mỹ); Iflix (Malaysia); WeTV, IQIYI (Trung Quốc)...

Với lợi thế về công nghệ, nguồn lực, các nền tảng xuyên biên giới đã và đang "làm mưa làm gió" tại thị trường Việt Nam, đe dọa đến sự tồn tại của nhiều DN truyền hình trả tiền trong nước. Riêng Netflix, chỉ sau thời gian ngắn thâm nhập thị trường Việt Nam đã có trên 300.000 thuê bao (số liệu tháng 5/2020) và đã thu phí người dùng với mức phí thuê bao tháng từ 180.000 – 260.000 đồng (tùy gói dịch vụ). Không chỉ nhanh chóng thu hút một lượng không nhỏ khách hàng, các nền tảng này cũng lấy đi nguồn quảng cáo ít ỏi còn lại, đẩy "nhà đài" trong nước cùng các lĩnh vực nội dung số, truyền thông, báo chí... gặp không ít thách thức.

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ bản thị trường truyền hình tại Việt Nam hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các DN quy mô nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, trong thời gian tới, một số DN có quy mô nhỏ không vượt qua được khó khăn sẽ phải rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là các DN xuyên biên giới hiện nay lại không phải tuân thủ các các quy định pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này như giấy phép, đóng thuế, phí và kiểm duyệt nội dung, trong khi các DN trong nước thì chấp hành rất nghiêm chỉnh. Nếu tình trạng này kéo dài, các DN Việt Nam sẽ thua trên sân nhà về cả lượng khách thuê bao lẫn về doanh thu.

Cần một "sân chơi" công bằng

Sự tham gia của các DN nước ngoài đã khiến thị trường trong lĩnh vực này trở nên sôi động hơn, có thêm nhiều lựa chọn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt khác lại tạo môi trường cạnh tranh không công bằng với các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT truyền hình trong nước vốn còn những hạn chế về tiềm lực, vốn và công nghệ.

Đặc biệt, vấn đề được đặt ra là trong khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nội địa phải nộp thuế, khi đưa video lên dịch vụ OTT phải chịu kiểm duyệt nội dung một cách chặt chẽ, thì khi tham gia vào thị trường Việt Nam, các nền tảng nước ngoài như: Iflix, Netflix, Amazon,... hiện chưa có quy định nào về cơ chế kiểm duyệt cũng như không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào với Việt Nam.

Chưa kể, một số dịch vụ xuyên biên giới không chỉ cung cấp phim, chương trình có phụ đề tiếng Việt mà mức thuê bao còn rẻ hơn từ 20 - 30% so với giá thuê các dịch vụ truyền hình trả tiền, nền tảng phim thu phí của Việt Nam.

Dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet: Cần một “sân chơi” công bằng - Ảnh 2.

Cần tạo sân chơi bình đẳng trong lĩnh vực cung cấp truyền hình trả tiền để các DN trong nước có cơ hội phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Rõ ràng, việc phải chịu thuế khiến giá thuê bao của các dịch vụ OTT truyền hình trong nước khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Kho dữ liệu khổng lồ, đa dạng lựa chọn từ phim đến chương trình truyền hình, tốc độ đường truyền khá ổn định, độ phân giải hình ảnh, âm thanh tốt nhưng giá thành lại rẻ của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đã đẩy các DN trong nước vào một cuộc chạy đua khốc liệt.

Hệ quả là doanh thu của không ít DN truyền hình trong nước bị sụt giảm nghiêm trọng, đồng thời DN còn phải đối mặt nguy cơ bị mất thị phần ngay trên sân nhà.

Sự tham gia của các DN truyền hình nước ngoài là bình thường và cần thiết, giúp người dùng có thể lựa chọn nhiều chương trình giải trí có chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc cần phải quản lý các DN này như thế nào để đem tới sự hài hòa giữa lợi ích DN với lợi ích của người tiêu dùng, cũng như bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh.

Theo đại diện nhà mạng MobiFone, việc xây dựng cơ chế, chế tài quản lý chặt chẽ, sòng phẳng đối với tất cả các DN cung cấp dịch vụ lậu, với các công ty kinh doanh xuyên biên giới tại lãnh thổ Việt Nam sẽ giúp cho thị trường truyền hình trả tiền OTT Việt Nam phát triển bền vững, công bằng hơn.

Về các giải pháp chống thất thu thuế từ các DN xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải sớm sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.

Hiện nay, Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet: Cần một “sân chơi” công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO