Sáng 22/3/2019, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”. Tham dự hội thảo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cùng đại diện các cơ quan, ban ngành và các tổ chức có liên quan.
Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 nêu ra quan điểm chỉ đạo cụ thể xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số phải gắn với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức. Vì vậy, định danh và xác thực điện tử là một yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, định danh và xác thực điện tử là một giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử mà vẫn đảm bảo các vấn đề về quyền riêng tư, tính chính xác, minh bạch, khả năng kiểm soát, trách nhiệm giải trình và bảo toàn an ninh, an toàn thông tin.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện tại hệ thống cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin và định danh xác thực điện tử phần lớn đang được thực hiện đơn giản thông qua tài khoản và mật khẩu. Vì vậy sẽ không đủ đảm bảo định danh xác thực. Chính những lý do đó, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng và bổ sung khung khổ pháp lý trong thời gian tới. Cùng với đó là xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng thực hiện hóa các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số. Bên cạnh đó cần khuyến khích đổi mới sáng tạo trong hoạt động triển khai dịch vụ trực tuyến ở khu vực công nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quý 4 năm 2019 sẽ thông qua Cổng dịch vụ công. Việc phải thực hiện ngay đầu tiên đó là dịch vụ công kết nối từ Trung ương đến địa phương để việc cấp đổi bằng lái xe, cũng như việc đấu giá biển số xe, những vấn đề người dân và doanh nghiệp cần nhất sẽ làm trước. Tuy không làm đồng loạt nhưng làm một hai dịch vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm, để rút kinh nghiệm. Nhưng bắt buộc phải có mã định danh, nếu không kịp có mã định danh thì sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ kết nối của các tổ chức, cá nhân. Nếu không làm được việc này thì sẽ không thành công trong việc thực hiện Chính phủ điện tử, chính phủ số.
“Vấn đề định danh và xác thực điện tử giữ vai trò hết sức quan trọng trong Chính phủ điện tử, đặc biệt khi chúng ta đang tiến tới chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi một tổ chức hay cá nhân đều phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tử như dịch vụ công điện tử là mục tiêu chúng ta đang hướng tới. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc định danh và xác thực điện tử trong việc triển khai Chính phủ điện tử là rất cần thiết và quan trọng. Đây là nội dung mang tính cấp bách trong nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.
Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TTTT Lã Hoàng Trung chia sẻ tại Hội thảo
Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TTTT Lã Hoàng Trung nêu vấn đề, trên thực tế hầu hết giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và người dân cũng như doanh nghiệp trên các cổng dịch vụ công chưa có quy định thống nhất, cơ chế xác thực định danh người sử dụng đảm bảo an toàn. Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể về định danh và xác thực điện tử. Giao dịch điện tử trong khu vực tư đã có quy định về đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực, tuy nhiên, chưa có quy định tổng thể chung về định danh và xác thực điện tử để tham chiếu… Vì vậy cần xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Hiện nay Bộ TTTT đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để trình Chính phủ.
Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Đình Lợi, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đưa ra giải pháp xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đó là giải pháp Mobile PKI. Giải pháp sử dụng chứng thư số (khóa bí mật) được lưu trong thiết bị phần cứng trong điện thoại di động (thẻ SIM) bảo đảm tính hợp pháp. Lý do lựa chọn là giải pháp không yêu cầu phải có thiết bị thông minh; chi phí nâng cấp SIM thấp; Việt Nam chưa có hạ tầng về Thẻ căn cước điện tử cũng như chưa có lộ trình xây dựng giải pháp này.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo còn có nhiều ý kiến của các cá nhân đại diện cho các tổ chức quốc tế đến từ Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch... về các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai cũng như kinh nghiệm trong quá trình triển khai và thách thức gặp phải.