Doanh thu toàn ngành TT&TT năm 2024 tăng trưởng 13,2%
Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023, đóng góp vào GDP ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin (ATTT) mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.
Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu” (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia “làm gương”, đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.
Tháng 11/2024, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam, theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.
Bộ TT&TT đã tích cực, chủ động tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bộ cũng đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành 1 Nghị quyết của Bộ Chính trị; Chính phủ thông qua 2 hồ sơ đề nghị xây dựng luật, ban hành 4 Nghị quyết Chính phủ, 7 Nghị định Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Quyết định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện và ban hành theo thẩm quyền 26 Thông tư.
Ngoài ra, Bộ TT&TT còn đang xây dựng 2 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Luật Bưu chính, 6 Nghị định Chính phủ, 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, thực hiện thành công cuộc cách mạng CĐS, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành TT&TT ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 2% so với năm 2023.
Doanh thu lĩnh vực bưu chính tăng 21%
Lĩnh vực bưu chính đạt doanh thu dịch vụ ước đạt 71.140 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 110,8% kế hoạch năm 2024; nộp NSNN ước đạt 5.019 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024.
Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 3,2 tỷ bưu gửi, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 98,5% kế hoạch năm 2024. Tổng sản lượng bưu gửi phục vụ Đảng, Nhà nước (bưu gửi KT1) toàn mạng ước đạt 4.198.282 bưu gửi, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023 (3.976.575 bưu gửi).
Doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 147.000 tỷ đồng
Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 3,49% so với năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 (79%).
Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 94 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (85,7 thuê bao/ 100 dân). Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP đạt 103,9 triệu thuê bao, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Lượng phổ tần đã cấp cho thông tin di động tại Việt Nam đạt 640 MHz, đứng thứ 4/10 trong ASEAN, tăng 5 bậc so với năm 2023.
Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet của Việt Nam đạt 65,5% (vượt chỉ tiêu năm 2024), tăng 6,5% so với năm 2023; cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,6 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 trên toàn cầu (tăng 2 bậc so với cuối năm 2023); xếp trên Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tỷ lệ ký số tài nguyên Internet Việt Nam (ROA/RPKI) đạt 96,4%, tăng 8,4% so với năm 2023. Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về tỷ lệ ký số tài nguyên Internet.
Tên miền lũy kế đạt 628.000 tên miền, dự kiến 31/12/2024 đạt 630.000 tên miền, tăng trưởng 3,6% (trong bối cảnh tên miền .com toàn cầu giảm 1,8% so với năm 2023, ccTLD tăng trưởng 1,4% năm 2024). Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thứ 40 trên toàn cầu.
Lĩnh vực CĐS quốc gia: Thành lập 93.524 tổ công nghệ số cộng đồng
Điểm đánh giá mức độ CĐS (DTI) năm 2023 quốc gia là 0,7326 tăng trưởng 3% so với năm 2022 (0,7111), tăng 50,8% so với năm 2020 (0,4858).
Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 12/2024 là: 1,031 tỷ giao dịch (tăng 56% so với năm 2023). Chỉ riêng năm 2024, số giao dịch thông qua nền tảng NDXP bằng 1/2 tổng số giao dịch của 4 năm trước đó.
Bộ TT&TT đã rà soát và công bố hơn 150 nền tảng số từ các bộ, ngành và địa phương nhằm tối ưu hóa đầu tư, tránh chồng lấn và lãng phí. Năm 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo được thúc đẩy ứng dụng để hướng tới cung cấp AI như một dịch vụ.
Tính đến hết năm 2024, 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 93.5524 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với khoảng 457.820 thành viên tổ đến cấp xã, phường, thôn, bản, phố, khóm. Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức bồi dưỡng, phổ biến, tập huấn (hình thức trực tiếp/trực tuyến) tại 57/63 tỉnh, thành phố đến các tổ CNSCĐ (tháng 9/2024 - 12/2024), gắn với 5 nội dung kỹ năng số cơ bản phổ biến như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng nền tảng số của địa phương.
Lĩnh vực đã tổng hợp các mô hình hay, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong hoạt động của tổ CNSCĐ trong công tác CĐS để phổ biến, chia sẻ. Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, đến nay tổ CNSCĐ đã hình thành một mạng lưới CĐS rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác CĐS chung của quốc gia là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Về xây dựng nền tảng bồi dưỡng kỹ năng CĐS cho người dân, từ năm 2022 đến nay, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức 15 khóa bồi dưỡng về CĐS cho tổng cộng 751.505 cán bộ học viên trong cả nước trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs. Các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng Nền tảng MOOCs để chủ động bồi dưỡng cho tổng cộng 490.200 cán bộ học viên; thực hiện phổ cập kỹ năng số cho người dân trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs với hơn 40 triệu lượt truy cập khóa học.
Lĩnh vực ATTT mạng bảo vệ người dân khỏi lửa đảo trực tuyến
Doanh thu lĩnh vực ATTT mạng ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền nộp NSNN của doanh nghiệp (DN) hoạt động ATTT mạng ước đạt 794 tỷ đồng, tăng 156%,8% so với năm 2023 (309 tỷ đồng).
Số lượng lao động của DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng ước khoảng 4.249 lao động, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số hệ thống thông tin (HTTT) trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 8.339 hệ thống. Trong đó, 7.817 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn HTTT, đạt 93,7%.
Lĩnh vực bảo vệ 1,3 triệu người dân, không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Lĩnh vực đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật.
100% bộ, ngành, địa phương được hỗ trợ rà soát, triển khai các biện pháp an toàn, an ninh mạng thông qua các nền tảng do Bộ TT&TT phát triển. 622 lượt cán bộ chuyên trách ATTT trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, DN được tham gia diễn tập thực chiến do Bộ TT&TT tổ chức.
Tính đến hết năm 2024, cả nước đã có hơn 13,33 triệu chứng thư chữ ký số (CKS) được cấp (bao gồm hơn 12,45 triệu chứng thư CKS công cộng và khoảng 880.000 chứng thư CKS chuyên dùng Chính phủ).
Kinh tế số - xã hội số tăng trưởng 20%
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP (ước tính) 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SME) CĐS: Số lượt DN tiếp cận Chương trình đạt trên 1,3 triệu lượt. Số lượng DN SME sử dụng nền tảng của Chương trình vượt 400.000 DN, chiếm 43,5% tổng số DN trên cả nước.
Tỷ lệ người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) các nền tảng số Việt so với nền tảng số nước ngoài trên các ứng dụng di động năm 2024 là 25,25%. Tổng số lượt tải mới ứng dụng về thiết bị di động xếp hạng thứ 11 toàn thế giới.
Việt Nam có 7 ứng dụng di động có số lượng người dùng trên 10 triệu (Zalo, Zing MP3, Ví MoMo, Báo mới, VnEID, MB Bank, Vietcombank và My Viettel...). Tiếp theo nhóm này, phân khúc ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động đạt 5 - 10 triệu hiện nay có trên 10 ứng dụng do DN, cá nhân người Việt phát triển.
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số: 54.500 DN đang hoạt động
Lĩnh vực đạt doanh thu ước đạt 3.878.296 tỷ đồng (~151,86 tỷ USD, tính theo tỷ giá 25.538,77 đồng/USD), tăng 11,2% so với năm 2023 (137 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132,341 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2023.
Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 31,8%, tăng 3,1 điểm % so với năm 2023.
Tính đến ngày 31/11/2024, số DN công nghệ số đang hoạt động là 54.500 DN, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
CĐS báo chí, công tác truyền thông chính sách được đẩy mạnh
Doanh thu của báo chí in, báo chí điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. So với năm 2023, năm 2024, mức độ trưởng thành CĐS báo chí ở mức xuất sắc, tốt, khá đều tăng, cụ thể: Mức xuất sắc tăng 6,27%, đạt 9,93; Tốt tăng 14,99%, đạt 23,05; Khá tăng 6,31%, đạt 19,50, mức yếu giảm 24,35%.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách cũng được đẩy mạnh, với 97,8% các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình truyền thông chính sách. Tỷ lệ tin bài về truyền thông chính sách trên các phương tiện báo chí cũng tăng từ 11% lên 20%, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực trong việc truyền tải thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân.
Doanh thu lĩnh vực phát thanh, truyền hình (PTTH) đạt 12.524 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023 (12.049 tỷ đồng). Doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023 (12.552 tỷ đồng).
Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2024 ước đạt 21,2 triệu thuê bao, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ (bao gồm VAT) ước tính đạt xấp xỉ 10.500 tỷ đồng, đạt cùng kỳ năm trước; Số lượng DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền: Tính đến tháng 12/2024 có 36 DN được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có 22 DN cung cấp dịch vụ truyền hình OTT.
Số lượng tài khoản người dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội Việt Nam đạt 110 triệu tài khoản (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023).
Cả nước hiện có tổng số 9.863 đài truyền thanh cấp xã/10.323 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 96% (mục tiêu năm 2024 là 98%); trong đó có 3.775 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, chiếm 38,3% (mục tiêu năm 2024 là 40%, tăng 1.683 đài so với năm 2023).
1.869 trang thông tin điện tử (TTĐT) phường, thị trấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023). 6.602 trang TTĐT xã (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). 841 bảng tin điện tử công cộng phường, thị trấn (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023). 1.223 bảng tin điện tử công cộng xã (tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023).
666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/704 huyện, quận, thị xã, thành phố; trong đó, có 625 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện đã sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao hoặc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện chiếm 93,8% (tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2023).
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Quy mô thị trường, sách nói tăng trưởng
Doanh thu lĩnh vực xuất bản ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024; Nộp NSNN đạt 380 tỷ đồng, giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 102,7% so với kế hoạch năm 2024.
Số đầu xuất bản phẩm in ước đạt 41.000 xuất bản phẩm, giảm 2,97% so với cùng kỳ năm 2023. Số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 4.050 đầu, tăng 20,75% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 107,7% kế hoạch năm 2024.
Số bản xuất bản phẩm in và điện tử ước đạt 557,5 triệu bản, bằng cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 105% kế hoạch năm 2024. Tỷ lệ nhà xuất bản (NXB) đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử ước đạt 54,4%, tăng 29,1 điểm % so với năm 2023.
Về lĩnh vực in, doanh thu ước đạt 90.160 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023 (92.000 tỷ đồng) và đạt 90,2% so với kế hoạch năm 2024. Lĩnh vực nộp NSNN đạt 3.334 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023 (3.402 tỷ đồng), đạt 100% so với kế hoạch năm 2024.
Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, doanh thu ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 96,57% so với kế hoạch năm 2024; Nộp NSNN đạt 68 tỷ đồng, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 94,44% so với kế hoạch năm 2024.
Số lượt nghe sách nói trong năm 2024 ước đạt 27.578.367 triệu lượt, tăng 19,7% so với năm 2023. Quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt trên 92 tỷ đồng, tăng 24% so với 2023; ước đạt trên 2.184 cuốn sách, tăng 8,61% so với năm 2023./.