Đo kiểm đánh giá đồng thời chất lượng dịch vụ thoại cho các mạng di động (phần 2)

03/11/2015 21:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Giải pháp đo kiểm QoS Benchmarking mạng viễn thông di động mặt đất của nhiều doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sở cứ của ETSI 102 250 cũng như các giải pháp đo kiểm của các nước trên thế giới. Tuy nhiên cần chú ý là các dịch vụ và yêu cầu luôn được phát triển, thay đổi và các tiêu chuẩn của ETSI cũng liên tục được cập nhật, vì vậy trong quá trình thực hiện luôn luôn phải cập nhật.

ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN ĐO QoS BENCHMARKING NHIỀU MẠNG DI ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

Phương án đo kiểm

Để có thể so sánh đánh giá tương quan chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp, cần phải tiến hành đo kiểm Benchmarking. Bên cạnh đó để đảm bảo tính công bằng thì ngoài các điều kiện đo tuân thủ theo các quy định của các tổ chức chuẩn hóa thì việc phân nhóm các doanh nghiệp để thực hiện đo kiểm đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện nay tại Việt Nam có 6 DNCCDV, căn cứ vào số lượng trạm, số lượng thuê bao, năng lực mạng lưới và công nghệ mạng có thể chia theo 3 phương pháp đo bao gồm:

- Phương án 1: Đo kiểm đồng thời cả 6 doanh nghiệp.

- Phương án 2: Đo kiểm các nhóm doanh nghiệp theo công nghệ sử dụng.

- Phương án 3: Đo kiểm các nhóm doanh nghiệp theo năng lực mạng lưới.

Phương án 1: Đo kiểm đồng thời cả 6 doanh nghiệp

Với việc triển khai đo kiểm đồng thời cả 6 doanh nghiệp có ưu điểm rất lớn đó là có thể đánh giá chất lượng của cả 6 doanh nghiệp trong cùng một lần đo kiểm tra. Tuy nhiên 6 doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ thoại di động tại Việt Nam sử dụng công nghệ GSM/UMTS và CDMA. Với việc đo kiểm đồng thời cả 6 doanh nghiệp thì kết quả so sánh sẽ bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố là thiết bị đo khác nhau và công nghệ mạng khác nhau.

Phương án 2: Đo kiểm các nhóm doanh nghiệp theo công nghệ sử dụng

Khi triển khai phương án này thì có 2 nhóm doanh nghiệp đó là:

-Nhóm công nghệ GSM/UMTS: Mobifone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile và Gmobile.

-Nhóm công nghệ CDMA: SPT

Việc phân chia các nhóm như trên tồn tại một số bất cập. Với nhóm công nghệ GSM/UMTS thì không phải tất cả các doanh nghiệp trong nhóm này được cấp phép băng tần UMTS. Do vậy khi thực hiện đo kiểm so sánh đồng thời giữa các doanh nghiệp trong nhóm này thì Gmobile sẽ gặp nhiều bất lợi hơn cả vì không có băng tần UMTS.

Phương án 3: Đo kiểm các nhóm doanh nghiệp theo năng lực mạng lưới

Triển khai phương án đo theo các nhóm doanh nghiệp với sở cứ: Năng lực mạng lưới, số lượng thuê bao. Với phương này, dựa trên năng lực mạng lưới, số lượng trạm và số lượng thuê bao có thể nhận thấy 3 nhà mạng là MobiFone, Vinaphone và Viettel có vùng phủ sóng gần như toàn các khu vực trong lãnh thổ Việt Nam với công nghệ mạng GSM/UMTS. 3 doanh nghiệp này có số lượng thuê bao chiếm tới xấp xỉ 90% thị phần thuê bao. Nhóm thứ 2 gồm Vietnamobile và Gmobile là hai doanh nghiệp có thị phần gần tương đương nhau về cả năng lực mạng lưới, vùng phủ sóng cũng như số lượng thuê bao. Ngoài ra 2 nhà mạng này cũng sử dụng công nghệ GSM. Nhóm thứ 3: SPT sử dụng công nghệ CDMA

Như vậy với phương án thứ 3 sẽ bao gồm các nhóm doanh nghiệp sau:

-Nhóm 1: Mobifone, Vinaphone và Viettel

-Nhóm 2: Vietnamobile và Gmobile

-Nhóm 3: SPT

Trên cơ sở phân tích các ưu điểm, nhược điểm của cả 03 phương án nói trên, để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam phương án đo QoS Benchmarking được đề xuất theo Phương án 3 bao gồm 3 nhóm doanh nghiệp. Và sở cứ để phân loại các nhóm doanh nghiệp này cũng đã được các nước trên thế giới như Ai Cập, Đan Mạch...triển khai áp dụng khi thực hiện đo kiểm Bechmarking.

