Định giá carbon sẽ thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ phát thải thấp

Hải Anh| 29/10/2022 13:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia đã nhận thức và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới.

Công cụ giúp giảm phát thải carbon, bảo vệ khí hậu

Định giá carbon được xem là một công cụ để kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới, định giá carbon là một công cụ tính toán các chi phí bên ngoài của phát thải khí nhà kính. Những chi phí phát thải mà công chúng phải trả, như thiệt hại về mùa màng, biến đổi khí hậu gây ra các đợt nắng nóng và hạn hán hay mưa lũ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Định giá carbon sẽ chuyển những chi phí gây ra do hậu quả của phát thải khí nhà kính trở lại cho những người, doanh nghiệp gây ra phát thải và chịu trách nhiệm về phát thải. 

Nói một cách dễ hiểu hơn, định giá khí thải carbon là cơ chế trong đó các công ty sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon dioxide mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ việc phải chịu trách nhiệm, trả tiền cho việc phát thải, định giá carbon sẽ buộc doanh nghiệp phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, tìm cách ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức để giảm hoặc không phải trả chi phí phát thải carbon. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nỗ lực hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó. Chính phủ sẽ không phải sử dụng các công cụ áp đặt mà chỉ cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải thực hiện.

Định giá carbon được xem như một tín hiệu kinh tế và những người, doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ tự quyết định xem có nên tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm của họ, hay nên cố gắng cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh để giảm lượng khí thải. Như vậy, các mục tiêu tổng thể về môi trường sẽ đạt được một cách linh hoạt nhất và ít tốn kém nhất cho xã hội. Cuối cùng, định giá carbon cũng khuyến khích các bên sử công nghệ sạch và đổi mới thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế carbon thấp.

Đối với chính phủ, định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon, là một trong những công cụ trong các chính sách, chương trình hành động bảo vệ khí hậu cần thiết để từ đó giảm phát thải carbon. Định giá carbon cũng mang lại nguồn thu cho chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách kinh tế hạn chế. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, định giá carbon là cách để đánh giá tác động của giá carbon bắt buộc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và như một công cụ để doanh nghiệp xác định những rủi ro tiềm ẩn về khí hậu và cơ hội doanh thu. 

Trên thị trường vốn, định giá carbon cũng mang lại cho các nhà đầu tư dài hạn một công cụ để phân tích về danh mục đầu tư, xem xét các tác động tiềm tàng lên môi trường của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cuối cùng, định giá carbon cho phép các nhà đầu tư đánh giá các chiến lược đầu tư và phân bổ vốn cho các hoạt động carbon thấp hoặc thích ứng với khí hậu.

Việt Nam sớm chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon

Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.

Định giá carbon sẽ thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ phát thải thấp - Ảnh 1.

Từ việc phải chịu trách nhiệm, trả tiền cho việc phát thải, định giá carbon sẽ buộc doanh nghiệp phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất, kinh doanh của mình

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chung của toàn cầu, Việt Nam là quốc gia đã nhận thức và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Bởi vì, thị trường carbon không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà có sự liên quan mật thiết của chính sách, chủ trương và sự đồng hành của các cơ quan có thẩm quyền.

Năm 2022, Việt Nam ngày càng chứng tỏ trách nhiệm và sự phấn đấu vì môi trường. Những cam kết về việc đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ đang có ý nghĩa mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các cơ quan, bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp về một nền kinh tế xanh, ít phát thải. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã đề cập đến thị trường carbon. Mới đây nhất, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. 

Tại Tọa đàm trực tuyến “Định giá carbon - Nguồn lực định hình chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam” được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, nhiều giải pháp cần được kết hợp thực thi, huy động nguồn lực khả thi và sáng tạo. Công cụ định giá carbon là một trong những giải pháp giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ phát thải thấp.

Theo bà Trương An Hà, chuyên gia phân tích của Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội khi xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, giảm phát thải carbon hiệu quả. Khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực. Thực hành công cụ định giá carbon cũng giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu và tạo doanh thu cho doanh nghiệp. 

Chia sẻ những kinh nghiệm và hiểu biết về công cụ định giá carbon trên thế giới, ông Wolfgang Mostert, chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu cho rằng, thị trường carbon đóng vai trò quan trọng nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này cần đến một quá trình dài, trong đó sẽ đòi hỏi phải đầu tư nhiều về kỹ thuật, tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, Việt Nam với nền kinh tế năng động và có sự quyết liệt thực thi của các cơ chế, chính sách, tiềm năng hình thành thị trường carbon của Việt Nam được đánh giá cao cũng như sẽ chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm phát thải, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp lớn của Việt Nam là VinFast mới đây đã công bố tham gia Cam kết Khí hậu toàn cầu để thực hiện mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2040. VinFast là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và là một trong số ít các nhà sản xuất ô tô trên thế giới tham gia vào Cam kết Khí hậu toàn cầu, khẳng định quyết tâm góp phần hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện có hơn 375 đơn vị, tổ chức đã tham gia vào Cam kết Khí hậu toàn cầu. Tham gia vào Cam kết này, VinFast sẽ thực hiện các đo lường và báo cáo phát thải carbon định kỳ; từ đó hoạch định chiến lược triển khai nhằm giảm phát thải thông qua các cải tiến và đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất và kinh doanh, như biện pháp cải thiện hiệu quả sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên vật liệu thân thiện với  môi trường. Mục tiêu cuối cùng là trung hòa các phát thải một cách dài hạn và có lợi cho xã hội, đảm bảo đạt mức phát thải carbon hàng năm bằng 0 vào năm 2040./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Định giá carbon sẽ thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ phát thải thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO