Khó khăn bủa vây ngành dệt may Việt Nam
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết nửa đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt, tuy vậy bước vào quý III-2022 thị trường bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng rõ rệt. Theo thông tin cập nhật của SSI, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25 - 50% so với quý II-2022 (ước tính tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ), do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Nguyên nhân là các thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ và EU… lạm phát cao khiến người dân giảm chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều. Ngoài ra, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống COVID-19, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Một báo cáo phân tích về ngành dệt may được VNDirect Research công bố gần đây cũng nhận xét rằng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty May Đáp Cầu Lương Văn Thư, đơn vị nhìn nhận những khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may chịu tác động bởi việc giảm tỷ giá USD/VND. Mặc dù hầu hết các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí cũng được tính bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay. Do đó, trong quý II-2022, nhiều công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá (đã thực hiện và chưa thực hiện) tăng đáng kể dẫn đến khoản lỗ hoạt động tài chính khi tỷ giá USD/VND giảm 2% trong quý.
Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao.
Cùng với đó, tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Theo ông Võ Mạnh Hùng, đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tại Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng, có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ đã bị cơ quan Hải quan Mỹ giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo đạo luật UFLPA. Điều này gây ra không ít khó khăn trong chi phí khi khi phải tăng thời gian lưu khó, bên bãi,
Doanh nghiệp dệt may thay đổi để tồn tại
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang rất nỗ lực để thích ứng với những thách thức của thị trường. Đơn cử như việc hiện nay xuất khẩu ngành dệt may không còn chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.
Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia ở EU. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dịch tầm nhìn, mô hình hoạt động sang các nước như châu Phi, Mexico… Doanh nghiệp ngành cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa và thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi.
Bên cạnh đó, khi đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm, không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để đảm bảo việc ổn định cho người lao động.
Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp bằng mọi biện pháp giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng để giữ vững kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm. Để tăng khả năng cạnh tranh, ngành may mặc Việt Nam cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu, ông Lê Tiến Trường cho hay.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Ðồng thời, bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu; sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, nhằm giúp doanh nghiệp có đơn hàng, vượt qua khó khăn trước mắt, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề xuất, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU, cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may.
Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất. Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia... Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ…
Dự báo về triển vọng của ngành dệt may, theo VNDirect Research, ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong quý I/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo FTA này, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2 - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023 nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tranh thủ tối đa cơ hội này để duy trì và phát triển hoạt động của doanh nghiệp./.