Yêu cầu triển khai theo phương án lựa chọn

Xác định địa bàn đo và các tuyến đường trước khi thực hiện đo kiểm. Các tuyến đường đo kiểm ưu tiên đo trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp, điểm du lịch, khu đông dân cư, nhà ga, siêu thị, cổng trường đại học, ký túc xá, các đường quốc lộ, liên huyện, các tuyến đường chính…;

Các điều kiện đo: Đo trong nhà, đo ngoài trời tại các điểm đo cố định và đo ngoài trời di động. Các điều kiện đo này thực hiện vào các giờ khác nhau trong ngày;

Khoảng thời gian giữa các cuộc gọi lấy mẫu tuân thủ ETSI 102 250-5 "Speech and multimedia Transmission and Quality Aspects (STQ); QoS aspects for popular services in GSM and 3G networks; Part 5: Definition of typical measurement profiles";

Thiết bị đầu cuối đặt chế độ Dual Mode. Trước khi tiến hành đo kiểm, các máy tính, thiết bị đầu cuối phải được hiệu chỉnh giờ theo giờ chuẩn của đồng hồ chủ Quốc gia.

Thông số đo kiểm:

Các thông số đo kiểm đề xuất tuân thủ theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 36: 2011/BTTTT bao gồm:

-Tỷ lệ cuộc gọi được thiết lập thành công;

-Tỷ lệ cuộc gọi bị rơi;

-Chất lượng thoại;

-Độ chính xác ghi cước;

-Tỷ lệ cuộc gọi bị lập hóa đơn sai.

KẾT LUẬN

Bài báo đã trình bày các yêu cầu cơ bản đối với giải pháp đo kiểm Benchmarking giữa các mạng thông tin động của ETSI và một số nước đang áp dụng triển khai. Trên cơ sở đó, bài báo đã đề xuất phương pháp đo kiểm Benchmarking áp dụng triển khai tại Việt Nam với các chỉ tiêu kỹ thuật được quy định trong QCVN 36:2011/BTTTT.

Các kết quả đo chỉ được so sánh với nhau khi sử dụng cùng phương pháp, điều kiện đo (ví dụ với cùng chỉ tiêu tỉ lệ cuộc gọi thành công), giá trị đo bằng phương pháp mô phỏng drivetest cần phải tiến hành trên cùng một hệ thống đo với mức suy hao ghép, nhiễu giữa các thiết bị đầu cuối ở mức phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế quy định và không so với giá trị thống kê thông qua giám sát qua các bộ đếm của mạng, ... Do vậy khi tiến hành đo kiểm QoS Benchmarking mạng viễn thông di động mặt đất của nhiều doanh nghiệp cần phải lựa chọn trang thiết bị đo đánh giá chất lượng dịch vụ tuân theo các tiêu chuẩn mới nhất và được nhiều tổ chức trên thế giới áp dụng. Ngoài ra cũng cần chú ý rằng kết quả đo Benchmarking chỉ phản ánh thuộc tính của mạng tại các khu vực, vị trí, thời điểm thực hiện phép đo trong thời gian thực hiện đo kiểm chứ không hoàn toàn phản ánh, so sánh QoS trên toàn mạng của các DNCCDV.

Giải pháp đo kiểm QoS Benchmarking mạng viễn thông di động mặt đất của nhiều doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sở cứ của ETSI 102 250 cũng như các giải pháp đo kiểm của các nước trên thế giới. Tuy nhiên cần chú ý là các dịch vụ và yêu cầu luôn được phát triển, thay đổi và các tiêu chuẩn của ETSI cũng liên tục được cập nhật, vì vậy trong quá trình thực hiện luôn luôn phải cập nhật.

Tài liệu tham khảo

1.Quyết định số: 33/2006/QĐ-BBCVT ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) ban hành “Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông”.

2.Thông tư số: 08/2013/TT-BTTTT ngày 26 tháng 3 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông”.

3.QCVN 36: 2011/BTTTT  “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất”.

4.ITU-T Recommendation E.800: "Terms and definitions related to quality of service and network performance including dependability".

5.3GPP TR 22.925 V3.1.1 (2000-01): “Universal Mobile Telecommunications System (UMTS); Service aspects; Quality of Service and Network Performance”.

6.ETSI TS 102 250-1/2/3/4/5/6: “Speech and multimedia Transmission Quality” (STQ); QoS aspect for popular services in mobile networks: Part 1/2/3/4/5/6:

7.Các website: http://www.mic.gov.vn, http://www.tra.gov.eg, http://www.ida.gov.sg ...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đo kiểm đánh giá đồng thời chất lượng dịch vụ thoại cho các mạng di động (phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO