Lắng nghe người dân
3 năm trước, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (GSĐH ĐTTM) của tỉnh dựa trên nền tảng giải pháp Smart City của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thí điểm triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát ĐTTM. Đó là, bao gồm phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.
Trong số đó, phản ánh hiện trường được người dân tương tác với mật độ dày đặc. Ở kênh phản ánh hiện trường, người dân là chủ thể, trực tiếp kiến nghị về những mặt tiêu cực, bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website.
Bây giờ, chỉ một dịch vụ ấy thôi cũng góp phần giúp nhận thức của người dân chuyển biến. “Đỗ xe sai quy định, vứt rác bừa bãi và những thói quen tiêu cực hàng ngày khác đều được giám sát, đặc biệt chính người dân giám sát. Từ đó, sau kiểm chứng của cơ quan công quyền sẽ có chế tài cụ thể. Điều ấy giúp mỗi người tự ý thức hơn trong cuộc sống, tiến gần đến một xã hội văn minh”, anh Hoàng Quốc Đào (TP. Huế) bày tỏ.
Trong quá trình xây dựng ĐTTM của tỉnh, người ta nhắc nhiều đến các công nghệ, dịch vụ hay hệ thống camera giám sát, song người dân chính là những “camera” hữu hiệu nhất, như cánh tay nối dài của chính quyền. Từ phản ánh của người dân, chính quyền chuyển động một cách tích cực hơn. Thống kê về độ hài lòng của người dân sau các phản ánh khoảng 80% cho thấy một chính quyền đang chuyển động.
So với các tỉnh, thành khác, dù tiềm lực không phải là mạnh nhưng tỉnh đã tìm được một mô hình phù hợp. Dựa trên sự kế thừa, ĐTTM được tích hợp bởi nhiều dịch vụ thông minh với nền tảng công nghệ. Người dân lẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống và quá trình hoạt động, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, ĐTTM luôn trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe và tương tác với người dân, doanh nghiệp. Bất cứ một dịch vụ nào cũng có sự kết nối và giải quyết bài toán của xã hội và người dân, trong đó, vai trò công nghệ là rất quan trọng.
Nâng cao vị thế
Sự thay đổi của Huế hiện nay bắt nguồn từ nhiều yếu tố, song chính hình hài một ĐTTM, văn minh hiện đại và đậm chất văn hóa khiến vị thế của Huế thay đổi trong mắt nhiều người. Từ du khách, đến các doanh nghiệp đã có cái nhìn tích cực hơn về Huế.
Dịch COVID-19 bùng phát, các dịch vụ ĐTTM góp phần giúp chính quyền địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư đối với Huế càng được củng cố hơn khi mà các cơ quan chức năng ở địa phương đổi mới trong công tác, quản lý điều hành, điển hình như phương thức xúc tiến đầu tư trực tuyến, đặc biệt nhắm vào thị trường, dự án trọng điểm. Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về đầu tư nước ngoài, qua đó tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư, góp phần cải thiện và thu hút các nhà đầu tư đến Huế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 112 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4 tỷ đô la Mỹ.
Theo ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm GSĐH ĐTTM, quan điểm phát triển thời gian tới của ĐTTM tiếp tục lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực. Bên cạnh đầu tư về hạ tầng, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện quy trình vận hành đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, thực hiện 100% trên môi trường mạng theo cơ chế đồng thời và dữ liệu điện tử làm chủ đạo.
Được biết, khung kiến trúc ICT phát triển ĐTTM của tỉnh giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo lộ trình 2 bước. Trong 2 năm đầu triển khai các hạng mục mang tính chất nền tảng phục vụ cho toàn bộ hệ thống dịch vụ ĐTTM của tỉnh và phục vụ triển khai các dịch vụ ĐTTM cần ưu tiên triển khai. Các năm kế tiếp triển khai các hạng mục phục vụ việc triển khai diện rộng dịch vụ ĐTTM thuộc các lĩnh vực được xác định trong Khung kiến trúc ICT phát triển ĐTTM phiên bản 1.0 của tỉnh.
“Chúng tôi tiếp tục định hướng nắm bắt xu thế, tận dụng thế mạnh của nền tảng di động, xây dựng một phương thức giao tiếp trên môi trường số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để sớm hình thành xã hội số. Hue-S là một siêu ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, Hue-S được phát triển theo mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, tích hợp tất cả các thông tin, dịch vụ, tiện ích nhằm hướng tới đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân và toàn xã hội. Hue-S cũng hướng tới xây dựng nền tảng kết nối của “xã hội số”, ông Bùi Hoàng Minh cho biết./.